Việt Nam Thời Báo

VNTB – Người về trốn địch: bình tĩnh lắng nghe!

Chi Mai

 

Chính phủ lắng nghe Việt Kiều?!

Nữ Việt Kiều đại náo sân bay Nội Bài đã được báo chí chính thống lẫn cộng đồng mạng dùng làm thước đo chuẩn mực cho tất cả những “Việt Kiều” về quê trốn dịch.

Tất cả chỉ đều xoáy vào việc nữ Việt Kiều to tiếng với nhân viên sân bay để rồi bỏ qua đi những điều thật ra rất đáng quan tâm. Tuy nữ “Việt Kiều” có phần to tiếng hay cách nói “khó nghe” nhưng không phải hoàn toàn vô lý.

Những người từ châu Âu về Việt Nam, nếu phải nối chuyến họ đã trải qua có khi tới 30 tiếng đồng hồ lay lắt ở bến xe, sân bay. Về tới sân bay phải đợi từ 7 giờ sáng tới 3 giờ chiều có nghĩa thời gian không được nghỉ ngơi của họ đã lên đến gần 40 tiếng đồng hồ. Do đó không còn kiểm soát được lời nói, hành vi là điều dễ hiểu. Nếu nhân viên sân bay có thể giải thích ngay từ đầu thời gian chờ đợi có thể phải kéo dài đến tận 3 hay thậm chí 5 giờ chiều, có lẽ đã không có gì để tranh cãi.

Cô Việt Kiều cũng đã có một điểm đúng khác là nhân viên sân bay cho dồn hành khách từ các chuyến bay lẫn lộn vào nhau, gây ra nguy cơ lây nhiễm chéo đồng thời tạo ùn tắc ở sân bay không cần thiết khi sân bay không phải là nơi đảm bảo vệ sinh y tế và là nơi có mật độ người qua lại đông.

Cũng có lẽ chính nhờ nữ “ Việt Kiều” to tiếng này mà chính phủ cũng đã nhận ra bất cập khi phải cho người nhập cảnh phải đợi dồn chờ khai báo y tế ở sân bay nên từ ngày 19/3 các cảng hàng không đã tổ chức phân tuyến để khách từ vùng dịch về không phải khai báo y tế ở sân bay nữa mà sẽ được chuyển đi cách ly tập trung ngay. Sau đó mới tiến hành khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm tại nơi cách ly. Bên cạnh đó người đến từ các chuyến bay khác nhau cũng đã được tách riêng ra.

Động thái này của chính phủ đã giảm đi áp lực cho nhân viên dịch tễ ở sân bay rất nhiều cũng như giảm thiểu mệt mỏi, cáu gắt cho hành khách sau những chuyến bay dài đầy căng thẳng.

Như vậy sự to tiếng của một hành khách Việt Kiều dù sao đi nữa đã có tác dụng rất lớn đến cho những người Việt từ nước ngoài trở về sau ngày 19/3.

Và ít ra thì chính phủ cũng đã có lắng nghe người dân.

Tuyên truyền thành công

Việt Kiều” ùn ùn về Việt Nam chống dịch, nói cho ngay từ châu Âu chỉ là thiểu số nhưng vì sao họ lại về Việt Nam để trốn dịch?

Du sinh đã không còn đi học vì trường học các cấp đều đã đóng cửa. Đi du lịch không được, ngồi trong nhà thì tù túng. Bố mẹ thì nóng ruột vì người Việt đâu quen với cách trị bệnh của Tây là cho tự cách ly ở nhà nếu bệnh không trở nặng. Bố mẹ thì lại xót con. Nên thôi về cho nó lành! 

Những người chọn quay về nhà trốn dịch thực thụ là những người chắc hẳn thường xuyên đọc báo Việt Nam,  nên họ tin vào chính sách và kết quả chống dịch ở Việt Nam. Họ sợ sẽ bị chết một chùm khi chính phủ áp dụng phương pháp miễn dịch bầy đàn hay chậm trễ trong ngăn chận dịch bệnh.

Họ đã hoảng loạn khi dịch lan rộng ở Châu Âu với con số hàng trăm thậm chí là hàng ngàn người nhiễm bệnh tăng lên ở từng quốc gia mỗi ngày. Còn Việt Nam mãi cho tới tận đầu tháng 3 chỉ có 16 ca nhiễm và tất cả đều được chữa khỏi. Họ đã đặt niềm tin vào chính phủ cũng như truyền thông nhà nước Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh hơn là vào chính phủ và truyền thông nơi họ đang sống đấy chứ.

Cho dù có vài người trong số họ hành xử có phần không đúng, nhưng chính sự trở về của họ đã chứng thực lòng dân ý đảng. Định hướng chỉ trích chính sách phương dịch tễ Tây được củng cố thêm lên khi trong mắt không ít người Việt ở quê nhà phương tây là nơi bỏ mặc bệnh nhân, chọn người để chữa, chọn miễn dịch cộng đồng cả bất lực trong phòng chống dịch để rồi chắc chắn rồi sẽ … “toang”.

Cái áo chật 

Báo chí và dân chúng ca ngợi chính phủ đã rộng lòng dang tay đón người Việt trở về trốn dịch. Việt Kiều thổn thức “chỉ cần được đặt chân về nước nhiễm bệnh cũng được.”

Cuộc ném đá tập thể được hướng vào những người bày tỏ thái độ không hài lòng với cách thức làm việc, vào thức ăn được cung cấp, vào cơ sở vật chất nơi cách ly y tế.

Nhưng cần phải nhìn nhận một điều rằng, không ai lựa chọn đi cách ly, họ đều bị buộc phải đi cách ly. Với những hình ảnh đoàn tiếp viên Vietnam Airlines chia sẻ đi cách ly như đi ở khách sạn thì những người đi sau đã tin tưởng rằng họ sẽ được đãi ngộ y như vậy.

Những khi bệnh viện dã chiến đã quá tải, thì phải trưng dụng ký túc xá sinh viên và chắc chắn cơ sở vật chất không đầy đủ. Ký túc xá sẽ không có sẵn xà phòng diệt khuẩn, giấy vệ sinh, khăn lau mặt hay kem đánh răng. Người đi về nước trốn dịch chẳng ai mang những thứ này về trong vali. Cho nên họ than vãn cũng là điều dễ hiểu và hợp lý. Ngoài ra đi cách ly để giảm thiểu lây lan chứ không phải đi cách ly để tăng khả năng lây bệnh chéo. Trước khi cho người dân vào khu cách ly, việc làm tối thiểu có thể thức hiện là đảm bảo vệ sinh nơi cách ly. 

Con số người tập trung cách ly hiện nay là 36.050 người và dự tính sẽ còn lên thêm 17.000 người nữa. Chưa kể các trường hợp thoát cách ly về địa phương và phát hiện nhiễm bệnh, từ đó bắt buộc phải cách ly cả chung cư, cả thôn hay có khi cả xã.

Cứ cho là tổng mức 60.000 cách ly tập trung vào lúc cao điểm đi, một ngày ngân sách đã phải chi vài tỉ đồng cho 3 bữa ăn. Chưa kể điện nước, phí vệ sinh, người phục vụ, canh gác. Nếu kéo dài đến 28 ngày cách ly thì ngân sách làm sao gồng cho nổi?

Cái áo chật ngạo nghễ có lẽ đã tới lúc phải cởi ra! 

Tin bài liên quan:

VOA – Nhà Trắng nêu ‘lo ngại sâu sắc’ về báo cáo COVID của WHO

Phan Thanh Hung

VNTB – Trung Quốc đang dần tự lột mặt nạ

Phan Thanh Hung

VNTB – Người dân có được quyền lựa chọn vắc xin để chích ngừa Covid?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.