Nguyễn Đình Ấm
(VNTB) – Theo tôi, hiện nay quá nhiều nhà báo quốc doanh không đáng bưng bát cơm của dân, cầm trên tay cây bút vì họ vô cảm trước rất nhiều vụ việc nghiêm trọng.
Phải khẳng định rằng, bất kỳ ở chế độ nào dù dân chủ, độc tài hay phát xít thì người dân vẫn phải làm việc gì đó kể cả trực tiếp làm việc cho nhà cầm quyền để sinh sống. Trừ những người cầm đầu, trực tiếp gây tội ác, việc chế độ sau kỳ thị, trả thù những người đã làm việc cho chế độ cũ là sai trái, vô lý, tàn ác.
Bản thân tôi đã đi bộ đội, chiến đấu ở mặt trận miền bắc 3 năm, ở chiến trường 559 gần 6 năm, làm báo quốc doanh phụng sự nhà cầm quyền hơn 30 năm. Đó là điều tự nhiên vì tôi phải đi bộ đội để “bảo vệ tổ quốc” và làm việc cho nhà cầm quyền để sinh sống. Vì vậy tôi không trách bất cứ ai đang làm việc trong các cơ quan như công an, truyền thông quốc doanh phụng sự đảng trên hết. Tuy nhiên, tôi muốn nói với các bạn:
– Tất cả những gì nuôi sống các bạn từ nghề nghiệp đều do mồ hôi, nước mắt của nhân dân.Nhân dân làm việc nộp thuế cho nhà nước và nhà nước trích ra một phần nuôi sống các bạn. Vì vậy, khi bưng bát cơm, cầm cây bút các bạn phải nhớ đó là mồ hôi nước mắt của bà con đang cặm cụi ngoài đồng, trong nhà máy, những nẻo đường, biển cả…trên đất nước do ngàn đời xương máu ông cha tạo lập, giữ gìn
Thế nhưng lâu nay nhiều bạn, tờ báo làm việc có lợi cho dân, cho nước, đúng sự thật, đúng pháp luật nhưng trái ý quan chức mà vẫn gặp khó khăn, rắc rối, bị gỡ bài, bị sa thải, có thể phải vào tù. Từ đây dẫn đến hai cách tồn tại:
– Chỉ một ý chí ca ngợi bảo vệ quan chức đảng, chính quyền theo nguyên tắc “cái gì dù sai sự thật nhưng có lợi cho cấp trên thì cũng có thể đăng” để nhận được sự ưu ái, phần hơn trong việc phân phối lợi ích, tránh xa những vụ việc có thật nếu nêu ra thì có lợi chung nhưng làm mất lòng quan chức địa phương, trung ương để hưởng bình an, bổng lộc…
Đây là cách tồn tại, phát triển theo “bản năng sinh tồn”, không có ích gì cho xã hội ngược lại có hại của rất nhiều các nhà báo quốc doanh hiện nay.
Ở các xứ dân chủ cơ quan truyền thông không có nghĩa vụ thậm chí không được đứng về phía nhà cầm quyền vì họ đã nắm quá nhiều lợi thế, sức mạnh rồi.
– Vẫn phải phụng sự nhà cầm quyền trước tiên để tồn tại nhưng vẫn có ích cho nhân dân, tổ quốc ở mức độ nhất định.
Đây là cách tồn tại khó khăn, nguy hiểm nhưng nếu bạn có lương tâm, nhân cách, yêu dân, yêu nước, muốn cho cuộc đời mình khỏi phí hoài, vô tích sự thì bạn phải lựa chọn.
Tôi xin mạn phép nêu chút kinh nghiệm nhỏ nhặt có thể là thừa dành cho những ai chọn cách tồn tại này.
Trong 33 năm làm báo quốc doanh ở ngành hàng không VN, (làm báo ngành, địa phương khó hơn báo TW) tôi đã:
– Tôi trân trọng nâng niu tất cả những việc làm tốt, đúng của bất cứ ai xây dựng, phát triển ngành hàng không Việt Nam.
– Bảo vệ những người lương thiện trước bất công, sai trái
– Chống tham nhũng “không có vùng cấm” bảo vệ lợi ích, tài sản của ngành hàng không Việt Nam.
Thực hiện những điều này tôi được tất cả những cán bộ, nhân viên lương thiện trong ngành HKVN tin tưởng, yêu mến nhưng cũng bị không ít cán bộ xấu kể cả chóp bu thù ghét. Từ đây ngoài các việc tốt, thành tích của ngành tôi cũng nắm được hầu hết những hành vi bất chính, tiêu cực, tham nhũng ở ngành HKVN rất kịp thời.
