Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhà băng khó đẩy mạnh cho vay?

Hàn Lam

 

(VNTB) – Nhiều ngân hàng cạn “giới hạn cho vay” tín dụng chỉ sau nửa năm.

 

Với đặc thù là các khoản vay mua nhà, thời gian quay vòng vốn của tín dụng bất động sản tự sử dụng thường kéo dài hàng chục năm, đây là nguyên nhân chính khiến nhiều ngân hàng cạn “room” tín dụng chỉ sau nửa năm.

Thuật ngữ “room” tín dụng trong ngân hàng có nghĩa là “giới hạn cho vay” của ngân hàng. Ví dụ, Ngân hàng XYZ có vốn chủ sở hữu là 4.000 tỷ, thì “room” cho vay 1 khách hàng sẽ là 4000*15% = 600 tỷ. Đó là giới hạn cho 1 khách hàng được vay. Như vậy “room” đó đã hết, khách hàng đó không thể vay trên 600 tỷ.

Vậy nếu khách muốn vay 1.000 tỷ thì sao? Ngân hàng XYZ và 1 vài ngân hàng khác sẽ “hợp vốn” để có “room” nhiều hơn cho 1 khách hàng.

“Room” tín dụng cũng có thể hiểu là dành một “số vốn nhất định” để cho vay 1 lĩnh vực “ưu đãi” nào đó. Khi đó, đã cho nhiều khách hàng vay rồi, thì đã hết room, không còn để cho vay tiếp.

Trong văn bản gửi các cơ quan chức năng mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nêu rằng các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người mua nhà đang khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng hơn so với trước đây. Do vậy, hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng hợp lý để tạo điều kiện cho các công ty bất động sản có dự án khả thi, có uy tín, khách hàng tin cậy, có tài sản bảo đảm được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng trần dư nợ tín dụng năm nay thêm 1% – 2% so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã xác định trước đây. Trong đó xem xét tăng trần dư nợ tín dụng cho bốn ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất và các ngân hàng thương mại đạt chuẩn Basel 2 (*)

Không chỉ các doanh nghiệp muốn nới hạn mức tín dụng mà bản thân các ngân hàng cũng đang mong chờ. Bởi mới hơn nửa năm nhưng nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết chỉ tiêu tín dụng cả năm, thậm chí có đơn vị đã sử dụng hết.

Số liệu ghi nhận của Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, đến ngày 30-6-2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,42 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%).

Như vậy, nửa đầu năm nay, các ngân hàng đã sử dụng hết 2/3 chỉ tiêu tín dụng cả năm. Thậm chí, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã sử dụng hết room tín dụng cả năm.

Một báo cáo của ABBank cho biết nửa đầu năm nay, ngân hàng này đã “xài” hết hơn 99% room tín dụng cả năm. Trong khi đó, lãnh đạo Agribank cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đã lên tới 6%, trong khi room tín dụng cả năm chỉ được Ngân hàng Nhà nước cấp cho 7%.

Liên quan đến vấn đề trên, trong một văn bản về việc điều hành chính sách tín dụng trong thời gian vừa qua được Ngân hàng Nhà nước phát hành, thì việc từ chối cho vay đối với khách hàng không hẳn là do hết “room”, mà còn có thể do phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn, hoặc một số ngân hàng xếp hạng thấp không được tăng trưởng tín dụng cao…

“Với bản chất hoạt động ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, cho vay bổ sung vốn lưu động thì thường xuyên có nguồn thu nợ, cho vay. Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng chủ yếu cho vay trung dài hạn, tập trung vào lĩnh vực bất động sản thì thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh, nên dẫn đến hết dư địa tăng trưởng tín dụng”, văn bản của Ngân hàng Nhà nước lý giải.

Về vấn đề cung ứng vốn cho lĩnh vực bất động sản, theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng ngân hàng chỉ giải quyết được các vấn đề trước mắt, tạm thời đối với thị trường bất động sản về nguồn vốn cho sự phát triển của thị trường này. Về lâu dài, để phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững cần có các giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn đa dạng, an toàn, hiệu quả, hỗ trợ thị trường bất động sản.

Cái đáng ngại là ở văn bản kể trên, Ngân hàng Nhà nước phát đi một cảnh báo là đang có nhiều tổ chức tín dụng yếu kém, rủi ro thanh khoản gia tăng rơi vào “vòng xoáy” đua lãi suất huy động nguồn vốn để cho vay, nợ xấu tăng cao… đã đặt hệ thống ngân hàng trước nguy cơ tiềm ẩn đổ vỡ.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, so với 6 tháng đầu năm ngoái thì tín dụng đối với bất động sản kinh doanh tăng 8,19%, chiếm 33% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản; tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 17,2%, chiếm 67% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản. Nợ xấu lĩnh vực bất động sản khoảng 36.400 tỷ đồng, tăng 5% so với 31.12.2021, tỷ lệ nợ xấu là 1,54% (năm 2021 là 1,67%).

_____________

Chú thích:

(*) Basel 2 là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của ủy ban Basel về giám sát ngân hàng. Hiệp ước về vốn Basel 2 được trình bày như một tập hợp các quy định được đề xuất mà có thể sẽ mang đến một loạt các thách thức về tuân thủ cho các ngân hàng trên thế giới.

Theo đó, với Basel 2, ủy ban Basel đã từ bỏ phương pháp luận “một kích thước phù hợp với tất cả” (“one size fits all”) của hiệp ước về vốn năm 1988 về việc tính toán yêu cầu vốn pháp định nhỏ nhất và giới thiệu khái niệm “3 cột trụ” (three pillar concept) mà tìm kiếm để liên minh các yêu cầu pháp định với các nguyên tắc kinh tế của quản lý rủi ro. Basel 2 sử dụng khái niệm “three pillars” – (1) yêu cầu vốn tối thiểu, (2) rà soát giám sát, (3) nguyên tắc thị trường.

Uỷ ban Basel về giám sát ngân hàng (Basel Committee on Banking supervision – BCBS) được thành lập vào năm 1974 bởi một nhóm các Ngân hàng Trung ương và cơ quan giám sát của 10 nước phát triển (G10) tại thành phố Basel, Thụy Sỹ nhằm tìm cách ngăn chặn sự sụp đổ hàng loạt của các ngân hàng vào thập kỷ 80.

Hiện nay, các thành viên của Ủy ban gồm đại diện ngân hàng trung ương hay cơ quan giám sát hoạt động ngân hàng của các nước: Anh, Bỉ, Canada, Đức, Hà Lan, Hoa Kỳ, Luxembourg, Nhật, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ và Ý. Ủy ban được nhóm họp 4 lần trong một năm.


Tin bài liên quan:

VNTB – Nhà ở xã hội: ế vậy sao

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Quan chức nhà nước hãy thử xuống làm công nhân một ngày…

Do Van Tien

VNTB – Nước ngoài làm được thì người Việt cũng sẽ làm được!?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo