Việt Nam Thời Báo

VNTB- Nhà báo Mai Phan Lợi bị rút thẻ nhà báo: Bản án “cả vú lấp miệng em”

Hàn Giang
(VNTB) – “…tôi không hiểu tại sao cơ quan phụ trách báo chí là Bộ Thông tin & Truyền thông. Đáng lẽ những người làm trong lĩnh vực đó, báo chí phải thông cảm, phải hiểu luật pháp, hiểu tinh thần Hiến pháp hơn và phải có tinh thần đồng nghiệp hơn bởi vì quản lý anh em báo chí coi như đồng nghiệp của mình. Vậy tại sao lại có quan điểm ngược lại, hết sức sắt đá, rất lạ lùng, trái nhân tâm như thế? Quan điểm của tôi, việc thu thẻ nhà báo Lợi là tôi thấy quá nặng nề”, lời chia sẻ của nhà báo Võ Văn Tạo ở Khánh Hòa.
 
 “Cả vú lấp miệng em”
Gần hai tuần trôi qua, dư luận Việt Nam vẫn chưa ngớt bàn tán xôn xao vụ việc nhà báo Mai Phan Lợi (trưởng văn phòng đại diện báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh) bị rút thẻ nhà báo do đăng trên facebook “diễn đàn Nhà báo trẻ” một bài viết có ý thăm dò nguyên nhân máy bay CASA 212 bị rơi khiến 9 phi công trong chuyến bay này thiệt mạng trong hành trình đi cứu nạn chiếc máy bay quân sự SU 30  cũng bị rơi xuống biển trước đó vài ngày. Trong bài viết, ông Lợi có đặt một câu hỏi “vì sao CASA tan xác?” và một vài nguyên nhân ông tự đặt ra để thành viên trong “Diễn đàn Nhà báo trẻ” chọn lựa. Song ngay sau đó, ông Lợi buộc phải hạ bài viết và nói lời xin lỗi bởi trước áp lực của dư luận và báo chí mà tâm điểm là nhắm vào cách dùng từ “tan xác” để diễn tả hình ảnh chiếc máy bay CASA 212 vỡ vụn. Chưa hết, ông Mai Phan Lợi còn bị thu hồi thẻ nhà báo theo quyết định số 1063/QĐ-BTTTTT được Bộ trưởng Bộ Truyền thông&Thông tin Trương Minh Tuấn ký ngày 20/6/2016.
  
Bản án nặng nề
Theo quyết định số 1063, ông Mai Phan Lợi đã “xúc phạm nghiêm trọng danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam; gây tổn thương sâu sắc đến gia đình, người thân, đồng đội của những cán bộ, chiến sĩ gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ; làm tổn hại đến uy tín của đội ngũ những người làm báo”.
Từ quyết định này, đã có hai nguồn dư luận đứng hẳn về hai phe báo chí rất rõ ràng khi nói về vụ việc của ông Lợi. Một phe được gọi báo chí “lề Đảng”, là những cá nhân, tổ chức báo chí, truyền thông được Nhà nước cấp thẻ hoạt động cho rằng việc rút thẻ báo của ông Lợi là đúng người đúng tội, cần xử lý nghiêm đặng còn làm gương cho những cá nhân làm báo khác chớ có manh nha tư tưởng giống ông Lợi. Bên cạnh đó, báo chí “lề Đảng” còn nhắc đến việc có nên xử lý luôn trang facebook “Diễn đàn Nhà báo trẻ” do ông Lợi lập mà hễ ai vào truy cập đều dễ dàng thấy có nhiều sự trao đổi về đạo đức nghề báo, mỗi thành viên gia nhập đều có quyền tự do bày tỏ chính kiến và ngôn luận, một điều rất mới trong làng báo chí “lề Đảng”.