Ví dụ vụ một quan chức văn phòng chính phủ bỏ quên cặp đầy phong bì ở Nội Bài chỉ hai giờ sau tôi đã có bản copy biên bản, vụ HKVN được phép của chính phủ, các cơ quan liên quan rất “hùng mạnh” như bộ tài chính, nội vụ (bộ công an ngày nay) mua hai máy bay Fokker 70 bất chính (Fokker đã phá sản) chỉ 5 ngày sau tôi đã có bản sao hợp đồng…từ đó mà tôi sớm cảnh báo ngăn chặn được nhiều vụ tham nhũng rất bí mật, tinh vi. Tôi khẳng định, sự tin tưởng của nhân dân mới là chiếc thẻ nhà báo hiệu lực nhất.
Từ các nguồn thông tin này tôi có hai cách xử lý:
– Đăng báo nếu có thể với cách viết trung thực, khách quan, có thực tế, bằng chứng, chỉ sử dụng tối đa 70% tài liệu chứng minh. Tất nhiên sau bài báo sẽ bị thế lực tham nhũng phản ứng, trả thù nhưng họ rất khó chiến thắng.
– Nếu không thể đăng báo thì tôi thông báo hoặc xin làm việc với những quan chức làm sai để họ dừng lại việc trù dập cấp dưới hoặc hành vi sai trái, tham nhũng… Hầu hết các vụ việc tôi ngăn chặn đều thành công, có một số quan chức thù ghét nhưng phần lớn là cam chịu, có người trở thành thân thiết vì họ thấy nhờ tôi mà không sa đà vào tội lỗi mất chức, quyền.
Theo tôi, hiện nay quá nhiều nhà báo quốc doanh không đáng bưng bát cơm của dân, cầm trên tay cây bút vì họ vô cảm trước rất nhiều vụ việc nghiêm trọng.
Ví dụ vụ Đồng Tâm lớn, liên quan đến cả vạn dân như vậy nhưng trong khi những người như đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang (nguyên bảo vệ phái đoàn VN ở liên hợp quốc) 77 tuổi tuổi về tận nơi điều tra, viết bài nói lên sự thật thì trừ đài truyền hình VTC có hai lần về phản ánh sơ sài sự thật ở đây còn hầu hết truyền thông quốc doanh không dám về gặp dân để biết sự thật. Nhẫn tâm hơn họ lại ngồi ở phòng lạnh, phát, đăng lại thông báo của thế lực là một bên trực tiếp tranh chấp với dân xuyên tạc, vu khống họ.
Không dám đòi hỏi các bạn phải đăng sự thật có lợi cho dân, cho nước nhưng trái ý quan chức “khủng” trong thời buổi hiện nay nhưng các bạn có thể bí mật về tận Đồng Tâm gặp những người đấu tranh giữ đất, khảo sát thực tế, tài liệu, nắm rõ sự thật báo cho các lãnh đạo đảng, nhà nước thì thảm họa ngày 9/1/2020 với dân Đồng Tâm (và cả các lãnh đạo đảng, nhà nước, thành phố Hà Nội – lịch sử muôn đời sẽ phán xét) có lẽ không xẩy ra.
Chúng tôi đã về Đồng Tâm viết bài phản ánh trung thực, có bằng chứng, thực tế vụ này hy vọng cấp trên biết chỉ cần người có trách nhiệm về gặp dân phán xét công tâm là xong, tội ác bị loại trừ, uy tín của nhà cầm quyền không bị mất nhưng xem ra thiện tâm của chúng tôi không thấu “thiên đình” hoặc thế lực nào đó muốn cố tình khiêu khích diệt dân Đồng Tâm để “giết gà dọa khỉ”?
Tất nhiên, việc chống lại tham nhũng ở một xã hội mà “nhìn dâu cũng thấy, sờ đâu cũng có” (lời ông tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng) không chỉ nghèo mà còn nguy hiểm. Trong vụ trù dập tôi năm 1994-1998, lãnh đạo ngành HKVN đã công khai yêu cầu an ninh “gỡ cái camera Nguyễn Đình Ấm ra khỏi ngành HKVN”. Từ năm 1994-1998 tôi bị treo bút, bắt đi bán báo dạo cho cơ quan, cắt gần hết lương phải làm báo tự do bên ngoài để tồn tại, rồi bị khởi tố, điều tra, khám xét nhà cửa(1996) suýt vào nhà đá. Thế nhưng, nhưng cái gì cũng có giá của nó, cuộc sống, nghề nghiệp của tôi không phí hoài, đã có ích ít nhiều cho ngành Hàng Không Việt Nam.