VNTB – Người Việt chuộng xe máy: không có sự lựa chọn khác

VNTB – Người Việt chuộng xe máy: không có sự lựa chọn khác

Dân Trần

 

(VNTB) – Việc người dân chọn xe máy để di chuyển ở Việt Nam hầu như đều đến từ các yếu tố vĩ mô

 

Theo báo cáo mới nhất của các công ty và tổ chức nghiên cứu thị trường Standard Chartered Bank, Temasek, Bain & Company, GenZero thì Việt Nam là nước yêu chuộng xe máy nhất Đông Nam Á. Báo cáo này thu thập dữ liệu từ 5 nước ở Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Singapore. Trong đó, có tới 96% người Việt Nam được hỏi đã chọn xe máy là phương tiện di chuyển cá nhân ưa thích nhất, chỉ có 4% người thích sử dụng xe hơi để di chuyển. (1)

Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 600 ngàn chiếc xe máy thuộc 5 hãng lớn là Honda, Piaggio, Suzuki, SYM, Yamaha được bán ra ở Việt Nam, chưa kể các hãng xe Trung Quốc, và các hãng xe máy khác.

“So sánh với các nước khác, Việt Nam dùng nhiều xe máy hơn thì đúng. Nhưng mong muốn của người dân thì vẫn có xe hơi vừa che mưa che nắng vừa an toàn. Chẳng ai muốn chạy xe máy giữa trời mưa để bị cảm lạnh hoặc đi dưới cái nóng nhiệt đới bằng xe máy rồi bị sốc nhiệt. Có điều thu nhập của người dân cũng không đủ để mua xe hơi thì mới chấp nhận chạy xe máy thôi. Mà nếu có tiền mua xe hơi thì cũng khó di chuyển trên đường phố Việt Nam, đường xá, hạ tầng hiện không thể phục vụ cho số lượng lớn xe hơi”. Anh N.N., một người dân ở Sài Gòn nêu quan điểm với phóng viên VNTB.

Quy hoạch đường xá là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc quy hoạch này đang gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng do các lãnh đạo thiếu tầm nhìn dài hạn. Nhiều dự án giao thông được triển khai mà không xem xét đầy đủ đến nhu cầu thực tế của tương lai, dẫn đến tình trạng quá tải và ùn tắc giao thông ngay sau khi hoàn thành.

Những con đường được đặt tên là “cao tốc”, nhưng chỉ có hai làn xe và giới hạn tốc độ tối đa chỉ 80km/h. Đường trong thành phố thì chật hẹp, gây ra nhiều bất tiện và thách thức cho người điều khiển xe hơi. Ví dụ ở TPHCM, với hơn 15 triệu dân (tính cả người nhập cư) mà đường xá chật chội với những con hẻm nhỏ và sâu thì không thể di chuyển bằng xe hơi được. Còn đường lớn thì cứ tới giờ cao điểm là bị tắc nghẽn, kẹt cứng thì làm sao có thể chọn xe hơi để di chuyển. Đó là chưa kể việc thiếu bãi đậu xe, mỗi lần tìm chỗ đậu xe hơi thì vô cùng khó khăn và mất thời gian.

Trên đây là chỉ nói về đường xá và hạ tầng cơ sở. Còn với thu nhập và mức sống của người dân thì việc sở hữu xe hơi từ lâu đã được coi là một biểu tượng của sự thành công ở Việt Nam. Khi coi một phương tiện di chuyển căn bản là biểu tượng thành công thì có thể nói xe hơi là một giấc mơ vẫn còn rất xa vời do mức thu nhập thấp và nhiều yếu tố kinh tế khác cản trở.

Mức thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Với thu nhập trung bình chỉ vài triệu đồng một tháng, phần lớn người dân không đủ khả năng mua một chiếc xe hơi, chưa kể đến các chi phí phụ như bảo dưỡng, nhiên liệu và bảo hiểm. Một chiếc xe hơi phổ thông có giá trung bình vài trăm triệu là một con số quá lớn đối với nhiều gia đình.

Trong bối cảnh thu nhập thấp, người dân phải ưu tiên các nhu cầu thiết yếu như ăn uống, giáo dục, y tế, và nhà ở. Sở hữu một chiếc xe hơi, mặc dù mang lại nhiều tiện lợi, nhưng không được xem là một nhu cầu cấp thiết. Nhiều gia đình chọn cách sử dụng phương tiện công cộng hoặc xe máy, vừa tiết kiệm chi phí, vừa phù hợp với điều kiện giao thông tại các thành phố đông đúc.

Ngoài vấn đề thu nhập, chi phí mua xe hơi tại Việt Nam còn bị đội lên do các loại thuế và phí cao. Chính phủ áp dụng nhiều loại thuế như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, và phí trước bạ, khiến giá xe tăng đáng kể so với giá gốc. Điều này càng làm tăng khoảng cách giữa khả năng tài chính của người dân và giá trị của chiếc xe họ muốn sở hữu.

Tóm lại, việc người dân chọn xe máy để di chuyển ở Việt Nam hầu như đều đến từ các yếu tố vĩ mô. Từ thu nhập thấp lên thu nhập cao, từ đường xá tới thuế phí… Nếu các điều kiện chính sách xã hội, cơ sở hạ tầng tương đồng với các quốc gia trong khu vực thì chắc chắn nhu cầu sử dụng xe hơi người dân Việt Nam sẽ không thấp hơn so với các nước khác. 

 

______________

Tham khảo:

https://tuoitre.vn/nguoi-viet-chuong-xe-may-nhat-dong-nam-a-20240515145330341.htm

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)