Nguyễn Nam
(VNTB) – Nhà nước vận hành từ tiền thuế của dân. Đảng cũng hoạt động bằng tiền thuế của dân
Đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện, nhưng nhà nước là ai, cách thức sử dụng quyền đại diện của Nhà nước, đại diện cho sở hữu toàn dân thì luật quy định chứ Hiến pháp không quy định.
Nhà nước được hiểu là Quốc hội, là cơ quan ban hành điều lệ; Nhà nước cũng là Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Nhân dân các cấp, các bộ ngành vì đó cũng là các cơ quan Nhà nước sử dụng quyền lực Nhà nước để thực hiện chức năng đại diện cho sở hữu toàn dân.
“Bản chất có thật vậy không? Ví dụ, Hội đồng Nhân dân có thẩm quyền quyết định quy hoạch và thay đổi quyền sử dụng đất. Nhưng nếu Hội động nhân dân vận hành theo ý chí cá nhân, chủ quan của một ông Bí thư tỉnh uỷ hay Chủ tịch tỉnh lộng hành quyền lực thì đó không phải là ý chí Nhà nước mà là sự tiếm quyền của cá nhân nhân danh Nhà nước” – đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân thắc mắc.
Với những gì diễn ra lâu nay trên chính trường cho thấy có phải Nhà nước là thuộc quyền sở hữu của Bộ Chính trị với ‘hoàng đế không ngai’ là tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam?
Nhà nước vận hành từ tiền thuế của dân. Đảng cũng hoạt động bằng tiền thuế của dân. Vậy thì phải chăng cùng lúc người dân đang có đến hai gã ‘đầy tớ’ phải tốn tiền bạc để nuôi nấng?
Nguy cơ về sự tha hóa của quyền lực nhà nước hay quyền lực công được nhắc đến lâu nay không mấy e dè, thế nhưng sự tha hóa ngay trong cái gọi là “cấu trúc quyền lực” độc đảng chính trị kéo dài suốt từ thời kỳ chiến tranh vệ quốc, đến nội chiến Bắc – Nam và sau đó là giai đoạn thống nhất đất nước, cho thấy sự tha hóa quyền lực nhà nước cần được gọi đúng tên là “tha hóa quyền lực của một đảng độc tài toàn trị”.
Điều này càng lộ rõ bản chất hơn khi quy định của đảng là người được tín nhiệm bầu chọn làm tổng bí thư, sẽ không quá hai nhiệm kỳ, thế nhưng những gì đang diễn ra bất chấp điều lệ đảng, cho thấy sự tha hóa quyền lực giờ là nghiễm nhiên.
Công tâm mà nói, về mặt truyền thông đối ngoại, đảng luôn cho rằng sau hơn 30 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, sự phát triển của nền kinh tế đã đặt ra nhu cầu cần đổi mới cả hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền. Có nghĩa là, hệ thống thể chế ban hành chủ trương chính trị, hoạch định và thực thi chính sách công cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với sự biến đổi của thể chế kinh tế.
Sự thay đổi còn là để có thể phát huy vai trò của các động lực thị trường và sức mạnh của mọi lực lượng xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước. Như vậy thì để giảm thiểu nguy cơ lạm quyền, cần phải thông qua các cơ chế và biện pháp kiểm soát quyền lực nhà nước là một nhu cầu tất yếu.
Nếu có đánh giá về kiểm soát quyền lực trong mối quan hệ đảng – nhà nước, ví dụ như Thủ tướng chính phủ chẳng hạn, khi giữ hai vai của một chính khách, đó là về mặt đảng, họ là ủy viên trung ương chịu sự quản lý của Tổng bí thư; ở vị trí đứng đầu Nhà nước, thì chính khách đó chỉ chịu mỗi trách nhiệm trước lá phiếu tín nhiệm của dân chúng.
“Đề cao sự thống nhất của quyền lực nhà nước tức là chúng ta không hoàn toàn thực hiện nguyên lý “phân tán để kiểm soát quyền lực” như ở các nước phương Tây và Mỹ. Các nhánh quyền lực nhà nước cũng được phân chia và tổ chức với chức năng và ranh giới rõ ràng nhưng không vận hành độc lập riêng rẽ, kiểu “việc ai người ấy làm”, rồi “nhòm ngó canh nhau”.
Thay vào đó, các nhánh quyền lực nhà nước được cho rằng luôn phải phối hợp với nhau, là đối tác chứ không phải đối trọng để kiềm chế nhau như trong mô hình quyền lực phân tán độc lập hoàn toàn.
Những đặc điểm nêu trên khiến cho việc kiểm soát quyền lực ở nước ta không được thực hiện dựa trên cơ chế “cân bằng và kiểm soát” lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực nhà nước. Thay vào đó, kiểm soát quyền lực sẽ được thực hiện với 2 cơ chế: tự kiểm soát, tức là trông đợi vào khả năng người nắm giữ quyền lực tự giác tuân thủ các quy định của đảng và pháp luật của Nhà nước; và các phản ứng kiểm tra, giám sát bởi các đơn vị chức năng nhằm bảo đảm sự nhất quán của cả hệ thống quyền lực nhà nước trong hoạch định và thực thi chính sách công.
Hàng loạt vụ tham nhũng vừa qua là hệ lụy tất yếu của yêu cầu kiểm soát quyền lực trong quản trị quốc gia mà tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn đang loay hoay với những lý luận, lập luận kiểu đèn cù…” – luật sư P.V.T., nhận xét.
1 comment
“như ở các nước phương Tây và Mỹ”
Ôi, lại có người không (chịu) đọc tên nước mình rồi .
“người dân đang có đến hai gã ‘đầy tớ’ phải tốn tiền bạc để nuôi nấng”
Hổng hiểu tác giả mún nói gì lun . Dân ta sướng quen rồi, chịu khổ không được nữa, có được 2 đầy tớ là quá đã lun rùi, muốn gì nữa bây giờ ? Dân mềnh bây giờ rất chịu chơi hổng sợ mưa rơi, tại sao tự dưng lại giở thói keo kiệt, bủn xỉn ở đây ?
Nếu muốn nhất thể hóa thì nên nhất thể hóa trên thượng tầng trước . Nên nhất thể hóa Đảng & Đảng của Đảng thành 1, sau đó tùy thực tế khách quan . Có thể lúc đó Đảng cũng sẽ cần bộ máy Nhà nước, nhưng chắc chắn không cồng kềnh như hiện nay