Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nguyễn Văn Nên gặp trí thức phản tỉnh: Tín hiệu lạ chưa chắc là tín hiệu mừng

Cảnh Chân

 

(VNTB) – CSVN dùng chính những người phản tỉnh viết bài ca ngợi để cho dân thấy rằng quan chức rất khách quan, cầu thị, lắng nghe tiếng nói phản biện

 

Cuối tháng 3, CSVN có một động thái bất ngờ khi ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành Hồ bất ngờ tổ chức một buổi gặp mặt trò chuyện cùng các nghệ sỹ và trí thức phản tỉnh tại thành phố này. Sở dĩ gọi là bất ngờ là vì trước nay các lãnh đạo CSVN rất ít khi chịu ngồi xuống nói chuyện với những người phản biện xã hội, hầu hết các đảng viên cộng sản vẫn vốn quan niệm rằng phản tỉnh, phản biện là “phản động”.

Mà ông Nên còn là Bí thư thành Hồ, Uỷ viên Bộ Chính trị, một trong những người đứng đầu bộ máy chính trị CSVN. Cho nên có một số quan điểm cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng cho giới bất đồng chính kiến, vốn bị chụp mũ là “phản động” từ trước tới nay.

Ngay cả những người được mời cũng tỏ ra bất ngờ. Nhà thư Lưu Trọng Văn viết trên Facebook cá nhân rằng nghệ sỹ Thành Lộc kể “thú thật khi tôi được giấy mời gặp mặt, tôi e dè, tôi nghi ngại. Tại sao vậy?” Ông Văn cho biết nhà thơ Đỗ Trung Quân nói: “khi nhận giấy mời gặp mặt tôi cũng nghi ngại. Chuyện gì nữa đây?”

Có lẽ bất ngờ nhất là giới báo chí CSVN. Vì cuộc gặp này không hề có một phóng viên nào đi theo, không hề có một bài báo nào phía CSVN viết tới. Tìm trên Google thì chỉ thấy một bài viết của Đài Á Châu Tự Do. Còn mạng xã hội Facebook thì chỉ có bài viết của nhà thơ Lưu Trọng Văn và nhà thơ Hoàng Thuỵ Hưng.

Nhìn vào danh sách khách mời và đại diện nhà cầm quyền thì phải nói rằng đây là một buổi gặp mà báo chí không thể bỏ qua. Vì tập trung toàn những nhân vật có số má trong giới văn nghệ sỹ trí thức và những quan chức đứng đầu tại Thành Hồ.

Danh sách khách mời gồm có nhà sử học Nguyễn Đình Tư, bác sỹ Huỳnh Tấn Mẫm, tiến sỹ Mạc Văn Trang, đạo diễn Nguyễn Kim Chi, nhà thơ Hoàng Thuỵ Hưng, nhà thơ Lưu Trọng Văn, nhạc sỹ Trần Tiến, nhà thơ kiêm hoạ sỹ Đỗ Trung Quân, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu. Các nghệ sỹ gồm Thành Lộc, Trần Minh Ngọc, Hoàng Yến, Bạch Tuyết, Thanh Thuý. Nhà văn thì có Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Bình Phương, Bích Ngân.

Phía đại diện CSVN gồm Bí thư Thành Hồ Nguyễn Văn Nên; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Huỳnh Thành Đạt; bà Phạm Phương Thảo, Nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, Nguyên Chủ tịch HĐND thành Hồ; và Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân.

Chính cái việc không cho báo chí nhà nước đưa tin đã cho thấy CSVN không thật lòng trong buổi đối thoại rồi. Dư luận chỉ biết tới buổi gặp dựa vào bài viết và hình ảnh trên Facebook của nhà thơ Lưu Trọng Văn, và sau đó là bài viết trên trang cá nhân của nhà thơ Hoàng Thuỵ Hưng. Với những hình ảnh và nội dung chi tiết trên trang Facebook Lưu Trọng Văn thì có thể coi đây là thông báo chính thức về buổi họp này.

Ông Lưu Trọng Văn viết “Anh em hỏi tôi chủ đề cuộc gặp này là gì? Tôi bảo là không tên”. Tức là buổi gặp này không có chủ đề chính. Quan sát những hình ảnh trong buổi gặp mặt thì phông nền chỉ là biểu tượng trống đồng, chứ không hề có tiêu đề như các buổi họp thường thấy của CSVN. Còn theo ông Hoàng Thuỵ Hưng thì trong buổi gặp này lãnh đạo CSVN muốn nghe các trí thức góp ý về hai vấn đề, gồm làm sao để thu hút nhân tài cho Tp.HCM, và việc thực hiện “tự chủ đại học”.

Tường thuật về buổi gặp mặt, ông Văn cho biết người điều phối cuộc trao đổi thú vị trên nguyên tắc “cởi mở”này là nhà văn Trình Quang Phú, viện trưởng Viện Nghiên cứu Phương Đông. Trong buổi này, nghệ sỹ Bạch Tuyết có hát bài “Quê hương” phổ thơ của Đỗ Trung Quân, mọi người cùng vỗ tay hát theo. Nghệ sỹ Kim Chi thì “bật khóc rồi trong nước mắt chị nói: có kẻ nghi ngờ tôi là phản động”.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thì kể lại câu chuyện làm tượng của mình, kể chuyện gặp Võ Văn Kiệt, gặp Trịnh Công Sơn. Nhà thơ Hoàng Thuỵ Hưng thì dùng 20 phút trong buổi họp mặt để kể chuyện 20 năm trước gặp khó khăn với an ninh khi ra nước ngoài. Ông Nguyễn Văn Nên thì đứng khen bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân, rồi đọc lại bài thơ Quê hương của Giang Nam…

Vậy hoá ra buổi nói chuyện này là để kể lể, than thở, hát hò, đọc thơ cho nhau nghe, chứ có ai bàn về chuyện thu hút nhân tài cho Tp.HCM, và việc thực hiện tự chủ đại học như thông báo ban đầu đâu! Chuyện thu hút nhân tài và tự chủ đại học chỉ là cái cớ để ghi vào giấy mời thôi. Chứ thật ra nếu muốn nghiên cứu hai chính sách này thì phải mời các chuyên gia về nhân sự, kinh tế, giáo sư đại học; chứ mời văn nghệ sỹ, kiến trúc sư thì đâu có đúng chuyên môn! Họ có thể giỏi ở lãnh vực của họ, nhưng về quản lý nhân sự, thu hút nhân tài, tự chủ đại học lại là câu chuyện khác.

Bởi vậy có hai vấn đề có thể thấy ở đây.

Một là lãnh đạo CSVN không biết cách lựa chọn cố vấn, đi hỏi nghệ sỹ chuyện kinh tế; thì khác nào bị bệnh mà không gặp bác sỹ, lại đi gặp kỹ sư xây dựng khám bệnh? Chuyện này thì quan chức Thành Hồ từng làm nhiều lần rồi. Điển hình là năm 2021, Chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong đã lập Tổ tư vấn chống dịch Covid, trong 8 thành viên cố vấn thì chỉ có 1 người có chuyên môn về y tế. Một năm sau đó, ông Phong bị kỷ luật đảng, cho về hưu non.

Hai là CSVN muốn dùng cái cớ này để lấy lòng những người phản biện xã hội. Bài viết của ông Lưu Trọng Văn mang đậm chất tuyên truyền và chỉ loanh quanh vấn đề “quê hương”, “yêu nước”, “thống nhất”. Bài của ông Hoàng Thuỵ Hưng thì thậm chí còn ca ngợi “kỷ nguyên mới” của Tô Lâm. Ông Hưng viết: “Chưa bao giờ ĐCSVN có được sự ủng hộ rộng rãi của trí thức trong-ngoài nước thuộc nhiều khuynh hướng như trong cuộc cải tổ lớn lao này”.

Chẳng biết ông Hưng lấy số liệu ở đâu mà nói rằng giới trí thức trong ngoài nước ủng hộ ĐCSVN. Nhưng hai bài viết này đều cho thấy thông điệp ca ngợi chủ trương chính sách của CSVN hơn là phản biện. Đây chính là chiêu tâm lý chiến kiểu dân tuý của CSVN. Một mặt họ khoá mõm, cấm báo chí nhà nước đưa tin, một mặt, họ để những người phản tỉnh viết bài ca ngợi để cho dân thấy rằng quan chức CSVN rất khách quan, cầu thị, lắng nghe tiếng nói phản biện…

Nhưng tất cả chỉ là mị dân. Như đã nói, nếu muốn tìm giải pháp thì cần chuyên gia đúng lãnh vực. Còn nếu muốn phản biện khách quan thì cần cho báo chí quốc tế tới dự. Đồng thời phải trả tự do và đối thoại với những tù nhân chính trị như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Lân Thắng… Chỉ khi nào CSVN dám mời những người đó tới đối thoại trực tiếp thì đó mới gọi là khách quan, cầu thị, lắng nghe phản biện.

 

____________________

Tham khảo:

Bài viết trên RFA:

https://www.rfa.org/vietnamese/trong-nuoc/2025/03/31/nguyen-van-nen-bat-dong-chinh-kien/

Bài trên Facebook Lưu Trọng Văn:

https://www.facebook.com/share/16PiRNaXfE/?mibextid=wwXIfr

Bài trên Facebook Hoàng Thuỵ Hưng:

https://www.facebook.com/share/p/18Y2tRtwj6/?mibextid=wwXIfr

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Bạo lực cách mạng là Đổi mới lần 2 của Đảng?

Phan Thanh Hung

VNTB – Công an Việt Nam trả thù admin trang Nhật Ký Yêu Nước

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Quan hệ Việt – Trung: tình hữu nghị viển vông

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo