Bà Hoàng Thị Minh Hồng là người sáng lập tổ chức bảo vệ môi trường Change, một tổ chức phi lợi nhuận địa phương năng động có sứ mệnh nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho cộng đồng bảo vệ thiên nhiên môi trường, động vật hoang dã, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững.
Bà cũng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam Cực vào năm 1997, được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam năm 2019, trở thành đặc phái viên trẻ của UNESCO và nhận bằng khen của Thủ tướng Việt Nam trong cùng năm.
Trước đó, bà Hồng được vinh danh với nhiều giải thưởng về môi trường và được đưa vào danh sách “Anh hùng Khí hậu” (Climate Hero) vào dịp Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu COP21.
Bà còn được Tổng thống Mỹ Barack Obama nhắc đến trên trang Twitter vào năm 2018 như là một người trẻ truyền cảm hứng cho ông.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng là nhà hoạt động môi trường thứ 5 bị bắt tại Việt Nam, sau ông Phan Mai Lợi, ông Đặng Đình Bách, bà Nguỵ Thị Khanh và ông Bạch Hùng Dương. Hầu hết các nhà hoạt động đều bị bắt với cáo buộc trốn thuế.
Việc bắt giam và bỏ tù các nhà hoạt động khí hậu tại Việt Nam diễn ra sau khi chính phủ Cộng sản cam kết đưa mức phát thải ròng về Zero vào năm 2050, và đạt được gói hỗ trợ chuyển đổi năng lượng sạch trị giá 15,5 tỷ đô la từ thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Bình đẳng (JETP) vào tháng 12 vừa qua.
Tuy nhiên, điều trớ trêu là các nhà hoạt động môi trường hiện nay lại có rất ít không gian để hoạt động trong nước vì những người hoạt động về khí hậu có chiến dịch mở đường cho JETP đều bị bỏ tù vì tội “trốn thuế” mà nhiều người tỏ ra nghi ngờ về cáo buộc này.
NPR dẫn lời các chuyên gia nhân quyền nói các vụ bắt giữ là một phần của chiến dịch đàn áp các nhóm xã hội dân sự trong những năm gần đây của Đảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam.
Để phản đối tình trạng trấn áp này, các nhóm xã hội dân sự từ khắp nơi trên thế giới đang thúc đẩy các chính phủ và tổ chức tài chính muốn loại bỏ than đá của Việt Nam hãy gây áp lực với nhà cầm quyền về các hoạt động nhân quyền trước khi gửi khoản tiền cam kết cho Việt Nam, vẫn theo NPR.
Hôm 11/5, Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nói rằng việc bỏ tù nhà hoạt động Đặng Đình Bách là “vi phạm luật pháp quốc tế” và bày tỏ lo ngại về “vấn đề mang tính hệ thống với việc giam giữ tùy tiện” các nhà bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
[ads_color_box color_background=”#faf7f7″ color_text=”#444″]
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 1/6, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Hoàng Thị Minh Hồng bị Công an TPHCM bắt tạm giam cùng chồng và 2 nhân viên với cáo buộc trốn thuế.
Ông Thắng khẳng định, Việt Nam luôn khẳng định mạnh mẽ cam kết của mình trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững. Điều này được nêu rõ tại nhiều văn bản pháp luật, chủ trương, chính sách của Việt Nam.
Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng cho biết, hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang triển khai nhiều biện pháp tổng thể, toàn diện trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh tuần hoàn. Tại Việt Nam có hàng trăm tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ đang tăng cường đa dạng hóa hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
“Nhìn chung tại Việt Nam, các cá nhân, hội, tổ chức nhân dân, tổ chức phi chính phủ được bảo đảm hoạt động theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của mình. Như tại các quốc gia khác, những người vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Thắng nói.
Tiền Phong Online
[/ads_color_box]