Trần Hằng Nga
(VNTB) – Người Việt tỵ nạn đang bị người Thái xung quanh tỏ thái độ kỳ thị và lo sợ sẽ bị chủ nhà đuổi đi.
Tin từ cộng đồng tỵ nạn Việt Nam tại Thái Lan cho biết hiện nay ngày 29/3 có 4 người Thượng Tây Nguyên gồm 3 đàn ông và 1 đàn bà dương tính với Covid-19 đang phải điều trị tại bệnh viện Phannangkao tỉnh Nonthanbury Thái Lan và 20 người khác đang bị cách ly tại các khu vực gần đó.
Khoảng 8 ngày trước, một đàn bà và 3 người đàn ông gốc Việt phải vào bệnh viện điều trị. Hai trong số 3 người đàn ông này bị nhốt trong một trại tù IDC, IDC Prison – immigration detention center, sau khi chôn cất một bạn tù người Myanmar cùng trại, họ đã được bảo lãnh ra về. Hai hôm sau họ được gọi lại trại giam để khám nghiệm và bị xác nhận dương tính với virus corona. Người nữ tỵ nạn bị nhiễm bệnh là vợ của một trong hai người mới rời trại, người đàn ông còn lại bị lây nhiễm là bạn của gia đình.
Một người dân tỵ nạn sống trong khu Wat Sao Thong Hin, quận Bangyai tỉnh Nonthanbury, nơi có 4 bệnh nhân và 20 người bị cách ly nói trên sinh sống, nói với chúng tôi họ đang bị người Thái chung quanh khu vực tỏ thái độ kỳ thị. Họ lo sợ sẽ bị chủ nhà đuổi đi. Những người Việt ở nơi khác trong tỉnh cũng bị ghét.
Cả hai trại giam giữ người tỵ nạn của tỉnh này là Suan Plu, Bang kỵ, và Bang Khẻn hiện nay cũng bị cô lập.
Những người nhập cư bất hợp pháp nếu bị chính quyền Thái Lan bắt đều bị giam trong các nhà tù IDC nằm rải rác trên lãnh thổ Thái Lan, ngay cả người có chứng nhận là người tỵ nạn của Phủ Đặc Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc. Những người sắp được tha về chính quốc hay đi tỵ nạn đều phải trải qua một tháng giam cầm trong trại tù loại này một tháng trước khi được thả ra.
Điều kiện sống vô cùng khốn khó cho người trong tù IDC. Thường những người chung quốc tịch ở cùng phòng. Anh Baraham Siu Nay mới định cư tại Canada tháng 8 năm 2020 cho biết, trước khi được phép đi định cư, gia đình anh gồm vợ và 2 con nhỏ đều bị đưa vào IDC. Anh Siu và gia đình không thể liên lạc với nhau được vì vợ con anh bị đưa vào ở khu riêng,
Những người Việt ở chung một phòng gồm đủ thành phần: người đánh cá trộm trong lãnh hải Thái Lan, người sang Thái lao động chui và rất nhiều thành phần bất hảo khác như buôn bán ma túy, điếm đĩ, băng đảng lưu manh.
Hàng trăm người ở trong một căn phòng vài chục mét vuông nóng nực, không có cửa sổ, tối ngủ nằm úp thìa, chân người nằm hàng trên gác lên ngực người hàng dưới, đầu người hàng dưới nữa rúc vào giữa hai chân người hàng giữa, nếu tù đông hơn, người vào sau phải ngủ trong nhà vệ sinh. Khói thuốc lá suốt ngày dày đặc trong phòng khiến nhiều người lên cơn khó thở, tức ngực.
Trưởng phòng là người được cai tù cắt ra coi trật tự trong phòng cũng là một thứ đại bàng, người này có quyền hạch sách, đánh đập và thu giữ phần thức ăn của tù nhân được bên ngoài gửi vào. Y cũng là người được cai tù cho giữ một chiếc điện thoại di động. Đây là nguồn thu rất lớn chia chác giữa trưởng buồng và cai tù. Những tù nhân muốn gọi về gia đình một cách lén lút có thể dùng điện thoại của trưởng buồng với một giá cắt cổ.
Được biết một người có quy chế tỵ nạn của Liên hiệp Quốc muốn được bảo lãnh ra khỏi trại tù phải nộp 50 ngàn Bath, tương đương 1600 đô la Mỹ vì vậy rất ít người tỵ nạn có khả năng được gia đình bảo lãnh ra khỏi trại tù.
Người tỵ nạn khi ra ngoài chỉ có thể đi làm chui. Họ làm đủ thứ việc chân tay như đào đất, phụ thợ hồ, làm vệ sinh với tiền công 300 bath một ngày, ‘đủ’ mua thức ăn gồm rau, chút thịt hay cá, mắm muối, bột ngọt cho gia đình 4 người trong 3 ngày. Tuy nhiên trung bình một tuần họ chị có việc 1, 2 ngày và cũng thường bị bọn đầu nậu quỵt tiền công. May mắn họ thường được các tổ chức từ thiện cho gạo đủ ăn hàng tháng.
Trong nhiều năm qua 1 tổ chức thiện nguyện tại Hoa Kỳ có tên ACF Foundation – All Charitable Fund Foundation – đã quyên góp và nộp phạt cho chính phủ Thái Lan để đem ra khỏi các trại tù IDC khoảng 50 người tù là dân Việt Nam tỵ nạn chính trị . Hiện nay, theo tổ chức này còn 5 người Việt tỵ Nạn bị giam trong IDC.