VNTB – Nhân dân có giám sát được quyền lực của các ông?

VNTB – Nhân dân có giám sát được quyền lực của các ông?

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Ở đâu có quyền lực, ở đó phải có kiểm soát.

 

Một sự thật hiển hiện mà suốt 3 nhiệm kỳ liên tiếp ở ghế Tổng bí thư, người ta thấy ông Nguyễn Phú Trọng vẫn loay hoay đi tìm cách hóa giải cho chuyện nhà nước bị lợi dụng, lạm quyền, lộng quyền, bởi “cấu trúc quyền lực thống nhất” như đã nhấn mạnh ở Điều 4, Hiến pháp 2013, “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”.

Giám sát là được luôn quyền chỉ trích cả Bộ Chính trị?

“Giám sát của Nhân dân” là điều mà lâu nay với những điều luật số 117, 331 của Bộ luật hình sự, cho thấy việc giám sát này chỉ là một trạng thái hình thức dân chủ dùng để tuyên truyền chính trị.

Có ý kiến  nên theo hướng hoàn thiện cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong từng cơ quan nhà nước; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực của nhân dân, xã hội, phương tiện truyền thông đối với việc thực thi quyền lực nhà nước.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng quyền lực là khả năng thực hiện được ý chí của mình, bất chấp sự phản kháng của người khác. Nhờ có quyền lực mà các chủ thể sẽ có nhiều lợi thế trong cuộc cạnh tranh phân bổ nguồn lực sống, qua đó duy trì và gia tăng được địa vị của mình trong cấu trúc xã hội.

Khi quyền lực nhà nước được tách bạch rạch ròi thành ba nhánh là lập pháp – hành pháp – tư pháp, thì cùng với đó, nguyên tắc “cân bằng và kiểm soát” cho phép ba trụ cột quyền lực nhà nước có thể hoạt động riêng rẽ, giám sát và trừng phạt lẫn nhau mỗi khi xuất hiện biểu hiện lạm quyền.

Thế nhưng trong nhiều tuyên bố trước đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người kiên quyết phủ nhận việc độc lập của cái gọi là “tam quyền phân lập” đó. Ông kiên quyết không đồng ý cấu trúc quyền lực phân tán, hệ thống mở và vận hành dựa trên nguyên tắc “cân bằng và kiểm soát quyền lực”.

Cổ súy “tam quyền phân lập” sẽ dễ đi tù

Trong loạt các ý kiến phản biện chính trị lúc nhà báo tự do Phạm Chí Dũng còn được quyền công khai lên tiếng, thì với “tam quyền phân lập”, ông Dũng đã chỉ rõ qua những vụ việc cụ thể cho hạn chế tối đa khả năng thâu tóm quyền lực nhà nước bởi một chủ thể nào đó. Và từ các bài báo của mình, ông Dũng phân tích cho thấy các nguy cơ, hoặc biểu hiện hành vi lạm dụng công quyền mà nếu có “tam quyền phân lập”, thường sẽ được phát hiện từ rất sớm, nhờ đó giảm thiểu khả năng lợi dụng quyền lực công để phục vụ các lợi ích cá nhân, nhóm.

Một ưu điểm nữa là trong bất kỳ tình huống nào có vấn đề nghiêm trọng xảy ra với một trong ba nhánh quyền lực nhà nước, với chính quyền trung ương, hay chính quyền địa phương thì cũng không ảnh hưởng quá mức đến hoạt động chung của hệ thống quản trị quốc gia. Tức là người ta có thể sửa chữa vấn đề với một nhánh hoặc một cấp quyền lực nào đó trong khi cấu trúc quản trị nói chung vẫn có thể vận hành, chứ không đến mức rối loạn hay đổ vỡ cả hệ thống.

Tuy nhiên khi bàn luận với thân hữu ở Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, ông Phạm Chí Dũng nói rằng từ trải nghiệm thời gian rất dài mà ông công tác trong ngành an ninh nội chính, cho thấy sự độc lập hoàn toàn giữa các chủ thể quyền lực nhà nước và các kỳ bầu cử tự do là điều mà Việt Nam không có được, nên những yếu tố có thể gây ra sự “vênh” nhau về quan điểm chính sách, dẫn đến sự cạnh tranh trong nhiệm kỳ chính quyền khác nhau cũng không thể có, do thiếu sự cạnh tranh của các ghế quyền lực những đảng chính trị trong Quốc hội.

Bộ Chính trị thâu tóm cả “tam quyền”

Nhắc lại câu chuyện trên trong bối cảnh Hội nghị Trung ương 6 đang bàn luận yêu cầu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật”, cho thấy chí ít cần rạch ròi ngay ba nội dung sau: Lập pháp, biểu hiện ý chí chung của quốc gia. Nó thuộc về toàn thể nhân dân, được trao cho hội nghị đại biểu nhân dân – Quốc hội.

Hành pháp là việc thực hiện luật pháp đã được thiết lập. Và tư pháp là để trừng trị tội phạm và giải quyết sự xung đột giữa các cá nhân. Các thẩm phán được lựa chọn từ dân và xử án chỉ tuân theo pháp luật.

Đàng này tất cả “lập pháp – hành pháp – tư pháp” đều chịu sự điều hành mang tính bắt buộc của Bộ Chính trị gọi là “cấu trúc quyền lực thống nhất”, vậy thì người dân biết phải thực hiện quyền giám sát Bộ Chính trị bằng cách nào, ra sao để không bị chụp mũ “chính trị hóa”?

Bất cứ ở đâu có quyền lực là xuất hiện xu thế lạm quyền và chuyên quyền, cho dù quyền lực ấy thuộc về ai. Do vậy, để đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân, ngăn ngừa các hành vi lạm quyền của các chủ thể nắm giữ quyền lực nhà nước, thì dứt khoát phải thiết lập pháp chế nhằm giới hạn quyền lực nhà nước.

Cách tốt nhất để chống lạm quyền là giới hạn quyền lực bằng các công cụ pháp lý và cách thực hiện không phải là tập trung quyền lực, mà là phân chia nó ra. Muốn hạn chế quyền lực nhà nước thì trước hết phải phân quyền, và sau đó phải làm cho các nhánh quyền lực đã được phân chỉ được phép hoạt động trong phạm vi quy định của pháp luật.

Và một khi Việt Nam chưa có luật về đảng chính trị, thì nơi có tên là “Bộ Chính trị” phải được làm rõ đây là mô thức gì trong bộ máy quản trị quốc gia?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Công Tâm 2 years

    Đàn bò làm sao giám sát người chăn bò?