Thới Bình
(VNTB) – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định kiểm soát đặc biệt SCB.
Căn cứ tại Điều 146 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (tu chỉnh 2017), quy định: “Kiểm soát đặc biệt là việc một tổ chức tín dụng bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán”.
Những đại gia nào đang thao túng nhà băng?
Ngân hàng Nhà nước lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
Dư luận tiếp tục ngờ vực về bóng dáng các ông lớn/ bà lớn bất động sản liên quan với Vạn Thịnh Phát ẩn hiện sau những chiếc ghế nóng SCB.
Trong những báo cáo gần đây, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/ nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được kiểm soát; tình trạng sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng giảm mạnh.
Soi chiếu vào các quy định kiểm soát sở hữu chéo hiện nay, có thể thấy, đa phần ngân hàng không còn vi phạm quy định về sở hữu chéo, tức thực hiện theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Mặc dù vậy, giới làm ăn cho rằng sở hữu chéo vẫn là vấn đề cần quan tâm, bởi quy định hiện hành chưa giám sát hết các mối quan hệ sở hữu chéo giữa ngân hàng với doanh nghiệp sân sau của cổ đông lớn.
Điều dễ nhận thấy, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân hiện đều có cổ đông lớn là ông chủ, bà chủ của các tập đoàn bất động sản. Mối lợi của các cổ đông này khi nắm giữ cổ phiếu ngân hàng không phải từ việc tăng giá cổ phiếu, hay khoản cổ tức không mấy hấp dẫn của nhà băng. Rất có thể, lợi ích của các ông chủ, bà chủ tập đoàn bất động sản khi trở thành cổ đông lớn của nhà băng là có thể “bẻ lái” tín dụng đến dự án bất động sản sân sau.
Năm ông lớn quốc doanh làm ăn ra sao?
Trong bối cảnh trên, thử tìm hiểu các ông lớn quốc doanh như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank đang hoạt động ra sao, qua đó chuyện sẽ cử người sang tham gia quản trị, điều hành SCB mới có thể khiến nhân lực hiện tại của SCB ‘tâm phục, khẩu phục’.
Năm nay, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank ước đạt 34.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, vẫn cao hơn năm 2021. Mặc dù giống các ngân hàng khác, chênh lệch giữa lợi suất cho vay và lãi suất huy động trên thị trường 1 của Vietcombank có thể thu hẹp, nhưng ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ hoạt động cho vay trên thị trường liên ngân hàng khi lãi suất tăng nhanh.
Trong khi đó, lãi ròng của BIDV năm nay dự kiến tăng 56%, cao hơn tốc độ tăng 50,6% năm ngoái và mức tăng trưởng âm 15,5% năm 2020. Dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên tại BIDV không quá lớn khiến NIM (*) của ngân hàng không bị ảnh hưởng nhiều.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày công bố thông tin 30/09/2022, có tổng cộng 25 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành là 15.363 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng của Ngân hàng Bắc Á trị giá 235,4 tỷ đồng trong tháng 9/2022.
Ngân hàng vẫn là nhóm dẫn đầu với tổng giá trị phát hành 9.623 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) phát hành nhiều nhất với 3.090 tỷ đồng. Góc tối trong hoạt động kinh doanh của VietinBank là tổng nợ xấu tính đến ngày 30/06/2022 tăng 17% so với đầu năm, lên mức gần 16,667 tỷ đồng. Trong đó, có sự dịch chuyển từ nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ sang nợ có khả năng mất vốn, khiến nợ có khả năng mất vốn cao gấp 2.3 lần đầu năm, lên hơn 11,858 tỷ đồng.
Với dư nợ cho vay tăng thấp hơn nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của VietinBank cũng nhích tăng từ 1.26% đầu năm lên mức 1.35%.
Đối với Agribank, năm ngoái, nhà băng này thoái vốn khỏi Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng, thoái một phần tại CMC, hiện đang xây dựng phương án trình Ngân hàng Nhà nước cho thoái vốn tại Agriseco và ALCI.
+ Chú thích:
(*) Hệ số NIM, Net Interest Margin, hay biên lãi ròng là sự chênh lệch phần trăm giữa thu nhập từ lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng.