Việt Nam Thời Báo

VNTB – Người sử dụng lao động cũng cần được bảo vệ

 

Ngọc Lan

 

(VNTB) – Dường như cơ quan quản lý ở Việt Nam cảm tính lúc giải quyết những vụ việc đình công của người lao động.

 

Tin tức cho biết, hàng ngàn công nhân Công ty TNHH Triumph International Việt Nam ở Bình Dương đã ngưng làm việc vì chỉ được tăng 3% mức lương hàng năm, trong khi thỏa thuận trong hợp đồng trước đây là 5%.

Trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phía Công ty TNHH Triumph International Việt Nam (khu công nghiệp Sóng Thần 1, thành phố Dĩ An, Bình Dương) gặp một số khó khăn về tài chính dẫn đến việc doanh nghiệp chỉ tăng 3% mức lương theo công việc hoặc chức danh, thay vì 5% như trước đây. Đại diện công ty lý giải, nguồn cung ứng nguyên liệu, thị trường giảm sút dẫn đến khó khăn, hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Hiện tại, lợi nhuận của công ty đang rất thấp.

Không chấp thuận việc này, khoảng 2.700 công nhân của công ty không vào làm việc và yêu cầu doanh nghiệp phải giữ nguyên mức nâng lương hàng năm là 5%. Công nhân cho rằng mức tăng chỉ 3% không đủ trang trải cuộc sống của người lao động, trong bối cảnh giá cả thị trường ngày một tăng cao.

Sau khi sự việc xảy ra, Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương, tổ chức Công đoàn, chính quyền thành phố Dĩ An và một số đơn vị liên quan đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Triumph International Việt Nam.

Đoàn liên ngành đồng ý với lãnh đạo doanh nghiệp về khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh và vật giá như hiện tại, đoàn yêu cầu Ban Giám đốc công ty xem xét về việc điều chỉnh mức tăng lương cho người lao động để đảm bảo cuộc sống, cũng như ổn định tình hình an ninh trật tự, giữ chân người lao động gắn bó lâu dài. Đoàn liên ngành đề nghị Công ty ra thông báo nói rõ chính sách của Công ty bằng văn bản trong thời gian sớm nhất.

Không đồng ý với yêu cầu mang tính mệnh lệnh hành chính của đoàn liên ngành, phía sử dụng lao động cho biết đối với những người lao động không quay trở lại làm việc, công ty sẽ giải quyết theo đúng quy định pháp luật về lao động.

Như vậy ở đây cho thấy có một nhập nhằng về nghĩa vụ và trách nhiệm theo căn cứ quy định pháp luật liên quan.

Trước hết, nếu tỷ lệ 3% hay 5% về tăng lương không được sự đồng thuận, thì tổ chức công đoàn ở doanh nghiệp này phải tiến hành các quy trình theo quy định về pháp luật lao động, chứ không phải để xảy ra chuyện đình công kéo dài như vầy.

Tiếp theo, khi đình công diễn ra thì trách nhiệm của yêu cầu trật tự trị an thuộc về chính quyền địa phương, chứ không thể cho rằng đây là lỗi của phía sử dụng lao động để đoàn liên ngành đặt vấn đề cho yêu cầu phải giải quyết từ chủ doanh nghiệp.

Vấn đề khác liên quan, đó là trong bối cảnh nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá theo giá xăng, mức lương của lao động, công nhân khu công nghiệp hết sức khó khăn, thậm chí không đủ đáp ứng chi phí ăn ở ngày một tăng. Và đây không phải là lỗi của phía sử dụng lao động.

Thực tế trên báo chí cho thấy dường như ngay cả cơ quan quản lý nhà nước cũng đang có ý đổ trách nhiệm cho các chủ doanh nghiệp về chuyện lương bổng không đủ sống này.

Từ đầu tháng 3-2022, báo chí dẫn lời phát biểu của ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, rằng, “tiền lương tối thiểu theo vùng hiện không còn bảo vệ được người lao động yếu thế và có nguy cơ trở thành kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng, trả lương lao động thấp hơn”.

Theo báo chí thì vị thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất quy định lương tối thiểu theo giờ, bên cạnh việc nghiên cứu điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo vùng để bảo vệ người lao động, duy trì ổn định sản xuất, tránh xảy ra bất đồng giữa người lao động và chủ sử dụng lao động.

“Hiện chúng tôi đang khảo sát thu thập, mức sống của người lao động nhằm đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu theo vùng trong bối cảnh hơn 2 năm nay lương chưa được điều chỉnh. Từ 2016 – 2020, tiền lương tối thiểu tăng bình quân 7,4%/năm nhưng hai năm vừa qua lương vẫn neo mức cũ, không tăng nên năm nay cần xem xét điều chỉnh”, ông Quảng nói.

Dưới góc nhìn là nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp thực hiện việc trả lương cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật liên quan. Có thể những quy định này có gì đó chưa kịp tu chỉnh khiến đồng lương ít nhiều bất hợp lý, nhưng đó là trách nhiệm của cơ quan chuyên trách.

Sẽ làm mất niềm tin vào môi trường đầu tư ở Việt Nam, nếu như khi xảy ra việc đình công của người lao động, phía quản lý nhà nước lại vin vào yêu cầu ổn định tình hình an ninh trật tự để buộc doanh nghiệp phải đáp ứng yêu sách có thể thiếu thuyết phục về pháp luật lao động được gọi là chưa tu chỉnh như tiền lương nói trên chẳng hạn.


Tin bài liên quan:

VNTB – Giáo dân trông chờ Đức Thánh Cha sang thăm Việt Nam

Do Van Tien

VNTB – Ngày Nhà giáo thế giới

Do Van Tien

VNTB – Thư thỉnh cầu từ Người lao động khối Tiếp viên của Vietnam Airlines  

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo