Hiền Vương
(VNTB) – Bộ sách “Anh ngữ thực dụng” (6 cuốn) của ông giáo sư Lê Bá Kông được dùng kèm với bộ sách English For Today. Còn bộ “Cours de Langue et de Civilisation Francsaises” (4 cuốn) của G. Mauger thì đi kèm có “Bài học về Ngôn ngữ và Văn minh Pháp” do Ban Tu thư Tuấn Tú dịch & giải và xuất bản.
Hồi đó, tôi học trường Tây ở Sài Gòn, sau tháng 4-1975, buộc phải học ‘trường của cách mạng’ nên vẫn quen gọi giáo trình Mauger thay cho cái tên dài thoòng là “Cours de Langue et de Civilisation Francsaises”.
Nghe đâu cách nay chừng chục năm, vì sự hiện diện khá đông đúc của dân Trung Quốc tại Paris, nên cộng đồng người Hoa tại Pháp đã tái bản sách Mauger với song ngữ Hoa – Pháp.
Hồi đó học trò miền Nam dùng từ ‘ngữ vựng’ thay ‘từ vựng’ ngày nay. Dân tiếng Pháp gọi cà rỡn là Vỏ Cá Bự Lại Rẻ (Vocabulaire), dân học Anh ngữ thì lại gọi vui là Vỏ Cá Bự Lại Rĩ (Vocabulary).
Mới đây đọc trên báo thấy lùm xùm chuyện thẩm định sách giáo khoa. Nhà xuất bản và mấy ông, bà quản lý ở sở giáo dục gì đó ngoéo tay nhau để chung soạn sách giáo khoa, chung chi rồi giờ lại nghi vấn sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1… với đủ mọi ngờ vực chuyện tiêu cực giống như vụ valy 3 triệu Mỹ kim của ông cựu bộ trưởng đang hầu tòa, mà đến nay không ai chịu nói là nó đang ở đâu (!?).
Hồi thời đó (chắc giờ già rồi nên toàn nhắc kể chuyện thuở hoa niên), nhiều học sinh học tiếng Anh khó ai quên được bộ sách English For Today từ quyển 1 đến quyển 6. Học sinh theo học ban nào sẽ được học sách phù hợp.
Mấy mươi năm sau gọi là đất nước thống nhất song cứ thay đổi xoành xoạch nhiều về mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp, thiết bị dạy học nên việc dạy học tiếng Anh nói riêng và dạy học ngoại ngữ nói chung cũng ráng chạy theo cho phù hợp. Hốt bạc nhất ở đây vẫn là các nhà xuất bản được giao độc quyền trong in ấn, phát hành sách giáo khoa.
Có ý kiến nghe chừng thuộc dạng ‘trung ngôn – nghịch nhỉ’, là quản lý nhà nước về giáo dục mà cứ dài tay ôm lấy sách giáo khoa, thì xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa chỉ là mỹ từ của hình thức, không tạo ra động lực thực sự.
‘Lobby’ sách giáo khoa, một số ít người đang ngộ nhận vì cho là đúng trong thời kỳ kinh tế thị trường, thật ra đang làm cho nhũng nhiễu, tiêu cực phát sinh. Giáo dục quanh quẩn đó làm sao bước ra biển rộng, bay lên trời cao?
Tạm kết bài viết lan man, cái này xọ cái kia bằng một câu chuyện cũng được bắt đầu bằng ý tứ của hai từ ‘ngày xưa’.
Lớp trẻ ngày nay sẽ rất khó hình dung ra những người ở miền Nam đã quen với thế giới sách vở, học thuật tự do…, bỗng ngày nọ mọi thứ gần như biến mất. Sách phát hành trước tháng 4-1975, có thể chỉ còn tìm thấy ở chợ sách trên đường Đặng Thị Nhu gần chợ Bến Thành. Nhiều đầu sách bán cũng lén lút như thứ hàng cấm vì được dán mác là ‘đồi trụy’, là của ‘ngụy quân – ngụy quyền’.
Đó là những năm dài xã hội Việt Nam chỉ quẩn quanh với dăm nước gọi là trong khối xã hội chủ nghĩa anh em. Công dân không được tự tiện tiếp xúc chuyện trò với người nước ngoài Anh, Pháp, Mỹ. Các phương tiện, các loại hình dạy ngoại ngữ còn hiếm hoi, chọn học thứ tiếng nào chủ yếu là theo nhu cầu chính trị…
Những gia đình ở miền Nam có con, em đi tập kết từ ngoài Bắc trở về, họ lại được nghe kể trong chương trình giáo dục phổ thông miền Bắc những thập niên 1960-1970, khi Trung – Việt hữu hảo cùng chung trận tuyến “chống xét lại” thì học sinh được cho học môn Trung văn, tập hát đồng ca “Đông phương hồng mặt trời lên” ca ngợi Mao Chủ tịch; đến khi hết hữu hảo, chương trình đổi lại Nga văn…
Rồi trong buổi trà dư tửu hậu nào đó của các gia đình ở miền Nam với những người thân tập kết từ miền Bắc về ấy, có sinh viên Sài Gòn độp thẳng: Các anh giải phóng vào chê tụi tui tóc dài, quần ống loe là học đòi hippie, là ảnh hưởng thực dân mới này nọ.
Vậy thì các anh hớt tóc ngắn, mặc quần ống đứng có phải là ảnh hưởng thực dân cũ? Bởi trước thời Pháp thuộc, đàn ông nước ta chuyên quần áo thụng, tóc dài quấn búi tó củ hành sau ót, mà vua Quang Trung khi chống giặc Thanh chẳng đã truyền hịch “đánh cho để dài tóc” đó thôi!
Câu hỏi dường như không nhằm thẳng vào cụ thể một ai cả. Và tôi nhớ hình như cũng không ai buồn trả lời. Tiếng nói cùng nếp nghĩ của người Sài Gòn lúc bấy giờ dường chừng cũng lạ như một ngoại ngữ đối với người vừa về từ bên kia bờ Bến Hải.