Phú Nhuận
(VNTB) – Các YouTuber, TikToker là đội ngũ truyền thông nhân dân nhưng pháp luật vẫn không công nhận họ là người làm báo.
Có ý kiến là với sự kiện hành giả Thích Minh Tuệ đang đặt ra một yêu cầu cấp bách, đó là phải nhìn nhận và đánh giá giới YouTuber, TikToker một cách chính xác rạch ròi. Theo đó họ chính là đội ngũ truyền thông nhân dân, cần đối xử công bằng với họ.
“Việt Nam có hàng trăm tờ báo, đài truyền hình, phát thanh các loại, các lĩnh vực. Thế nhưng từ quan điểm đến thông tin, toàn bộ hệ thống đều phải chịu sự kiểm soát và định hướng chặt chẽ của Ban Tuyên giáo. Không có báo chí độc lập khi Đảng xác định báo chí là bộ máy tuyên truyền, là công cụ của Đảng. Đảng nói đi hướng đông, báo chí tuyệt đối không dám đi hướng tây.
Đội ngũ những người đưa tin nhân dân vô cùng đa dạng và đông đảo đã phá vỡ tấm màn thông tin phiến diện, bị định hướng nặng nề đó, sửa chữa lỗi sai này của nền báo chí quốc doanh” – một nhà báo từng ‘có thẻ’ ý kiến như vậy.
Đội ngũ báo chí nhân dân này lại hơn hẳn đội ngũ báo chí quốc doanh ở sự tự do và không biết sợ. Họ không mắc căn bệnh tự biên tập mắc phải do nhiều năm bị nhét trong cái khuôn khổ của Ban Tuyên giáo.
Thế nhưng cho đến tận lúc này khi mà Đảng đang kỷ niệm 99 năm sự kiện tờ báo Thanh niên ra đời tại Quảng Châu (Trung Quốc), thì đội ngũ báo chí nhân dân vẫn không những được nhìn nhận tư cách nghề nghiệp, mà ngay cả quyền tham gia vào tổ chức hội đoàn chuyên trách như Hội Nhà báo Việt Nam vẫn bị từ chối.
Theo Quyết định số 375/QĐ-TTg ngày 12-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam, thì chỉ xem xét việc gia nhập vào Hội Nhà báo khi đáp ứng nột trong những điều kiện sau: Tham gia vào quy trình sản xuất thông tin trong cơ quan báo chí, thông tấn (phóng viên, biên tập viên, đạo diễn, quay phim, biên kịch phát thanh – truyền hình, phát thanh viên; họa sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên tòa soạn); Làm công tác nghiên cứu, giảng dạy báo chí; Cán bộ cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; Cán bộ chuyên trách tại cơ quan Hội Nhà báo Việt Nam và Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Liên chi hội nhà báo.
Các đối tượng vừa nêu phải có thời gian công tác ở các cơ quan nói trên từ 02 năm trở lên. Trường hợp đặc biệt, do Ban Thường vụ Hội nhà báo Việt Nam xem xét, quyết định.
Như vậy nếu như cho rằng đây là thỏa thuận của nội dung Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam nên không thể trách cứ chuyện “kết nạp” đội ngũ truyền thông nhân dân này, vậy thì Đảng và nhà nước không chọn quản lý họ bằng tổ chức như nghiệp đoàn, với các tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề minh bạch, ai phù hợp chỉ cần đăng ký với cơ quan chức năng. Họ sẽ được đào tạo chuyên môn báo chí cơ bản như kiến thức pháp luật căn bản, cách đặt câu hỏi, cách viết những status ngắn gọn nhưng đủ nội dung. Chính tả, ngữ pháp thì cần học và hành lâu dài.
Những hành vi vi phạm pháp luật như việc sục sạo ống kính vào mọi ngóc ngách sinh hoạt của đoàn hành giả Thích Minh Tuệ như vừa qua chẳng hạn sẽ bị nghiêm cấm. Người vi phạm có thể bị tước thẻ hành nghề hoặc cấm phát video, xóa kênh.
“Cho dù ở trong một xã hội kiểm soát thông tin nghiêm ngặt như Việt Nam đi nữa, việc thừa nhận lực lượng truyền thông nhân dân tất yếu sẽ phải xảy ra. Điều đó không thể đảo ngược, chỉ sớm hay muộn thôi!” – trích ý kiến của vị nhà báo từng ‘có thẻ’ như đã nêu ở phần đầu bài viết này.
1 comment
“Nhà báo tự do và quyền được tham gia hội đoàn”
Nên thêm “trách nhiệm” níu tham gia những hội đoàn được xem là phản động, & được Hoài Nguyễn của các bác cảnh báo