Việt Nam Thời Báo

VNTB – Người tố cáo bị bắt về tội vu khống – Một tiền lệ nguy hiểm

Đức Minh

(VNTB) – Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, cũng là một trong những hình thức dân chủ trực tiếp để công dân tham gia việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân.

 

Theo trang web Đại Học Hàng Hải Việt Nam, đề tài luận văn tiến sĩ của ông Bùi Văn Cường là “Nghiên cứu tác động của tổ hợp chân vịt-bánh lái đến điều khiển hướng đi tàu thủy trên tuyến luồng Hải Phòng”.

Phía cá nhân tố cáo là ông Phạm Đình Quý, giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng. Theo ông Quý, luận án tiến sĩ của Bùi Văn Cường có ba chương nghiên cứu lý thuyết đã sao chép khoảng 70% các công trình được xuất bản trước đó. Ông Quý chỉ ra bằng chứng ông Cường còn sao chép từ các công bố khác, nhưng lại không trích dẫn nguồn tài liệu và trích dẫn tài liệu ngụy tạo.

Phía Viện Đào tạo sau đại học – Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã có kết luận là tỷ lệ sao chép là 12%; nguồn internet là 6%; nguồn xuất bản là 0%; nguồn luận văn/ đề tài là 9%. Kết luận, “đảm bảo tỷ lệ cho phép”.

Như vậy với tổng cộng là 27%, nghiên cứu sinh Bùi Văn Cường đạt yêu cầu quy định của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, là “tỷ lệ kiểm tra sao chép và tỷ lệ trích dẫn nhỏ hơn hoặc bằng 30%”.

Kết luận với con số tổng cộng 27% kể trên là tính toán của phần mềm kiểm tra Turnitin, phiên bản tiếng Việt. Còn tố cáo của ông Phạm Đình Quý, giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng, là viện dẫn các luận văn với tên tuổi cụ thể. Xét theo Luật Tố cáo, thì tiến trình xử lý phải minh bạch theo trình tự với các điều luật cụ thể như sau:

“Điều 35. Kết luận nội dung tố cáo

1. Căn cứ vào nội dung tố cáo, giải trình của người bị tố cáo, kết quả xác minh nội dung tố cáo, tài liệu, chứng cứ có liên quan, người giải quyết tố cáo ban hành kết luận nội dung tố cáo.

2. Kết luận nội dung tố cáo phải có các nội dung chính sau đây:

a) Kết quả xác minh nội dung tố cáo; b) Căn cứ pháp luật để xác định có hay không có hành vi vi phạm pháp luật; c) Kết luận về nội dung tố cáo là đúng, đúng một phần hoặc tố cáo sai sự thật; xác định trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến nội dung tố cáo; d) Các biện pháp xử lý theo thẩm quyền cần thực hiện; kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật; đ) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo gửi kết luận nội dung tố cáo đến người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thông báo về kết luận nội dung tố cáo đến người tố cáo.

Điều 36. Việc xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo

1. Chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo căn cứ vào kết luận nội dung tố cáo tiến hành việc xử lý như sau:

a) Trường hợp kết luận người bị tố cáo không vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo bị xâm phạm do việc tố cáo không đúng sự thật gây ra, đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật;

b) Trường hợp kết luận người bị tố cáo vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp hành vi vi phạm của người bị tố cáo có dấu hiệu của tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả xử lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý kiến nghị trong kết luận nội dung tố cáo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người giải quyết tố cáo về kết quả xử lý”.

Ở sự việc nêu trên, một khi chưa có “kết luận nội dung tố cáo”, song lại áp dụng biện pháp xử lý hình sự để khởi tố vụ án về tội danh vu khống, và đã bắt giữ hình sự ông Phạm Đình Quý, giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng là một hành vi vi phạm của cơ quan điều tra. Đây là một tiền lệ nguy hiểm. Cục Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cần làm rõ vụ việc này. Bởi nếu những người dám dũng cảm lên tiếng tố cáo các biểu hiện, dấu hiệu sai trái bị khởi tố hình sự, thì còn ai dám đứng ra tố cáo các sai trái mà pháp luật đã quy định!

Tin bài liên quan:

VNTB – Đảng cần xem lại chính mình…

Phan Thanh Hung

VNTB – Tiến sĩ chân vịt Bùi Văn Cường có dám tranh luận lại?

Phan Thanh Hung

VNTB – “Trong ấm, ngoài êm”!?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo