Việt Nam Thời Báo

VNTB – Những luận án ‘salami’

GS Nguyễn Văn Tuấn

 

TTO – Câu chuyện ‘phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức’ là một sự thất bại trong việc gác cổng học thuật. Thất bại đó bắt nguồn từ sự ngộ nhận về tri thức khoa học, về bản chất của một luận án tiến sĩ…

Những ngày qua, những luận án tiến sĩ với tiêu đề na ná nhau như “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức” và “Đảng bộ tỉnh lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng” làm cho công chúng có lý do đặt câu hỏi về tiêu chuẩn của học vị tiến sĩ và vai trò của những người gác cổng học thuật.

Văn bằng tiến sĩ có nguồn gốc từ phương Tây và các thiết chế học thuật phương Tây có đề ra những quy trình và tiêu chuẩn cho các nghiên cứu cấp tiến sĩ.

Theo đó, một nghiên cứu cấp tiến sĩ phải thể hiện một hay vài đóng góp quan trọng và nguyên thủy trong một lĩnh vực khoa học. 

“Quan trọng” ở đây hiểu theo nghĩa kết quả nghiên cứu có tác động tích cực, như làm thay đổi nhận thức về một vấn đề, làm thay đổi chính sách hay mở ra một địa hạt nghiên cứu mới. Tính “nguyên thủy” hiểu theo nghĩa nghiên cứu phải có cái mới: mới về ý tưởng, phương pháp, dữ liệu hay cách diễn giải dữ liệu. Nói tóm lại, một nghiên cứu cấp tiến sĩ phải sản sinh ra tri thức khoa học vừa mới vừa quan trọng.

Một tri thức được xem là khoa học phải đáp ứng 3 tiêu chuẩn: phổ quát, khái quát hóa và tái lập. Tri thức khoa học được đúc kết từ dữ liệu thực tế và dữ liệu phải được thu thập bằng phương pháp khoa học. Những luận án vừa đề cập trên tuy có vài dữ liệu và đưa ra một số kiến nghị nhưng đó không phải là tri thức khoa học.

Cần phải nói thêm để nhấn mạnh rằng những dữ liệu được thu thập từ một phong trào hay được tổng kết từ một chương trình hành động theo một chính sách công nào đó không thể xem là “dữ liệu khoa học”. Những luận văn được viết từ những dữ liệu như thế không thể xem là nghiên cứu khoa học, vì những dữ liệu đó không thể đúc kết thành tri thức khoa học. 

Thế nhưng trên thực tế, nhiều báo cáo như vậy đã được hoán chuyển thành những luận án tiến sĩ!

Những luận án có nội dung na ná nhau như trên thường được đề cập đến như là một dạng “Khoa học salami” (salami science). Giống như cây xúc xích salami (một loại nem chua ở phương Tây) được cắt ra thành nhiều lát mỏng, và các lát đều giống nhau về chất liệu cũng như hình thể, chủ đề “phát triển môn cầu lông cho công nhân viên chức” hay môn nào đó nữa có thể viết thành những luận án giông giống nhau về nội dung, chỉ khác nhau ở địa phương thực hiện. Đó là một dạng “khoa học salami” và dĩ nhiên đó là một vi phạm về đạo đức khoa học.

Theo tôi thấy Việt Nam rất cần cải cách hệ thống đào tạo tiến sĩ và nên bắt đầu bằng tiêu chuẩn cho một học vị tiến sĩ. Hiện nay có nhiều người hiểu sai lệch về học vị tiến sĩ và xem các báo cáo tổng kết như là một luận án tiến sĩ.

Thế nào là một học vị tiến sĩ và những tiêu chuẩn nào cần thiết cho một học vị tiến sĩ? Năm 1987, một nhóm nhà khoa học trong lĩnh vực sinh học phân tử đã ngồi lại với nhau, vạch định ra những tiêu chuẩn cụ thể cho một học vị tiến sĩ trong lĩnh vực này. 

Sau thêm 2 năm tham khảo từ nhiều nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới, năm 1989 họ hoàn tất một bản thảo về các tiêu chuẩn cho học vị tiến sĩ. Năm 1999 các tiêu chuẩn này lại được sửa đổi chút ít và công bố trên các tập san khoa học liên quan và được các chuyên ngành khác chấp thuận về nguyên tắc.

Theo đó, các tiêu chuẩn cho một tiến sĩ bao gồm 2 nhóm liên quan đến kiến thức và kỹ năng. Kiến thức bao gồm am hiểu về khoa học và kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực. Kỹ năng bao gồm kỹ năng phát hiện vấn đề, kỹ thuật thiết kế và thử nghiệm khoa học, kỹ năng phân tích và kỹ năng truyền thông (kể cả xuất bản khoa học). Các tiêu chuẩn này có thể dùng làm khung tham khảo để thiết lập một bộ tiêu chuẩn tiến sĩ ở Việt Nam.

Công bằng mà nói câu chuyện “phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức” xảy ra là một sự thất bại trong việc gác cổng học thuật. Thất bại đó bắt nguồn từ sự ngộ nhận về tri thức khoa học, về bản chất của một luận án tiến sĩ và thiếu một bộ tiêu chuẩn cho một tiến sĩ, đó là chưa nói đến chuyện tiêu cực hay cơ chế dung dưỡng việc “làm đẹp” cho cái ghế bằng những học vị, học hàm. Nhưng đó cũng là một cơ hội để cải cách hệ thống đào tạo tiến sĩ đúng với chuẩn mực quốc tế.

Nguồn: Tuổi Trẻ Online


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Sẽ lại phải sửa sách giáo khoa và cả chương trình giáo dục phổ thông?

Trương Thế Tử

VNTB – Những khuyết tật qua một phiên toà dị kì

Trương Thế Tử

VNTB – ‘Tị nạn’ là kị huý? 

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo