Cảnh Chân
(VNTB) – Nếu cứ để đảng độc tài lãnh đạo, thì ngày hôm nay thủ đô “mất nước”, ngày mai Việt Nam cũng không còn.
Những ngày qua báo chí lề đảng liên tục đưa tin “Hà Nội mất nước, người dân thủ đô phải bán nhà đi nơi khác”. Những từ “mất nước”, “khát nước” là thường được lực lượng tuyên giáo, dư luận viên cộng sản dùng để hạ nhục người dân Việt Nam Cộng Hoà trước đây. Thế nhưng bây giờ, chính họ cũng phải thừa nhận, và chịu đựng theo đúng nghĩa đen của nó.
Dân thủ đô khát nước
Báo Công Thương có bài viết mang tựa đề “Hà Nội: Mất nước, hàng nghìn người dân chật vật đi… xin nước”. Báo Lao Động giật tít “Sống cảnh mất nước, người dân KĐT Thanh Hà chán nản muốn bán nhà, về quê”; nhưng ngay sau đó đã sửa thành “mất nước sạch”. Báo điện tử VOV đăng bài “Vụ khu đô thị Thanh Hà bị mất nước: Sẽ cấp nước sạch luân phiên”….
Cụ thể, thời gian qua tình trạng mất nước diễn ra khắp nơi ở mà cộng sản chọn là thủ đô. Hàng loạt khu dân cư ở các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Hoài Đức… bị mất nước khiến hàng chục ngàn người dân bị xáo trộn cuộc sống.
Có nơi phải xếp hàng để mua nước sạch với giá cao, có nơi phải tái sử dụng nước dơ, có nơi thì hạn chế tắm giặt. Có nơi cả khu dân cư bị nổi mẩn ngưa, cay mắt, viêm mũi, viêm phụ khoa… do sử dụng nước dơ trong thời gian dài.
Tình hình “khát nước” nghiêm trọng tới mức nhiều người đã treo bảng biểu tình “đòi nước”. Một số người bất mãn tới mức tuyên bố sẵn sàng bán nhà giá rẻ, bỏ thủ đô để đi nơi khác sống. Nhưng bán nhà ở nơi mất nước thì khó tìm ra người mua, nên đành ở lại chịu đựng.
Điển hình là ở khu đô thị Thanh Hà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Báo điện tử VTC News mô tả nơi đây có 26 toà nhà với hơn 26 nghìn dân người dân sinh sống, nhu cầu sử dụng nước sạch trung bình khoảng 3.500m³/ngày đêm. Tình trạng mất nước diễn ra hơn 10 ngày qua ở đây khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Nhiều cửa hàng kinh doanh phải dừng hoạt động, nhiều hộ dân phải mua nước đóng bình cầm cự qua ngày, một số gia đình đã lên kế hoạch bán nhà hay về quê tạm thời để tránh tình trạng “khát nước”.
Quả thật, câu chuyện “Hà Nội mất nước, người dân phải bán nhà đi nơi khác” càng tô đậm thêm câu nói “cột điện có chân cũng muốn chạy khỏi Việt Nam”. Trớ trêu thay, đây là một thực trạng mà người dân thủ đô đang đối mặt. Vì sao lại như vậy?
Lũ lụt nhưng vẫn mất nước, nguyên nhân: bán nước lỗ vốn
Thời điểm này Hà Nội các con sông cung cấp nước cho Hà Nội đang rất dồi dào, thậm chí thượng nguồn còn xảy ra lũ lụt. Cho nên tình trạng mất nước chủ yếu là do con người, cơ chế chứ không đổ lỗi cho trời được. Các dự án nước sạch chậm tiến độ, cơ chế quan liêu dẫn tới hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp mà không có phương án dự phòng.
Vậy nhưng, nhà cầm quyền cho rằng lý do chính là do bán nước bị lỗ. Chánh văn phòng UBND thành phố Trương Việt Dũng nói rằng 10 năm nay Hà Nội đã không thay đổi giá nước sạch. Trong khi chi phí đầu tư đã tăng nhiều lần trong một thập kỷ vừa qua. Một số công ty thua lỗ nặng, phải xin nhà nước tìm giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn.
Tuy nhiên, lỗ có lẽ chỉ là một lý do để cộng sản hợp thức hoá việc tăng giá nước, và bán giá luỹ kế giống như các EVN làm với giá điện. Vì sau khi than lỗ, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10 m3 đầu tiên ở Hà Nội ngay lập tức tăng từ 5.973 lên 7.500 đồng; giá nước sau 10 m3 đầu tiên sẽ tăng lũy tiến. Từ năm 2024 sẽ tăng lên 8.500 đồng/m3 một hộ gia đình mỗi tháng và cũng tăng luỹ kế sau 10m3.
Nhiều năm qua, người dân thường mỉa mai gọi Việt Nam cộng sản hiện nay là nhà nước Đại Lỗ. Than khoáng sản lộ thiên, chỉ cần xúc lên bán cũng lỗ. Trữ lượng dầu mỏ dồi dào cũng lỗ. Phá rừng chặt gỗ bán cũng lỗ, đào vàng cũng lỗ, bán điện độc quyền cũng lỗ… Và bây giờ, đang mùa lũ mà bán nước cũng lỗ, để người dân phải chịu cảnh mất nước ngay tại thủ đô.
Cả một hệ thống chính trị với hơn 5 triệu đảng viên, tự xưng là ưu tú nhất đất nước, mà đụng tới đâu lỗ tới đó thì xứng đáng bị đào thải. Muốn thoát lỗ triệt để thì Việt Nam phải có dân chủ và người dân được quyền bầu chọn ra những nhân tài lèo lái con thuyền quốc gia. Còn nếu cứ để đảng độc tài lãnh đạo, thì ngày hôm nay thủ đô “mất nước”, ngày mai Việt Nam cũng không còn.