VNTB – Người làm bún và rượu gạo đang khốn đốn vì giá gạo tăng mỗi ngày

VNTB – Người làm bún và rượu gạo đang khốn đốn vì giá gạo tăng mỗi ngày

Thới Bình

(VNTB) – Nguồn gạo giá rẻ nhập khẩu nhiều năm qua để làm bún, phở… đang bị đứt hàng khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo

 

Bà L.T.L., nói rằng bình thường bà kéo từ 4 đến 5 tấn gạo cho nấu rượu. Thế nhưng giờ mối lái chỉ bỏ… hai bao gạo thôi vì giá gạo đang tăng từng ngày.

Nguồn gạo giá rẻ nhập khẩu từ Ấn Độ nhiều năm qua để làm bún, phở… đang bị đứt hàng khi nước này cấm xuất khẩu nên những người nấu rượu thủ công như bà L.T.L. khốn khó trong việc xoay xở nguồn gạo là điều dễ hiểu.

Đã vậy ở nghề nấu rượu, theo chia sẻ của bà L., thì gạo cũ nấu mẻ rượu mới ngon, nên việc tìm kiếm thay thế nguồn gạo nhập từ Ấn Độ về ở hiện tại thật sự là nan đề.

“Gạo 504 có đặc điểm hạt gạo dài, trắng ngà, ít tấm. Nếu dùng để làm bánh, bột hoặc bún phải là loại gạo được chà từ lúa trữ 1 năm trở lên. Còn gạo 504 mới xay có đặc tính nở xốp và mềm cơm hơn nên không phù hợp để sản xuất” – một chủ lò bún ở Sài Gòn cho biết vậy.

Ở nghề rượu, khi giá gạo lên thì nhiều lò đã chọn việc pha trộn các hóa chất khác vào mẻ rượu để có thể giữ được giá rượu tăng ở mức nhẹ nhàng nhất.

Với bún, thì, “người tiêu dùng chỉ nhìn sợi bún thôi, đâu biết bún nào là sạch, bún nào là bẩn. Bún sạch thì phải trải qua 15 công đoạn sản xuất, ủ gạo đúng tiêu chuẩn nên 1kg gạo chỉ ra được 1,6 – 1,7kg bún, trong khi bún bẩn thì có khi chỉ ủ gạo 2 tiếng rồi làm bún, khi đó nếu không có hóa chất thì sao bún ra được sợi?” – một chủ lò bún khẳng định vậy.

Theo lý giải của một số tiểu thương, ngoài giá gạo tác động đến giá bột, bún… thì còn do giá xăng tăng nên đã đẩy giá của các mặt hàng này tăng theo. Hiện tại, gạo 504 có nơi rao bán giá bỏ sỉ lên tới 16.500 đồng/kg, tức tăng đến 6.500 đồng so với thời gian trước khi có lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ.

Thường hàng năm, loại gạo 504 còn được nhiều mạnh thường quân chọn mua để phát quà từ thiện ở mùa vu lan tháng bảy âm lịch. Theo quảng cáo thì hột gạo 504 dạng bầu, với đặc tính nở, xốp, khô, không dính phù hợp trong việc làm nguyên liệu sản xuất, những khách hàng có sở thích chuộng cơm khô.

Mọi người ăn cơm nấu bằng gạo 504 hơi khô nhưng lại rất ngon với tất cả các món kho… cá kho hay thịt kho đều ngon “tuyệt cú mèo”.

Nhược điểm lớn nhất của gạo 504 là dễ bị ẩm mốc nên chuyện mua trữ gặp khó, khi kho hàng từ phía người nấu rượu, làm bún không đảm bảo các điều kiện về nhiệt và độ ẩm.

Giá một số loại gạo thơm cũng đang tăng từ khoảng một tuần nay. Cụ thể, gạo Nàng Hoa đang có mức giá dao động từ 19.500 – 20.000 đồng/kg tăng 1.000 – 1.500 đồng/kg, gạo Nàng Hương Chợ Đào có giá 21.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg, gạo Thơm Lài có mức giá 18.000 đồng/kg…

Khảo sát tại thị trường TP.HCM cho thấy nguồn cung gạo vẫn ổn định, đa dạng các loại gạo, sức mua không có sự tăng đột biến, nhưng việc lấy mối sỉ vài tấn gạo mỗi đợt như trường hợp bà L.T.L., thì các vựa từ chối, chỉ cung cấp một lần hai bao, tức 200 kg với lý do “giữ mối”.

Nhiều chủ cửa hàng cho biết, vẫn giữ nguyên giá bán do lượng gạo cũ còn. Trong thời gian tới, giá gạo có thể tăng nếu các giá nhập hàng cao hơn.

Ghi nhận tại công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi (Đồng Tháp), các nguyên liệu bột khác cũng đang tăng giá do ảnh hưởng của tình hình thế giới, như giá bột khoai tây và bột Hà Lan nhập khẩu giá tăng từ 22.000 đồng/kg lên 41.000 đồng/kg.

Mặc dù vậy, việc tiêu thụ sản phẩm chậm lại 25 – 30%, do tác động suy thoái ảnh hưởng sức mua. Giá sản phẩm phải tăng từ 5 – 11% mới bằng với giá gạo.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)