VNTB – Nghề bơm mực viết Bic ở Sài Gòn sau tháng tư, 1975

VNTB – Nghề bơm mực viết Bic ở Sài Gòn sau tháng tư, 1975

Trần Dzạ Dzũng

(VNTB) – Người Sài Gòn trước 1975 xài viết viết mực có đầu bi, và họ lấy luôn tên nhà sản xuất để gọi cho loại viết này: viết Bic.

 

Viết bi có chứa một ống mực đặc, khi viết, mực được in lên giấy nhờ chuyển động lăn của một viên bi nhỏ, với đường kính khoảng từ 0.5 đến 1.2mm gắn nơi đầu ống chứa mực.

Kim loại dùng cho đầu bi thường là thép, đồng thau, hoặc hợp kim Wolfram carbide, hay còn được gọi là Tungsten carbide. Nó được hình thành và phát triển như là một giải pháp dùng để viết một cách sạch sẽ hơn bút chấm mực và viết máy, và bây giờ nó đang là dụng cụ dùng để viết phổ biến nhất thế giới. Kết quả là viết bi đã ảnh hưởng đến nghệ thuật và thiết kế đồ hoạ và sinh ra một thể loại nghệ thuật vẽ bằng viết bi.

Sách Bách Khoa toàn thư cho biết như sau: viết Bic là một loại viết bi dùng một lần rẻ tiền được Société Bic của Clichy, Hauts-de-Seine, Pháp sản xuất đại trà và bán. Nó được giới thiệu vào tháng 12 năm 1950 và là cây viết bán chạy nhất thế giới – 100 tỷ cây bút đã được bán đến ngày tháng 9 năm 2006. Nó đã trở thành cây viết bi cổ điển và được coi là phổ biến đến mức mà Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (The Museum of Modern Art, đặt tại thành phố New York) lưu một cây viết bi này vào bộ sưu tập vĩnh viễn của nó.

Hình dạng và thiết kế hình lục giác của nó bắt chước một cây viết chì cổ điển và nó được bán với sáu loại đầu bi và 18 màu trên khắp thế giới.

Về lý thuyết, mực viết bi thường là một loại bột nhão chứa khoảng 25 – 40% thuốc nhuộm. Các thuốc nhuộm được trộn trong một dung môi ‘dầu’. Các loại dầu phổ biến nhất là rượu enzyl hoặc phenoxyethanol, trộn với thuốc nhuộm để tạo ra một hỗn hợp mịn có khả năng khô nhanh chóng.

Thuốc nhuộm được sử dụng trong viết bi màu xanh và đen là thuốc nhuộm cơ bản dựa trên thuốc nhuộm triarylmethane và axit có nguồn gốc từ các hợp chất diazo hoặc phthalocyanine. Thuốc nhuộm phổ biến trong mực xanh lam và đen là xanh Phổ, xanh Victoria, tím methyl, tím pha lê và xanh phthalocyanine. Thuốc nhuộm eosin thường được sử dụng cho mực đỏ.

Nghe có vẻ rườm rà công thức, song ở Sài Gòn một thuở người ta đi đến đâu cũng có thể thấy những tủ nho nhỏ bên đường giống như bán thuốc lá dạo, với nghề bơm mực viết Bic.

Đầu tiên, khi nhận viết bi của khách, ông thợ sẽ dùng cây kim gút loại nhỏ nhất để chọt tháo đầu bi khỏi ống đựng mực, rồi dùng ‘Alcohol’ tức là cồn để tẩy sạch chỗ mực cũ.

Viên bi nhỏ xíu được lăn trên tờ giấy nhám loại mịn nhất, hoặc lăn ở phần mặt sau của tờ giấy bạc bao thuốc lá hiệu 555, hay Capstan. Sau đó ráp trở lại và di di đầu bút trên giấy xem đầu bi có trơn hay không. Nếu bi mòn, chỉ chực tuột ra ngoài đầu viết, thì thay viên bi mới hơn lấy từ cây viết cũ nào đó.

Xong xuôi là sang bước dùng ống chích y tế để bơm mực vào ruột viết. Cầm cái ruột viết được bơm đầy mực mới, người thợ ngoáy trên tờ giấy để thử và cũng để cho đều mực. Mực dính đầu bi rồi in hằn lên mặt giấy. Nét viết to hay nhỏ, tùy thuộc kích cỡ của viên bi.

Về sau, người làm nghề này kiêm luôn nghề “bơm quẹt ga”.

Thường thì những ông thợ rành nghề “bơm mực viết Bic” sẽ hạn chế được chuyện rủi ro là cây viết Bic mới bơm mực đó giở quẻ ‘tuột bi’ để rồi chảy mực ra loang lỗ luôn vị thầy ký nào đó dắt túi áo cây viết Bic này. Nhiều trường hợp sinh viên bỏ cây viết Bic vô cặp, mực dầu trong ruột viết không rõ sao cũng lại chảy ra…

Về sau, nhiều ông thợ đã giải nghệ nghề này cho biết sở dĩ có chuyện ‘chảy tè le’ như vậy vì mực bơm là mực in thải loại ra; nó thường loãng toẹt, cứ chảy dần trong viết, thấm cả ra ngoài.

Giờ nhắc lại để thế hệ sau biết rằng xứ mình sau “giải phóng”, văn sĩ, trí thức nếu bị nhà nước mới liệt vào “ngụy quân, ngụy quyền”, thì nếu may mắn “cải tạo tại chỗ” xong, thì hầu như ai cũng từng có lúc nhao ra đường kiếm sống. Dù ngượng ngùng, họ cũng phải phơi mặt ngoài đường để làm đủ thứ nghề từ lương thiện đến phe phẩy ngoài chợ trời như ở Chợ Cũ Hàm Nghi, Chợ trời Huỳnh Thúc Kháng, khu Lăng Ông – Bà Chiểu…

Bơm mực viết Bic coi ra chỉ là lát cắt nhỏ xíu trong bức tranh vân cẩu một thời ấy.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)