Dân Trần
(VNTB) – Thay vì bỏ tiền mua nước hỗ trợ khẩn cấp cho người dân, Nhà nước lại bỏ hàng chục tỷ ra để đốt pháo bông trong vài chục phút.
Những ngày tháng 4 này, nóng cháy da, dọc những con đường ở Sài Gòn người dân cùng nhau đặt nhiều bình trà đá miễn phí để giúp nhau giải nhiệt giữa trưa nóng. Xuyên về miền tây, nước mặn đã xâm nhập vô đất liền tới cả trăm cây số.
Dân không có nước sạch để tắm giặt, ăn uống, còn cây cối, hoa màu thì chết rụi… Từ một vùng đất sông ngòi chằng chịt, phù sa màu mỡ, sau nửa thế kỷ sau 1975, miền Tây cạn khô và nước mặn biến cả một vùng châu thổ thành sa mạc.
Nhà nước đổ lỗi thì việc xâm ngập mặn là do tình trạng biến đổi khí hậu cùng với việc xây dựng các hệ thống thủy điện trên đầu nguồn sông Mekong. Biết là như vậy, nhưng khoa học hiện đại có rất nhiều giải pháp để xử lý, từ lọc nước mặn thành nước ngọt, xây hồ trữ nước.
Vậy mà, máy lọc nước cho người dân cũng không thấy ở đâu, hồ trữ nước ngọt của Đảng xây dựng thì lại bị nhiễm mặn trước tiên. Ví dụ, mới đầu tháng 2, hồ Kênh Lấp (Bến Tre), hồ chứa nước ngọt lớn nhất miền Tây, kinh phí đầu tư tới 85 tỷ đồng, đã bị nhiễm mặn. Để rồi mấy tháng nay người dân phải lặn lội đi tìm nước sạch, có người phải đi cả chục cây số để mua được nước về ăn uống, còn tắm giặt vẫn phải xài nước nhiễm mặn.
Hậu quả của tình trạng này không chỉ là vấn đề sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế và đời sống hàng ngày của người dân. Việc mua nước uống phải chi trả một khoản chi phí lớn, đồng thời cũng gây ra nhiều phiền toái về mặt thời gian và công sức. Và nước mặn sau khi tắm giặt, lại thấm vào đất, vậy là càng ngày đất đai càng bạc màu, đất ngọt phù sa dần dần mang vị muối biển, cây trồng không thể nào sống nổi.
Thế mà, thay vì bỏ tiền mua nước hỗ trợ khẩn cấp cho người dân, Nhà nước lại bỏ hàng chục tỷ ra để đốt pháo bông trong vài chục phút. Thật ra, trong thời đại ngày nay, việc bắn pháo bông trong các lễ hội lớn thì cũng được nhiều người thích thú, thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh người dân thiếu nước uống trầm trọng như hiện nay, pháo bông rõ ràng là điều không cần thiết vì hông gì cấp bách bằng sức khỏe và sinh mạng của người dân.
Đó là chưa kể chuyện bắn pháo hoa cũng gây ra những vấn đề về môi trường. Việc sử dụng hóa chất và vật liệu độc hại để sản xuất pháo bông có thể gây ra ô nhiễm không khí và nước. Thay vì lãng phí như vậy, Nhà nước có thể thay thế bắn pháo bông bằng các hoạt động thân thiện với môi trường và ít tốn kém hơn. Như các buổi biểu diễn nghệ thuật ánh sáng, biểu diễn âm nhạc gây quỹ…
Ngoài ra, cũng cần phải nói tới việc tổ chức ăn mừng không cần thiết trong ngày 30/4. Đây là cột mốc khiến nhiều người dân miền Nam phải chìm trong cảnh đau thương, mất mát. Những sai lầm trong chiến tranh và sau chiến tranh càng làm tăng nỗi đau của người dân. Nếu thật sự đảng cộng sản muốn thực hiện hoà hợp, hòa giải dân tộc, thì không nên nhắc tới những chiến thắng thấm đầy thù hận như vậy. Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động bất ngờ như hiện giờ, nếu nội bộ quốc gia bị chia rẽ thì kẻ thù là bên hưởng lợi nhiều nhất.
Là bên chiến thắng, thiết nghĩ đảng cộng sản phải tập trung nguồn lực để phát triển đất nước, dù trễ còn hơn không, nhất là trong lúc người dân đang đói khát khổ cực hiện nay. Sử dụng tiền ngân sách một cách hiệu quả, gia cố lại hồ chứa nước ngọt, tìm giải pháp bền vững, đầu tư khoa học kỹ thuật để giải bài toán khô hạn chính là cách vực dậy sức dân, củng cố lòng dân. Còn nếu tập trung vào những thứ phồn vinh giả tạo, thì chẳng những dân khổ, mà đất nước sẽ càng ngày càng thụt lùi, Đảng sẽ càng ngày càng suy yếu, vì dân nghèo thì lấy tiền đâu nuôi Đảng.