Phe báo chí còn lại được gọi là báo chí “lề dân”, cho rằng việc ông Lợi dùng từ ngữ “tan xác” để phản ánh tình trạng vỡ vụn của máy bay CASA 212 là chính xác, nói đúng sự thật, chẳng nguy hại gì ngoài việc nói năng không theo định hướng của “bề trên” nên mới bị rút thẻ nhà báo. Bản án dành cho ông Lợi là quá nặng.
Theo nhà báo Võ Văn Tạo (Khánh Hòa), một người làm ở báo “lề Đảng” và cũng thường xuyên sinh hoạt cùng với báo “lề Dân”hoặc nhiều lần tiếp xúc báo chí phương Tây cho đây là phản ứng không tốt cho dư luận tiến bộ ở Việt Nam. Ông Tạo chia sẻ ý kiến cá nhân của ông:
“Với tư cách là người viết bài cho các báo Nhà nước cũng như báo “lề dân” tôi thấy, vụ việc nhà báo Mai Phan Lợi đã gây một phản ứng không tốt cho dư luận tiến bộ ở Việt Nam. Thậm chí, theo tôi được biết một số cơ quan truyền thông ở phương Tây cũng đăng tải ở gốc độ, họ không bình luận hay nói thẳng thắn ra nhưng mà qua cách viết của họ, tôi đọc và hiểu lập trường của cơ quan truyền thông đó là không đồng tình với việc rút thẻ nhà báo của nhà báo Mai Phan Lợi”
Trong lúc vụ việc của nhà báo Mai Phan Lợi đang còn gây tranh cãi trên cộng đồng mạng thì có một vụ việc khác xảy ra, cũng liên quan đến vụ việc máy bay rơi tại Việt Nam. Hôm 20/6/2016, trên trang facebook cá nhân của cô giáo Trần Thị Mỹ Hà, Tổ trưởng tổ Ngữ Văn trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đăng nội dung thể hiện sự “không thích” với quyết định của ông Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc quyết định tuyển dụng đặc cách vợ phi công Trần Quang Khải (phi công đã chết khi máy bay SU 30 bị nạn) vào dạy trường THPT Chu Văn An. Theo những gì đã viết ở trang Facebook cá nhân, cô Hà  cho rằng quyết định tuyển dụng đặc cách giống như; “Giống cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học. Ku Tây không thích điều này.” có kèm theo hình ảnh và tin “Vợ phi công Trần Quang Khải được đặc cách tuyển dụng vào ngành giáo dục”. Ngay sau đó, dư luận Việt Nam cũng có nhiều phát ngôn trái chiều đối với bài viết trên của cô giáo Hà, cô Hà không sai về mặt pháp luật nhưng việc làm của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung lại có tính nhân văn, chia sẻ những mất mát của gia đình phi công Khải. Ngày 23/6/2016, Hiệu trưởng trường Trần Nhân Tông –  ông Phan Thanh Tùng – cho biết chi bộ trường đã họp và ra hình thức kiểm điểm đề mức cảnh cáo về mặt Đảng đối với cô giáo Hà. Trước bản án kỷ luật dành cho cô giáo Hà liên quan đến một quyết định của mình vừa ban hành, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã lên tiếng trên báo chí là “nhà trường không nên kỷ luật cô Hà chỉ vì nêu ý kiến trên mạng xã hội”, một lần nữa việc làm này của ông Chung lại “ghi điểm” trong lòng người dư luận.
Trở lại vụ việc rút thẻ nhà báo của nhà báo Mai Phan Lợi, rõ rằng có điểm giống nhau với vụ việc của cô giáo Hà nhưng lại khác nhau rất nhiều ở kết quả xử lý của cấp lãnh đạo. Một câu hỏi đặt ra là tại sao lãnh đạo Bộ Truyền thông & Thông tin không xử sự với ông Lợi như ông Chủ tịch Chung đã làm đối với trường hợp cô giáo Hà? Cần phải nói thêm, ông Chung trước kia là giám đốc Công an, một ngành nghề tưởng chừng rất sắt đá nhưng qua vụ việc trên cho thấy, ông Chung xử sự rất mực nhân văn và được nhà báo Võ Văn Tạo đánh giá cao:
“Một người là công an mà còn làm được cử chỉ đẹp như thế thì tôi không hiểu cơ quan phụ trách báo chí là Bộ Thông tin & Truyền thông. Đáng lẽ những người làm trong lĩnh vực đó, báo chí phải thông cảm, phải hiểu luật pháp, hiểu tinh thần Hiến pháp hơn và phải có tinh thần đồng nghiệp hơn bởi vì quản lý anh em báo chí coi như đồng nghiệp của mình. Vậy tại sao lại có quan điểm ngược lại, hết sức sắt đá, rất lạ lùng, trái nhân tâm như thế? Quan điểm của tôi, việc thu thẻ nhà báo Lợi là tôi thấy quá nặng nề”
Do nhận thức “cả vú lấp miệng em”
Rút thẻ nhà báo là bản án nghề nghiệp dành cho ông Lợi nhưng chưa dừng, ông Lợi còn lãnh thêm bản án của dư luận. Một lời nói “tan xác” cứ tưởng vô thưởng vô phạt lại trở nên nghiêm trọng đối với nhà báo Lợi bởi nó diễn ra ngay thời điểm “nhạy cảm”. Vì đâu nên nỗi, nhà báo Tạo chia sẻ đây là một trong những tật xấu của ngôn ngữ Việt Nam đã tồn đọng từ lâu nay. Ông Tạo nói:
“Ở Việt Nam, lâu nay tồn động một tật xấu, ngôn ngữ luôn gắn với chính trị. Ngôn ngữ có tính trung lập của ngôn ngữ, lúc nào cũng gắn nó với nghĩa thế này thế kia thấy nặng nề quá, điều này không có lợi, nó bất lợi cho những người quản lý cũng như dư luận xã hội, đặc biệt là bộ mặt nhân quyền Việt Nam ngày càng lem luốc hơn trong mắt bạn bè quốc tế.”
Ngôn ngữ và báo chí thể hiện sự khác biệt qua vụ việc của nhà báo Lợi, sự khác biệt thể hiện ở động cơ người viết và lẫn người đọc hiểu, sự khác biệt đôi khi dẫn đến việc giết người hay cứu người. Vì vậy, khách quan là đều rất cần thiết trong hành xử báo chí. Trong bài viết “vì sao CASA tan xác?”, ông Lợi hoàn toàn không ám chỉ đến việc  những nạn nhân ở chuyến bay tan xác, cũng không nói những lời tan xác đến gia đình nạn nhân, ông Lợi chỉ nói đến hình ảnh chiếc máy bay nhưng theo cách hiểu của dư luận, của từng cá nhân tạo nên sự khác biệt của vụ việc.
“Một là, do nhận thức của từng người. Hai là, do nhân cách của từng người, có những người khách quan hoặc không khách quan, có những người cương trực, có những người cơ hội mà người trong giới “lề dân” nói là “kẻ bưng bô”…. do động cơ có khách quan hay không?” – lời của nhà báo Võ Văn Tạo.

