Mai Lan
(VNTB) – Khi được giao quyền, các tỉnh thành sẽ chủ động về ngày thi, đề thi… chứ không phải phụ thuộc vào ngày thi chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Từ năm 2016, chính quyền TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo xin thẩm định “Đề án thi và xét tốt nghiệp trung học phổ thông tại TP.HCM từ năm 2017”. Trong đề án, TP.HCM kiến nghị được phép tự ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi và xét tốt nghiệp đối với học sinh học hết lớp 12 trên địa bàn.
Rất tiếc, đề án này đã không được phê duyệt.
“Khi được giao quyền, các tỉnh thành sẽ chủ động về ngày thi, đề thi… chứ không phải phụ thuộc vào ngày thi chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Những nơi chưa kiểm soát được dịch Covid-19 thì có thể dời ngày thi” – thầy Nguyễn Hà Thanh, khoa toán – tin Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, ý kiến.
Dĩ nhiên là cần có quy định cụ thể vì 63 tỉnh thành tự tổ chức thi, rất có thể sẽ có 63 dạng đề thi khó – dễ khác nhau; việc chấm thi cũng sẽ theo dạng lỏng – chặt khác nhau. Và khi ấy thì đương nhiên là các trường đại học được toàn quyền trong cách thức tuyển sinh của họ, mà không phải lệ thuộc vào thời gian ấn định của Bộ Giáo dục.
“Cần có tổ chức khảo thí kiểm định độc lập làm công tác khảo thí, như vậy sẽ tránh ‘vừa đá bóng vừa thổi còi’. Từ đó mới có học thật, thi thật và chất lượng thật” – Thầy Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, thành phố Thủ Đức, đề xuất.
Trong báo cáo về kết quả đã làm được trong bối cảnh đặc biệt, năm học 2019-2020 diễn ra trong nhiều đợt bùng phát dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã tổ chức tốt trên tinh thần giao tự chủ cho địa phương tổ chức thi, các trường đại học tự chủ về tuyển sinh.
Những điều chỉnh – theo báo cáo, thì đều tính toán để đảm bảo quyền lợi cho lứa học sinh ít nhiều bị ảnh hưởng bởi dịch, đặc biệt việc tổ chức 2 đợt thi để ứng phó với dịch Covid-19 là cố gắng lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng ban ngành giáo dục ở nhiều địa phương.
Tuy nhiên diễn biến dịch Covid-19 ở hiện tại lại có diện lây lan rộng đến mấy chục tỉnh, thành với các biến chủng được đánh giá là nguy hiểm hơn rất nhiều so các lần bùng dịch trước đó, do vậy một lần nữa vấn đề cần dứt khoát hơn về chủ trương “thi tốt nghiệp để địa phương lo, tuyển sinh đại học để các trường tự chủ”.
Với việc tin tưởng vào các địa phương trong chuyện thi cử, xem ra Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đỡ ôm đồm, và giờ đây tập trung thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường kiểm tra, giám sát cho chuyện thi cử ở các địa phương, cũng như việc tuyển sinh của trường đại học.
Trước mắt, một số chuyên gia giáo dục ý kiến là với tình hình dịch bệnh Covid-19 hệt như mùa thi năm ngoái, nên thực hiện đúng Luật giáo dục 2019 có hiệu lực từ 1-7-2020, cần thiết sử dụng tên gọi là Kỳ thi xét tốt nghiệp trung học phổ thông. Do phải cắt giảm chương trình nên tinh thần là học gì thi nấy, “xét” là chỗ đó. Nội dung đề thi, độ phân hóa đề sẽ giảm bớt, bài thi tổng hợp chỉ có một đầu điểm vì nhiệm vụ chính của kỳ thi là phục vụ tốt nghiệp.
“Vì luật Giáo dục đang quy định phải có một kỳ thi quốc gia nên vẫn phải tổ chức nhưng nếu cần vẫn có thể sửa luật, hoặc các địa phương cùng tổ chức kỳ thi vào một ngày, sau đó địa phương sẽ tự công nhận tốt nghiệp cho học sinh địa phương mình” – Thầy Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, ý kiến.
Các tỉnh, thành lớn, có số lượng học sinh đông như Hà Nội, TP.HCM có chuẩn đầu ra cụ thể, có thời gian theo dõi và đánh giá học sinh một thời gian dài theo chuẩn này. Các địa phương này kiểm soát được chất lượng của học sinh và chất lượng đào tạo nên mới đưa ra đề xuất.
“Với các địa phương khác, nếu đạt được một chuẩn đầu ra cụ thể, cam kết được với xã hội và học sinh, tôi nghĩ là có thể giao cho địa phương công nhận tốt nghiệp. Tất nhiên muốn làm phải có sự đối sánh các năm về điểm trung bình học tập với điểm thi xem có độ vênh quá lớn không. Làm vậy để đảm bảo học sinh công nhận tốt nghiệp THPT không có độ lệch quá lớn với quá trình học” – Thầy Phạm Tấn Hạ đề nghị.