Việt Nam Thời Báo

VNTB- Nhìn lại sự khác biệt hai chuyến thăm VN của TT Obama và CT Tập Cận Bình

Khúc Thừa Sơn 

Images intégrées 1
Khoa, nhân vật trả lời phỏng vấn trong bài (ảnh: facebook Khoa)
(VNTB) – “Chuyến sang Việt Nam của người đứng đầu nhà nước Trung Quốc như đã thấy, chỉ đem lại lợi ích cho một nhóm người đứng đầu thôi, còn khó khăn mà ông đem lại đó là có nhiều người dân bị bắt, bị đánh đập…Về chuyến sang Việt Nam của ông Obama, có thể thấy sự thay đổi lớn nhất mà ông đem lại có lẽ là nhận thức của dân ta đã thay đổi. Nhưng quý trọng ông Obama thì cứ quý, nồng nhiệt với ông Obama thì hãy nồng nhiệt, nhưng đừng kỳ vọng vào cuộc viếng thăm lần này của ông sẽ thay đổi được điều gì lớn lao.”
Tổng thống (TT) Hoa Kỳ ông Barack Obama đã rời Việt Nam. Song những gì ông để lại qua hai ngày (từ 23– 25/5/2016) ở Việt Nam hẳn vẫn còn không ít người lưu luyến. Nhìn lại, có đến hàng ngàn người dân ở Sài Gòn và Hà Nội đổ xô ra đường nô nức chào đón TT Barack Obama nhân chuyến sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Cũng nhìn lại, vào ngày 5/11/2015, Tổng bí thư, kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc ông Tập Cận Bình sang thăm và làm việc tại Việt Nam cũng có chừng ngàn người dân Sài Gòn và Hà Nội đổ xô ra đường nhưng không phải để chào đón mà để phản đối, yêu cầu ông Tập Cận Bình về nước bất chấp việc bị lực lượng công an, an ninh đàn áp khốc liệt.

Tại sao có sự khác biệt ở cách đón tiếp chính khách của người dân Việt Nam? Đây là câu hỏi mà không ít người muốn nghe, muốn nhắc và cả muốn tìm hiểu….

Khát vọng tự do, dân chủ và cần một sự thay đổi

Việt Nam Thời Báo có dịp ngồi trò chuyện với hai người bạn trẻ, một bạn tên Khoa và bạn còn lại tên Vĩnh. Cả hai thuộc thế hệ 8X, cùng sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng, nghe những tâm, những chia sẻ của họ. Hình ảnh người dân Việt Nam nô nức chào đón TT Barack Obama đến và hình ảnh chính quyền Nhà nước Việt Nam trịnh trọng đón tiếp ông Tập Cận Bình đã khiến cho hai người bạn trẻ có một cái nhìn chung một hướng. Một khát vọng tự do, dân chủ và cần một sự thay đổi tốt hơn ở Việt Nam là những gì Khoa và Vĩnh muốn hướng đến.

Theo Khoa, có lẽ 41 năm sống dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản (ĐCS) cộng với sự phát triển của thời đại đã giúp cho người dân Việt Nam biết rất nhiều điều. Người dân biết nhìn rõ trắng đen, biết phân biệt phải, trái rõ ràng. Họ không còn dễ để cho ai đó dụ dỗ. Khoa dẫn minh chứng:

Điều này thể hiện qua việc có hàng triệu người, bất chấp hiểm nguy, tù đày hay bị đàn áp đã hăng hái xuống đường thể hiện khát vọng thay đổi, tiêu biểu qua các vụ việc mà nhiều người cùng biết như: Phản đối Trung Quốc về đường “lưỡi bò”, về giàn khoan HD981, và mới nhất là Formosa ở Vũng Áng (Hà Tĩnh)”

Còn với Vĩnh, sự khác biệt trong cung cách đón tiếp của người dân Việt Nam dành cho hai chính khách Barack Obama và Tập Cận Bình là ở tầm ảnh hưởng và sự nổi tiếng. Vĩnh nói:
Tầm ảnh hưởng và sự nổi tiếng của TT Obama là điểm thu hút dân Việt Nam đổ ra đường là nhiều nhất. Kế tiếp là việc ông đến vào thời điểm này khiến những người trí thức, những người có khuynh hướng dân chủ và tiến bộ cảm giác gì đó cần một sự thay đổi. Nên việc họ xuống đường đón Obama với một lực lượng đông như vậy là điều tôi nghĩ đến.”

Tiếp nữa, đối với những người từng sống tại Sài Gòn trước năm 1975, họ ra đường với cảm giác sống dậy cuộc sống thịnh vượng, hoặc ít nhất họ được một chút gì đấy cảm giác chào đón vị TT của lòng họ như lúc xưa. Còn lại đa số là ra đường đón ông Obama để xem độ hào nhoáng của đoàn hộ tống và được thấy tận mặt ông TT của nước Hoa Kỳ hùng mạnh. Còn đối với việc đón tiếp ông Tập Cận Bình thì ngược lại.

Đối với ông Tập Cận Bình thì vì những việc làm của ông, đất nước ông trên tổ quốc Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng. Từ nhận thức cho đến hệ quả của nước láng giềng phương Bắc ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào đã ăn sâu đậm vào con người Việt Nam. Vì thế nên, việc phản đối ổng và biểu tình chống ổng là điều dễ hiểu. Giờ chỉ cần nhắc đến hai chữ Trung Quốc là từ trẻ nhỏ đến người già đều nhíu mắt khó chịu rồi

Lời của Vĩnh và những gì Vĩnh nói ở trên là điều dễ hiểu. Một Việt Nam cần sự thay đổi để tốt đẹp hơn dẫu sao bắt đầu bằng một chuyển đổi từ “Thù” sang “Bạn” nghe thuận chiều hơn là từ “Bạn” sang “Thù”.

Sự khác biệt giữa lợi ích Dân và Chính quyền

Sự khác biệt trong việc đón tiếp ông Obama và ông Tập Cận Bình không chỉ thể hiện qua những việc làm hiện thực của người dân và chính quyền Việt Nam mà còn ở chính bản thân hai chính khách này. Ông Obama và ông Tập Cận Bình đến Việt Nam đem lại lợi ích gì?

Thật có nhiều điều muốn nói, với Khoa thì:

Chuyến sang Việt Nam của người đứng đầu nhà nước Trung Quốc như đã thấy, chỉ đem lại lợi ích cho một nhóm người đứng đầu thôi, còn khó khăn mà ông đem lại đó là có nhiều người dân bị bắt, bị đánh đập… Về chuyến sang Việt Nam của ông Obama, có thể thấy sự thay đổi lớn nhất mà ông đem lại có lẽ là nhận thức của dân ta đã thay đổi. Nhưng quý trọng ông Obama thì cứ quý, nồng nhiêt với ông Obama thì hãy nồng nhiết, nhưng đừng kỳ vọng vào cuộc viếng thăm lần này của ông sẽ thay đổi được điều gì lớn lao.”

Cũng cần phải nói, việc ông Tập Cận Bình sang Việt Nam vào đầu tháng 11/2015, dư luận Việt Nam đặt ra nhiều dự đoán cho những vấn đề chủ yếu vẫn nhắm đến ĐCS Việt Nam, những người lãnh đạo cấp cao của Nhà nước Việt Nam. Có thể xoanh quanh vấn đề cốt lõi là nhắn nhủ rằng phải luôn luôn giữ vững về vấn đề bảo vệ chế độ, dùng uy quyền của một nước lớn để răn đe những vấn đề Biển Đông, ngăn ngừa những nước nào có ý kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế mà Việt Nam thường nghe những phát ngôn hiếu chiến của những tướng lĩnh “diều hâu” Trung Quốc được đăng tải trên các mặt báo chính thống của Trung Quốc.

Và cốt lõi ông (Tập Cận Bình) qua đây dự liệu có phần ngầm ý rằng Việt Nam chớ nên làm rùm beng lên vấn đề biển Đông trong thời điểm Trung Quốc đang hoàn tất mấy cái đảo nhân tạo ở biển Đông, nhằm củng cố và lập vùng nhận dạng phòng không.”

Còn việc ông Obama sang Việt Nam trong những ngày vừa qua thì sao? Vĩnh nói tiếp:

Tôi nghĩ nhiều về vấn đề TPP và khẳng định lập trường của Mỹ về việc biển Đông, cũng như ủng hộ Việt Nam về vấn đề kiên quyết trong chủ quyền ở biển Đông. Tôi thấy ông Obama qua không mang nhiều lắm về động thái chính trị rõ ràng. Có chăng ông dùng TPP làm điểm nhấn cho chuyến đi này và việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam cũng là cách ông sang thăm Việt Nam.”

Sự thông minh và uyên bác của TT Obama luôn toát ra từ những câu nói. Hôm 24/5/2016, tại trung tâm Hội nghị quốc gia, TT Obama có nhắc đến chủ quyền Việt Nam và tầm quan trọng của người dân Việt Nam; “Việt Nam là một quốc gia độc lập, tự chủ, và không một quốc gia nào có thể áp đặt ý chí của mình lên các bạn hay quyết định vận mệnh của các bạn. Hiện nay, Hoa Kỳ quan tâm đến đất nước này…”

Rõ ràng, hai chuyến đi của TT Obama và chủ tịch nước Tập Cận Bình sang Việt Nam có những khác biệt quá lớn. Dĩ nhiên, người dân Việt Nam dần đã hiểu, Việt Nam phải thay đổi từ chính người dân Việt Nam. Và đây cũng chính là chia sẻ của bạn trẻ Khoa.

Thay đổi Việt Nam là việc của lãnh đạo Việt Nam và bằng hành động của người dân Việt Nam. TT Bush hay TT Clinton của Hoa Kỳ cũng từng thăm Việt Nam và cũng từng để lại nhiều hy vọng. TT Obama cũng chỉ thế mà thôi. Việt Nam phải thay đổi từ chính Việt Nam

Tin bài liên quan:

VNTB- Quảng Nam: Vì sao tiểu thương tự thiêu?

Phan Thanh Hung

Phỏng vấn VNTB: “Phiên tòa không đẹp” ngày 12/2/2015 ở Đồng Nai

Phan Thanh Hung

VNTB- Tạ Phong Tần tuyệt thực dài ngày do cán bộ tại giam ngược đãi tù chính trị

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo