Mai Lan
(VNTB) – “Bà con nghèo, xa quê đi làm ăn ở Sài Gòn, Hà Nội,… bây giờ 15 ngày hoặc có thể lâu hơn không làm gì thì trở về quê để nương náo lại bị cách ly, đóng tiền, mình thấy không ổn chút nào về nghĩa đồng bào!”
Nhà báo Cao Minh Hiển của báo Thanh Niên chia sẻ cảm nghĩ.
Tin tức trên báo chí cho biết, đến chiều 5-4, đã có 10 người từ Hà Nội đến Hải Phòng thuộc diện cách ly phải tự trả phí. Theo đó, người cách ly ở Hải Phòng tự trả phí gồm: ăn uống, sinh hoạt, nơi nghỉ là 75.000 đồng/ngày/người. Ở Đà Nẵng là 120.000 đồng/ngày/người.
Một số địa phương có người từ Sài Gòn, Hà Nội về Quảng Nam đã được cách ly như huyện Núi Thành 83 người, huyện Thăng Bình 52 người, Đại Lộc 50 người, thị xã Điện Bàn 44 người… Theo nội dung ở công văn 1779 của UBND tỉnh Quảng Nam, thì sẽ có thu phí với những đối tượng này. Tuy nhiên thu nội dung gì, mức thu bao nhiêu, miễn giảm cho đối tượng nào… để đảm bảo hợp tính hợp lý, đúng quy định thì UBND tỉnh sẽ trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định tại kỳ họp sắp tới.
Từ Sài Gòn, ông Mai Văn Dưỡng chia sẻ ngậm ngùi: “Tôi có nhà cho thuê nên tôi biết nhiều người họ cũng không muốn về quê, nhưng thực lòng ở lại thì họ cũng không biết lấy cái gì để mà ăn, bởi không đi làm được, mặc dù tôi có thể cho họ tiền nhà, nhưng tiền ăn thì làm sao tôi có thể cho họ được?. Vì vậy họ bắt buộc phải về quê, dù sao họ vẫn còn có người thân anh em họ hàng sẽ không để họ đói. Nay ông giám đốc sở y tế tỉnh Quảng Nam đưa công văn chỉ thị ra mà nói thì thực sự cũng thấy buồn. Chính Phủ Việt Nam còn đem máy bay sang tận vùng dịch để đón người Việt về. Đây cũng là sự thể hiện của chính phủ quyết không để người nào ở lại phía sau…”.
Quê hương là nơi để người ta quay về, ngay cả lúc thành công cũng như thất bại. Cấm họ quay về lúc hoạn nạn, sao không nghĩ đến những lúc chính quyền những tỉnh này vào Sài Gòn kêu gọi ‘đồng hương’ đóng góp kinh phí, giúp đỡ quê nhà?
Tạm gác qua câu chuyện cảm tính, xét về lập luận pháp lý, liệu việc thu phí cách ly với biện minh là: “Ban Chỉ đạo nêu dẫn chứng, theo qui định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Luật Hình sự, những người từ vùng dịch này cố ý đi đến địa phương khác sẽ bị xử phạt hành chính hoặc đến mức nguy hiểm phải xử lý hình sự theo hướng dẫn mới nhất của Toà án tối cao số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19” (1) có đúng hay không?
Chỉ cần tìm đọc toàn bộ nội dung văn bản Toà án tối cao số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020, sẽ thấy không có bất kỳ liên quan nào như ‘hăm dọa’ mà nhà chức trách ở Quảng Nam đưa ra (2).
Trước hết, khác với giai đoạn đầu của 16 ca nhiễm, hiện tại dịch Covid-19 được Thủ tướng công bố là dịch trên toàn quốc. Do đó hoàn toàn không thể cho rằng vùng dịch chỉ có ở Hà Nội, TP.HCM như lời của ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam – người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam.
Thử tìm câu trả lời cho hai băn khoăn sau sẽ rõ hơn về nghĩa đồng bào lúc này: thứ nhất, Chỉ thị thủ tướng đã nói rõ là khuyến cáo, không ngăn sông cấm chợ. Vậy một số địa phương dựa vào đâu để nói người về từ Hà Nội và TP.HCM là vi phạm pháp luật?. Vậy các tỉnh thành khác không làm giống như vậy, phải chăng là đang dung túng người vi phạm pháp luật? Hành vi bắt buộc cách ly và tự trả phí có phải là quá phản cảm và kỳ thị địa phương hay không?.
Thứ hai, thử hỏi nếu TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh thành khác người ta cũng làm thế thì sao? Còn nữa, nếu những người đi làm việc, công tác ở TP.HCM và Hà Nội hết thời hạn thì người ta chẳng về thì lấy đâu ra tiền mà ăn ở?
Tuy nhiên câu chuyện ở tỉnh Quảng Nam đã có cái kết thể hiện được tính cầu thị của chính quyền nơi đây.
Chiều 6-4, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết sáng cùng ngày, tại phiên họp giao ban của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam, sau khi nghe Thường trực UBND tỉnh và các ngành liên quan báo cáo tình hình công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, công tác thành lập và vận hành các khu cách ly tập trung, xem xét đánh giá tình hình thực tế và dự báo trong thời gian tới, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chỉ đạo một số nội dung để thực hiện trong thời gian tới.
Ông Phan Việt Cường đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam vận động, sử dụng nguồn xã hội hóa để hỗ trợ tiền ăn trong trường hợp cách ly tập trung đối với người dân Quảng Nam từ vùng dịch trở về tỉnh từ ngày 1-4 đến 15-4; phối hợp Hội đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội, TPHCM và các tỉnh thành khác hỗ trợ đồng bào xa quê có hoàn cảnh khó khăn trong tình hình dịch hiện nay; vận động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân cùng ngân sách tỉnh thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Ông Phan Việt Cường cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam nghiên cứu hỗ trợ kinh phí thực hiện xét nghiệm, chỗ ở, điện, nước cho những đối tượng trên.
_________________
Chú thích:
(1) https://plo.vn/dich-covid-19/vi-sao-quang-nam-thu-phi-tien-an-nguoi-ve-tu-tp-hcm-ha-noi-902765.html; https://vtc.vn/tin-tuc-trong-ngay/quang-nam-thu-phi-cach-ly-giam-doc-so-y-te-noi-gi-ar537749.html