Hiền Vương
(VNTB) – An vị lư hương tại tượng đài Trần Hưng Đạo sau 3 năm bị ‘di dời giải tỏa’…
Trước đó, vào tháng 2-2019, quận 1 Sài Gòn dự tính chỉnh trang lại khu vực tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo, đồng thời có một lệnh bất ngờ của cấp lãnh đạo nào đó đã dời lư hương dưới tượng đài mang về đền thờ trên đường Võ Thị Sáu, khiến nơi đây dưới chân tượng Đức Thánh Trần ở đền có tới hai đỉnh hương đồng.
Thời điểm đó, Bí thư quận 1 là bà Trần Kim Yến nói có thể một số người cho đây là vấn đề nhạy cảm, song đặt lư hương giữa công viên, là nơi công cộng, để thờ “không phù hợp lắm”. Việc dời lư hương về đền thờ nhằm phục vụ thờ phụng đúng chỗ, trang nghiêm hơn.
Trong lúc ấy thì không ít ý kiến ngờ vực rằng chuyện dời lư hương này là chủ ý của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, vì ông sợ với đỉnh hương dưới chân tượng đài Đức Thánh Trần sẽ tiếp tục là điểm hẹn của các nhóm xã hội dân sự mỗi khi có những sự kiện như tưởng niệm Hải chiến Hoàng Sa 1974, chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung Quốc tháng 2-1979, Gạc Ma 1988, Vị Xuyên 1984 – 1989,…
Nói rõ hơn, khi ấy, khoảng mươi ngày nữa là tới 17 tháng 2 – tròn 43 năm Trung Quốc xua quân qua biên giới nhằm “dạy” cho Việt Nam một… bài học! Và tham vọng… dạy dỗ đó tới giờ vẫn còn nguyên hệt như Putin xua quân Nga xâm lược Ukraine hiện tại.
Khi ấy, có lẽ Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nghĩ rằng chỉ cần mang xe tới cẩu lư hương đặt trước tượng Đức Thánh Trần mang đi nơi khác để ngăn cản.. tụ tập đông người là sẽ làm đẹp lòng bề trên phương Bắc.
Đúng là khó thể quên, khó thể tha thứ khi 17-2-2019 – lúc Trần Hưng Đạo, một anh hùng dân tộc mất lư hương là dịp mà dân chúng Việt Nam nói chung và dân chúng Sài Gòn/ TP.HCM nói riêng, nhân sự kiện cần nhớ ấy tròn 40 năm, dự tính tưởng niệm những người Việt hoặc đã hy sinh, hoặc bị giết trong cuộc chiến vệ quốc kéo dài hàng chục năm.
Việc dời lư hương nói trên đã lập tức vấp phản ứng rất mạnh từ dân chúng cho tới giới trí thức, bởi từ lâu lắm rồi, cái lư đặt dưới tượng đài Đức Thánh Trần là để người đời sau thắp hương, thành tâm kính bái vị danh tướng với bao khí phách và công đức để lại. Cái lư và tượng ấy đã là vật ấn tâm, bản thân dân chúng xứ này mang theo lòng biết ơn, thành kính Người mà tâm (ta) ấn vật (lư và tượng).
Đây là cách hành xử thiếu thận trọng liên quan đến một trong những biểu tượng tiêu biểu nhất cho tinh thần chống ngoại xâm của dân tộc.
Gác qua chuyện chính trị, chỉ cần một chút quan sát, chắc hẵn ông Nguyễn Thiện Nhân cũng nhận ra rất rõ rằng trong văn hóa, tín ngưỡng của người Việt, lư hương là thứ không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên và các đền, miếu thờ phụng. Riêng với các tượng đài công cộng về nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, cũng thường có lư hương để cúng bái, tưởng niệm.
Tuy vậy đúng là điều đó không bắt buộc, có thể có, cũng có thể không. Song một khi đã có cái đỉnh hương ấy dưới chân Đức Thánh Trần thì việc tạm gọi là cưỡng chế – di dời quả thật đã xúc phạm đến đời sống văn hóa tâm linh của người Sài Gòn.
Về mặt văn hóa, tín ngưỡng, khi di dời lư hương đang thờ phụng từ vị trí này sang vị trí khác, người ta thường phải coi ngày giờ phù hợp và khấn vái xin phép để mọi việc được suôn sẻ, tốt đẹp chứ không phải là cẩu thô bạo như từng xảy ra đối với đỉnh hương dưới chân Đức Thánh Trần.
Giờ thì lư hương đã an vị lại nơi chốn cũ.
Cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân – người hiện là đại biểu quốc hội của thành phố Thủ Đức, tiếp tục nợ người dân về lời giải thích thỏa đáng của chuyện dời lư hương này ở 3 năm về trước.
*Một số hình ảnh người dân đến thắp nhang ở lư hương Đức Thánh Trần đầu giờ chiều ngày 17-3-2022 do cộng tác viên VNTB gửi.
1 comment
17-2-2019: “lư hương” dưới chân tượng đài Đức Thánh Trần ở Sài Gòn bị nhà cầm quyền thành phố cưỡng chế và nhận án 3 năm quản thúc. Cái tội của “lư hương” mà nhà cầm quyền thành phố HCM rất khó chịu là vì đã thường xuyên tiếp xúc với người dân có ý chống bè lũ bành trướng Trung cộng và có ý bất phục hệ thống chính trị độc tài chuyến chế csVN.
17-3-2022: hết thời gian 3 năm bị cưỡng chế quản thúc,”lư hương” được trở về nguyên quán, và “lư hương” lại tiếp tục tiếp xúc với người dân để nuôi dưỡng ý chí chống bọn bành trướng Bắc Kinh và chống bọn tà quyền độc tài csVN.
Có thể trong thời gian tới “lư hương” lại bị nhà cầm quyền TP.HCM kết án và cưỡng chế quản thúc tiếp vì đã giúp người dân kết nối với ý chí của Đức Thánh Trần. Nhưng tốt nhất là nhà cầm quyền csVN nói chung và tại TP.HCM nói riêng nên từ bỏ thói háo danh – tham quyền – hám lợi, nên biết thành tâm lắng nghe và phục vụ người dân.