Thật không may cho nhà báo Mai Phan Lợi, vì ông là người báo chí “lề Đảng” nên ông bị định hướng viết những bài viết mà tin chắc rằng khi báo chí đăng tải thì chẳng có mấy ai đọc như các bản tin; họp hành, tham dự khởi công công trình của ông này bà nọ…. và bị buộc không được viết những bài viết ngoài định hướng bởi hơn 800 tờ báo, đài truyền thông “lề Đảng” dưới sự quản lý của Ban Tuyên giáo Trung Ương tạo một sức lan tỏa vô cùng lớn, càng lớn càng tốt nhằm mục đích tuyên truyền, định hướng dư luận, phục vụ tối đa cho công tác chính trị. Sức lan tỏa này trong nhất thời ở báo “lề Dân” là không đáng kể nên một Mai Phan Lợi nhỏ nhoi bị đập tan.  
“Tôi nghĩ không phải để xoa dịu dư luận, bởi trong cách quản lý của ban Tuyên giáo cũng như Bộ Thông tin truyền thông, họ chăm chú chủ yếu hệ thống báo chí do họ quản lý, ở đó có hơn 800 tờ báo, đài truyền thông. Họ nắm cái này, quan tâm cái này là chính thôi còn truyền thông “lề dân” hay báo đài nước ngoài họ cho là ít, hiệu ứng không bao nhiêu nên họ cũng để ý nhưng ít. Chủ yếu là do nhận thức, nếp quen của Việt Nam lâu nay là chuyên dùng quyền lực lấn tới, cả vú lấp miệng em.”

Nói như thế nào thì quyết định rút thẻ nhà báo của nhà báo Mai Phan Lợi đã ban hành, trước đây cũng có trường hợp một nhà báo bị rút thẻ cũng vì đăng bài viết lên trang facebook là trường hợp nhà báo Đỗ Hùng (thư ký báo Thanh Niên). Ông Hùng vì đăng một bài viết có nội dung nói về  ngày Quốc khánh 2/9 toàn dấu “sắc” và bây giờ ông Lợi là bài viết “vì sao CASA tan xác?”, ông Hùng và ông Lợi là bài học “đắc giá” cho những người làm báo “lề Đảng”, là hình ảnh cho cái gọi là tự do báo chí ở Việt Nam.

Tin bài liên quan:

VNTB- ‘Thành phố đáng sống nhất VN’: Blogger Nguyễn Văn Thạnh lại bị kẻ ‘lạ mặt’ hành hung tàn bạo

Phan Thanh Hung

VNTB- Phản đối chuyến sang Việt Nam của ông Dương Khiết Trì: Tâm lý không ưa Trung Quốc…!

Phan Thanh Hung

VNTB- Lịch sử sẽ phán xét những ai chủ trương quên lãng cuộc chiến biên giới Việt- Trung năm 1979

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.