Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trẻ “mồ côi” Việt Nam đi du học ở Đức

Nguỵ Hữu Tâm

 

(VNTB) – Các bạn Đoàn Moritzburg đi trước hầu hết con em các bộ cao cấp về chính trị, thậm chí con em ủy viên TW Đảng, phần lớn bố mẹ thuộc cấp vụ, cao hơn như ba tôi thứ trưởng, phần lớn con em trí thức: giáo sư, bác sĩ, văn nghệ sĩ…

 

Nhân đây cũng nhắc lại chuyện ở Algeria mà bài trước tôi quên kể. Theo tôi biết, số các giáo viên-chuyên gia Việt Nam chết ở đó có đến cả chục người mà đều bởi chuyện tình cả, duy nhất trừ thầy Huỳnh Sum đã từng dạy Đại số cho bọn tôi ở ĐHTHHN, là người đầu tiên. Thầy vốn mắt kém mà phải đi dạy sớm, ở đấy họ quen phóng nhanh vì đường tốt, ít xe, nhưng sáng sớm ven biển nhiều sương mù, nên là người đầu tiên chết, do bị xe cán (mà qua bài này tôi xin thắp một nén nhang để tưởng nhớ thầy). 

Còn hầu hết đều do bị chồng vì ghen mà giết rồi dựng hiện trường giả như tự tử, chẳng hạn treo cổ trong rừng. Algeria thời nội chiến, ai hơi sức đâu tìm hiểu kỹ? Chuyện rùng rợn nhất xảy ra năm 1995 khi tôi mới về nước, có đến dự lễ truy điệu, nghe một anh bạn giải thích rằng, gia đình cứ nói tránh là ông ta đi ra đại diện văn phòng Air Algeria tại thành phố mua vé về nước thì bị FIS bắn chết, chứ thực ra ông này không sòng phẳng với gia đình nữ sinh viên về tiền nong đền bù nên bị họ công khai giết giữa đường phố. Thầy giáo thế thì ôi quá, nhất là vị này đã quá tuổi hưu lâu rồi, nguyên bí thư chi bộ đảng đơn vị. 

Về thời gian hơn 4 năm tại Trung Quốc còn phải kể thêm vì sao tôi (và các em) kém tiếng Việt thế. Số là khi sang đến Tâm Hư, do điều kiện sinh hoạt vật chất quá kém nên mẹ tôi mắc ngay bệnh lao, phải nhờ bác sỹ Nguyễn Tấn  Di Trọng là bạn thân cha tôi, mẹ tôi mới qua khỏi, thế nhưng từ đó mẹ tôi phải liên tục đi khám lại, nhất là sau này về lại Hà Nội thì lên Viện Lao TW, nên rất ngại tiếp xúc thân mật với con cái và có thể còn cả với mọi người cũng nên. Cứ xem bệnh phổi nguy hiểm thế nào, thì ngày hôm nay với dịch cúm Tàu, bạn đọc sẽ hiểu ngay. Thời nhỏ khi đã biết nhiều thì tôi chỉ sống một năm với gia đình mà, còn toàn sống tập thể. Trong giờ Văn ở Maxim-Gorki-Heim, CHDC Đức, khi  phải nói về tính cách nam giới  mà tôi lại dùng từ „đanh đá“ nên thầy Phan Bình mắng ngay nên cho đến bây giờ, sau 65 năm, tôi vẫn nhớ.

Cũng phải nói thời ấy, ngay sang Đức chúng tôi vẫn giữ nếp cũ là các lớp học đều phân biệt giới tính. Thời gian này tôi có 4 người bạn mà hai là Nguyễn Lưu, anh Toán, tôi Lý ở ĐHTH, Võ Đắc Bằng mà ở bài trước tôi có nhắc, sau này vẫn khá thường xuyên tiếp xúc còn Đinh Việt Hào, nguyên Giám đốc VTV SG, con cụ Đinh Văn Hớn, kỹ sư công chính, tốt nghiệp ở Pháp năm 1932, sau 1945 ra HN làm cho cho phủ  VNDCCH rồi cả gia đình sang Khu học xá cùng gia đình tôi, chỉ nghe nhắc tên và vẫn có mối liên hệ, mà chưa gặp lại được và Hoàng Ngọc Cường, tuy sau tôi 2 tuổi và sau này có hoàn cảnh hoàn toàn khác, học ĐHSP chứ không ĐHTH, nhưng vẫn rất thân, con GS Hoàng Ngọc Cang, bạn thân cha tôi từ khi ở Pháp và dạy Hóa, sau này cũng dạy Hóa ĐHSP, ba gia đình này rất thân nhau. 

Cuối năm 1954, từ Nam Ninh gia đình chúng tôi về lại Hà Nội, cô em cùng cha tôi về ngay sau giải phóng Thủ đô vì ông phải chuẩn bị xây dựng trường ĐHTHHN, tôi và mẹ về đầu năm 1955 vì còn phải thu dọn nhà cửa. Mẹ tôi cùng cô em lúc đầu ở trên Phạm Hồng Thái với ông bà ngoại tôi vì diện tích rộng có nhà trước nhà sau mà gia đình các cậu vô Nam hết, còn cha tôi với tôi ở Nguyễn Huy Tự (cho đến nay). Nhà này và nhà cạnh vốn cùng một chủ, mà theo tôi biết chủ hay con cái họ vẫn sống ở Phố Hàng Bài, nên có cùng diện tích trên 400m2 và thiết kế tương tự nhau, vốn được Cụ Hồ giao cho hai giáo sư mới được nhà nước phong là Đặng Thai Mai và cha tôi.

Cha tôi có cái xe Moscơvit kiểu cũ hết sức nhỏ, trông rất quái đản do ông Đoàn Hợi lái. Ba tôi, vì theo thể chế này là giáo sư tột ngạch có xe riêng, nên lúc đương chức luôn có xe riêng kèm người lái nên qua nhiều đời lái xe, cụ Hợi lúc đầu (trước giải phóng Thủ đô) làm nhân viên phòng thí nghiệm sau này không lái xe được nữa lại trở lại làm phòng thí nghiệm và có lên sơ tán với khoa Lý ĐHTHHN, rất thân thiết với chúng tôi, có chị con gái sau là thông gia với cô em tôi và cậu con làm TS ở Anh rồi về ETH Zurich, tôi có nhắc ở bài trước, còn cậu em là Đoàn Dũng tuổi cùng cậu em út tôi, sau đi học và làm TS ở Séc, trước về hưu làm Q. Giám đốc Trung tâm Thông tin khi PGS Mai Hà (có nhắc ở bài trước).

Dũng có kỷ niệm hay với tôi, số là tôi có được học nhạc nghiêm chỉnh ở CHDC Đức thời nhỏ, đầu tiên học đàn gió, sau thầy giáo bảo, ký túc xá nơi chúng tôi ở đang có cây dương cầm tốt, nên tội gì không học nên tôi cũng có học dương cầm hai năm. Cho nên khi sơ tán trên Thái Nguyên, tôi được phân công phụ trách văn nghệ khoa và cũng có sáng tác cho đội văn nghệ khoa hát, tôi có mang theo cây đàn gió từ Đức về nên hỗ trợ việc này rất tốt, nhất là bọn trẻ con, con em trong khoa, mà em tôi và Dũng là chủ lực cho đội văn nghệ tý hon ấy. Gần đây trong một buổi họp mặt gia đình, Dũng còn nhớ và một hát lại bài đó mà tôi sáng tác dành cho bọn trẻ con, làm tất cả mọi người đều ngỡ ngàng, dù bản thân tôi hoàn toàn quên (xin mở ngoặc Dũng lấy em gái kịch gia nổi tiếng  Lưu Quang Vũ). 

Nhưng cái gọi là „ham thích“ hay sang trọng là năng khiếu văn học, ngoài thừa hưởng của ông ngoại, hay chính vì thế, mà khi, sau này mẹ và em tôi cũng về ở cùng cha con chúng tôi, các chủ nhật đều đi xe đạp lên thăm ông bà ngoại trên Phố Phạm Hồng Thái. Kỷ niệm về văn học của tôi ở Phạm Hồng Thái phải kể, tôi chăm đọc Sách Hồng cho trẻ con và những truyện ma ly kỳ, rùng rợn của Phạm Cao Củng (cùng họ ngoại tôi, bà ngoại tôi tên là Phạm Thị Tảo mà) đầy trên tủ sách ông ngoại tôi, GS Nguyễn Đình Phong. Cuốn sách đặc biệt gây ấn tượng cho tôi là cuốn rất nhỏ với truyện ngắn „Một ngày đến thủ đô“ của Trần Đăng, vì đó cũng là những cảm xúc của tôi khi từ Nam Ninh (khi đó còn cực kỳ nghèo nàn, lạc hậu) về lại Hà Nội vào những ngày mưa phùn gió Bấc với cái rét căm căm, đến chốn đô thị phồn hoa giàu có, sang trọng. Và đó cũng là cảm giác của tôi, vốn sống ở phố cổ, khi lạc đến những khu phố sang trọng đang xây gần đây xung quanh Hà Nội cho người giàu. Quan điểm của tôi, không phải số tác phẩm mà chất lượng nó đánh giá tài năng của nhà văn. Về điều này thì Nam Cao, hay thậm chí Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi…chỉ có…xách dép chạy dài trước Trần Đăng.  

Về mặt học tập thì thời gian một năm rưỡi này tôi vào học Trường Phổ thông Ba là trường phổ thông trung học, dành riêng cho con em cán bộ mới tiếp quản Thủ đô, nay tọa lạc tại Phố Lý Thường Kiệt, vốn là trường dòng cũ nên rất rộng rãi, khang trang, có đến 3 cổng ra mặt phố là cả Quang Trung lẫn Hàng Bông Nhuộm nữa. Cũng phải nhắc lại hai tháng đầu khi cơ sở này chưa chuẩn bị kịp, chúng tôi còn phải tạm học ít tháng tại cơ sở Hàng Bông Nhuộm, đối diện với Sở Giáo Dục Hà Nội, cũng khá to nhưng dĩ nhiên không thể so với cơ sở Phố Lý Thường Kiệt được. Đáng tiếc tôi chỉ học có một năm ở lớp 5G trường này nên ấn tượng chẳng được sắc nét cho lắm, nên ở đây không nhắc lại, dù thi thoảng có dự họp lớp.

Nhưng đặc biệt nên nhắc đến thầy Võ Quang Hưng, sau này cũng đi Đức Moritzburg dạy Sinh học, và các bạn Nguyễn Nguyên Hy 5H sau này học Lý ĐHTHHN, dù trên tôi ba năm, nhưng rất thân thiết vì sau khi dạy vài năm ở ĐHTHHN, đi làm TS ở Minsk xong về công tác khá nhiều năm ở VHN Đà Lạt và VVL, rồi hiện nay cùng nhau dịch và viết những cuốn sách có ý nghĩa, dù khó bán, cho NXB Tri Thức do anh bạn, đồng nghiệp VVL Chu Hảo nguyên làm giám đốc, và các bạn sau này cũng đi Đức thuộc về Nhóm Moritzburg học sinh chúng tôi là Lê Huy Văn, 5H, , Ngô Thư, 5G, Hoàng Cương 5G, Phạm Ngọc Hân 5G, Lê Đăng Doanh, Nguyễn Lương Đĩnh, lớp 6 (sẽ nói kỹ ở dưới); các bạn nữ Bích Vân, Xuân Lý, Quang Diệu, Kim Ba, Thanh Mai, Thúy Phương (sau lấy anh Trọng Yêm trở thành con dâu Cụ Xuân Thủy) và Nhữ Ngọc Khanh (con gái BS Nhữ Thế Bảo nổi tiếng và là con dâu nhà văn Nguyễn Tuân) ở các lớp 5A, B, C.

Về bạn Thúy Phương xinh nhất hội, dĩ nhiên từ giác độ của tôi thì ngang ngửa với Nam Phương hoàng hậu – vì thế cha mẹ đặt tên Thúy Phương hay sao – có kỷ niệm rất hay xin mở ngoặc, chẳng sợ anh Yêm ghen mà còn tự hào nữa kia. Các hè ở Maxim Gorki Heim, trường tổ chức đi thực tế  ở Hợp tác xã Rüsseina, xa Dresden, chúng tôi phải đi tàu hỏa và ở đó cả tuần. Hai lớp 7 đi chung vì toán 9 chúng tôi cô Tea Reinhardt, dạy tiếng Đức, là giáo viên phụ trách lớp, toán 4 là thầy Werner Reinhardt, dạy Toán, chồng cô.

Buổi trưa ăn bánh mỳ thôi vì đang nhổ củ cải đường ngoài ruộng mà, tối mới ăn đồ nóng nghiêm chỉnh, nên phải gọt khoai tây dưới hầm tối rồi đưa lên nhà bếp, việc này phải do nam nữ làm chung (thế nhưng tuổi này lắm chuyện lắm, chuyện thời ấy đã nổi tiếng toàn trường rồi về bạn T Tấn H. – sau này làm đại diện cho hãng Hàng không CHDC Đức Interflug ở Việt Nam nên giàu nứt đổ đổ vách, vì thế phải ngồi tù hàng năm – báo ốm để nằm hàng tuần ở trạm xá trường vốn có cô y tá Margarette xinh đẹp). Bởi vậy thầy cô chọn tôi, thằng bé nhất lớp, và Thúy Phương. Tôi sướng cứ như điên, có lặp lại chuyện buổi tối ở chuyến đi xem phim ở Tâm Hư chăng. Thế nhưng dưới hầm ở Đức đèn sáng như ban ngày làm gì có thể có chuyện đó được, và nàng không thèm chấp, trai mới 15 tuổi mà nữ đã 18 thì cứ như chị em, hãy câm mồm lại còn muốn thì hát bài „Lá Diêu bông“ của Hoàng Cầm đi. Sau này cứ gặp Thúy Phương là tôi lại nhắc chuyện cũ…

Hết hè, chuẩn bị vào năm học mới, cha tôi bỗng bảo: „Con có muốn sang Đức học không?“ Sướng quá còn gì! Thế là chúng tôi tập trung ở trường Chu Văn An lúc ấy đang nghỉ hè trống trơn, coi đấy như ký túc xá để ăn ngủ, học và làm công tác chuẩn bị tại đấy luôn, để sẵn sàng lên đường. Về lớp học sinh duy nhất ở CHDC Đức thường được gọi là Moritzburg này gồm 350 người do sáng kiến của Wilhelm Pieck, Chủ tịch nước CHDC Đức thời đó, mời trẻ em mồ côi Việt Nam sang tiếp quản hai trường là trường Moritzburg, tại thị trấn Moritzburg cách thành phố Dresden 16 km và trường Maxim Gorki Heim ở ngay Quận 4 thành phố Dresden, nơi vốn dành cho trẻ em mồ côi Triều Tiên, ngay sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, đến học, nhưng nay bọn này đã lớn và đã đi học nghề hay học trung học ở nơi khác, nên đang bỏ trống. 

Đoàn Moritzburg gồm 150 em đi năm 1955, còn đoàn Maxim Gorki Heim là đoàn chúng tôi đi sau, năm 1956, nhưng nay gọi chung là học sinh Moritzburg vì đến 1962 thì Bộ Giáo dục Việt Nam thay đổi ý kiến, quyết định rằng, cho tất cả những em trên 15 tuổi ở 2 trường đều  đi học nghề cả, bởi lẽ sợ các em khi lớn lên sẽ thành người Đức hết và không trở về nữa. Điều này hoàn toàn khác với những đoàn học sinh Việt Nam sang Liên Xô khi trước đều học tiếp đại học như các bạn tôi Võ Hồng Anh  hay Võ Đắc Bằng mà tôi có nhắc ở bài trước. Nói thế nghe có vẻ như ghen tức với nhóm đi Liên Xô quá, nhưng thực tế là vậy. 

Thế cho nên sau này không có sự phân biệt giữa hai nhóm, nhưng trước đó ở Bộ Giáo dục thì có sự phân biệt đó. Các bạn Đoàn Moritzburg đi trước hầu hết con em các bộ cao cấp về chính trị, thậm chí con em ủy viên TW Đảng mà bọn tôi đi sau không có, phần lớn bố mẹ thuộc cấp vụ, cao hơn như ba tôi thứ trưởng, phần lớn con em trí thức: giáo sư, bác sĩ, văn nghệ sĩ… ngay ở toán 9 tôi đã thể hiện rõ. Đoàn Moritzburg còn có hai bạn do thành tích cá nhân  mà được đi, vốn là du kích trong cuộc chiến chống Pháp, đó là bạn Tú mà sau này trong giới hướng dẫn viên tiếng Đức bọn tôi gọi đùa là „Tú đảng viên“ vì anh này ghét đảng ra mặt.

Còn anh nữa còn nổi tiếng hơn là anh Chu Khước, trong kháng chiến chống Mỹ được gọi đi bộ đội ngay nên có dịp „chiêu hồi“. Tôi nghe nói anh được đưa lên máy bay trực thăng để gọi bộ đội ta „chiêu hồi“. Anh đi Mỹ rất sớm, với tài năng đó, lại làm trong ngành ngân hàng, nơi „in tiền“ mà, nên gần đây vẫn thường xuyên về lại Việt Nam. Anh Phạm Công, mà tôi kể trong bài trước được anh An Khang khen là giỏi nhất lứa Moritzburg, kể anh Khước mời đi ăn nhà hàng rồi bảo, sang Mỹ cứ gọi anh, anh sẽ tiếp đón trọng thị, đáng tiếc là Công chưa có dịp sang Mỹ để thực hiện lời chào mời đó nơi bạn. 

Quay trở lại với Đoàn Maxim Gorki Heim. Đầu hè 1956,  198 người chúng tôi, tuổi giữa 10 và 15, lớp 1 đến 6, với 8 thầy cô, tụ tập tại trường Chu Văn An. Chia thành 9 toán (theo lớp học), 4 toán đầu gồm nữ, toán 9 chúng tôi gồm 21 người lớp 5 và 6, có anh Nhuận sang được một năm phạm kỷ luật bị đuổi về nước (tôi không biết cụ thể nhưng tính cách thì đáng nói lắm, tối đến cứ 9h30 phải lên giường thì thầy hay cô Đức ghé chào „Gute Nacht, schlaft gut-chúc ngủ ngon“, rồi tắt đèn, thì Nhuận ta nhảy cẫng lên bật đèn rồi, vì khi đi ngủ ở Đức người ta không mặc gì cho thoải mái hay cùng lắm là Nachthemd-áo ngủ dài đến chân như măng-tô nhưng bằng vải mỏng, ghé từng giường rồi tốc áo lên khoe „của quý“, bảo „tao đang đánh ping-poong đây“!), sau này hoàn toàn mất liên lạc, nên chỉ còn lại 20 người.

Cho đến nay đã có 4 ra đi, Nhuận mất liên hệ, chứ 14 người còn lại vẫn liên lạc với nhau. Chỉ có anh Thọ sang thăm con ở Thụy Sĩ và Đức kẹt dịch covid hai năm nay chưa về lại Việt Nam. Hai tháng học chính trị oải người, từ bé thế mà đã được „tẩy não“ rồi, nhất là Bộ mời các vị hoạt ngôn giảng, nhưng nay xem lại nhật ký thì thấy nó ngô nghê làm sao, may quá sang Đức sẽ là một thế giới hoàn toàn khác. Cũng may là thời gian này Bộ có tổ chức cho chúng tôi đi tham quan đây đó trong Hà Nội, tập múa hát là điều mà Phổ thông Ba chưa làm được, gặp mặt đại diện lãnh đạo, đại sứ quán Đức, dự chiêu đãi và xem phim.

Thế rồi ngày lên đường cũng đến, ngày 10 tháng 9. Chúng tôi lên tàu hỏa ở ga Hàng Cỏ thực hiện chuyến đi transsiberia từ đây, qua Trung Quốc, rồi sang tới Dresden. Nay hành trình này mất hai tuần, mà các bạn tôi vừa thực hiện năm 2005 kỷ niệm 50 năm sang Đức do phía bạn mời. Chúng tôi ghé ở Vũ Hán (nay nổi tiếng thế, cá nhân tôi ghé 5 lần) nghỉ ngơi một ngày, tắm rửa, rồi Bắc Kinh nữa. Dừng ở Novosibiers và Moscow để nghỉ ngơi một ngày, tắm rửa nữa. Những rừng bạch dương, cảnh tuyết đầy trời đất và nhà gỗ đơn lẻ, các thành phố Nga, hồ Baical lần đầu tiên trải nghiệm với bọn chúng tôi là quí giá đến thế nào xin miễn bàn. Ăn uống thì miễn chê, tàu liên vận mà, có bạn lên đến 7 kg, Việt Nam sau chiến tranh 2 năm mới thế. 

Tàu đến Brest-Litovsk ngày 29, biên giới Liên Xô-Ba Lan để đổi bánh (tàu Nga khổ rộng hơn khổ quốc tế 1,4m) thì có các thầy cô Đức ra đón. Các thầy cô cũng đã chuẩn bị quần áo ấm cho chúng tôi vì trời đã vào thu. Ở tuổi 12, may quá, tôi bắt đầu được biết thế nào là những tính tổ chức, kỷ luật, chu đáo, đúng giờ của người Đức hay của tác phong công nghiệp nói chung, nhưng ở người Đức là đặc biệt rõ. Thế là chúng tôi thực hiện chuyến đi 19 ngày chứ không hai tuần như thông lệ ở chuyến đi xuyên hai lục địa Á-Âu.  

Nhắc đến Maxim Gorki Heim, có lẽ xin chỉ nói riêng về toán 9, cho 21 người thay vì 198 chắc cũng đã là đủ. Trước hết hãy nói về 6 bạn đã ra đi: 

Phạm Ngọc Hân, người bạn con liệt sĩ trầm lặng, lúc học ở lớp không giỏi, ngồi cạnh bạn Doanh để được giúp đỡ, thế nhưng bởi lẽ đó mà nỗ lực vượt lên số phận, học nghề máy nổ ở thành phố công nghiệp Magdeburg rồi tiếp tục học đại học và làm luôn TS ở TH Otto von Guericke, còn trước cả Nguyễn Thiện Nhân, người chỉ làm TS „chui-hàm thụ“ vì, vốn chính thức  thì anh ta đang làm nhân viên Đại sứ quán CHMNVN tại (Đông) Berlin, chưa đi dạy một giờ mà vẫn được phong GS để đề bạt Bộ trưởng Giáo dục! Cũng nhân đây nhắc chuyện cô giáo Trần Thị Thơ, giáo viên tiếng Anh ở đại học Duy Tân (ôi quá đi thôi, cái tên Duy Tân) Đà Nẵng vừa bị nhà trường sa thải, mà có lẽ lỗi không phải của trường, mà là của cái thể chế công an trị này cơ, khi Thủ tướng là ông trung tướng công an, oai quá!

Nhưng Thủ tướng mà chẳng thực quyền, quyền ở tay TBT NPT cơ, nhà nước độc tài toàn trị mà, ngay khi nước sôi lửa bỏng cũng không thay đổi, làm sao khác được, có mong ngày tối nay Phó Tổng thống Kamala Harris sang thăm Việt Nam giải thoát cho các anh Trần Huỳnh Duy Thức, chị Phạm Đoan Trang, nhóm anh Phạm Chí Dũng và những tù nhân lương tâm khác, chứ việc sát sườn của chính người Việt Nam thì người Mỹ nào giúp được, họ lo cho địa chính trị và bản thân họ trước đã chứ, hãy so sánh SG hôm trước và Kabul hôm nay!…

Ngành Giáo dục chẳng cần hồi đó (những năm đầu thiên niên kỷ khi NTN phụ trách) mới hỏng, mà nó bắt đầu hỏng từ 1951 khi Cụ Hồ đi „ôm chân“ Xít và Mao, đúng 70 năm rồi. Còn ngay bây giờ, giả dụ như nếu cho những người cầm chịch đất nước có muốn bắt đầu sửa sai thì cũng còn mệt mới sửa được. Bạn Hân khiêm tốn nên suốt đời chỉ làm cầu nối khoa học kỹ thuật Việt-Đức mà thôi, chứ đâu leo được lên đến BCT BCHTW. 

Bạn Phạm Đức Chí, con một sĩ quan cao cấp, học kỹ thuật ở Đức về tham gia quân đội, chết bệnh nhưng tôi không rõ, nay thời đại thông tin, hỏi anh bạn thì anh trả lời ngay qua zalo „Tôi vừa hỏi Châu con trai của Chí: -Chí mất ngày 23/3/1978. Vì lao màng não . Trước đó làm ở TCTY Du lịch. Nguyễn Miễn, con Cụ Nguyễn Kiệm, nguyên bí thư thành ủy SG thời bí mật. Anh cũng từng làm đoàn trưởng Đoàn học sinh Maxim Gorki Heim, sau khi học kỹ thuật ở Đức về, anh tham gia xây dựng nhà máy thủy tinh Hải Phòng, rồi 1975 sau giải phóng về lại SG tham gia vực lại nền kinh tế sau chiến tranh. Nguyễn Văn Đoan, cũng con một sĩ quan cao cấp, sau khi học đại học kinh tế ở Đức thì ở lại Sứ quán tại Berlin làm tham tán Thương mại, về nước bị trọng bệnh nên mất sớm.

Phạm Vũ Thái, con một sĩ quan cao cấp quân đội, tuy học bình thường nhưng hành nghề in nên sau khi học đại học kinh tế ở Berlin về làm Trưởng phòng kỹ thuật NXB Thế giới, có những đóng góp không nhỏ cho NXB danh tiếng này. Riêng cá nhân anh là một trong số 4 tác giả của cuốn từ điển Việt-Đức đầu tiên do NXB Thế giới ấn hành năm 1998, sau cuốn từ điển Việt-Anh của Bùi Phụng do NXB Trường ĐHTHHN  ấn hành năm 1977. Bùi Quang Khanh, con nhà văn Bùi Hiển. Sau khi học đại học kinh tế ở Đức về, anh làm ở Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ Kế hoạch đầu tư,  nhưng đáng tiếc mất sớm. 

Xin kể tiếp về 13 người còn lại. 

Hoàng Cương là con GS Hoàng Sử, một trong những thày thuốc chuyên khoa X quang đầu tiên ta, nhưng thể hiện ngay năng khiếu âm nhạc từ lúc đó nên được thày cô Đức khuyến khích và cử ngay đi Nhạc viện Carl Maria von Weber Dresden, vì rất nỗ lực nên sau khi tốt nghiệp trường này, anh còn học tiếp cao học ở Nhạc viện Tchaikovsky danh tiếng của Moscow rồi về giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội.  Sau 1975 anh về thành phố, làm hiệu trưởng Nhạc viện SG, anh Cương có nhiều nhạc phẩm: 1 concerto và nhiều nhạc phẩm nhỏ rất hay, mang tính dân tộc.  

Ngô Thư, con sĩ quan quân đội quân chủng Phòng không, sau khi học kỹ thuật máy nổ ở Magdeburg về anh tham gia Bộ đội Phòng không-Không quân, nguyên đại tá, bạn thân của Phạm Tuân. 

Lương Hải Bằng là con một lão thành cách mạng đã chiến đấu Tây Bắc và Lào, cũng đã học hết lớp 6 mới vào toán 9, khi đi học phấn đấu hết sức tốt, từng là lớp trưởng lớp chúng tôi, sau khi cơ khí ở Đức về học Hóa ĐHBK, vào ngành dầu khí quân đội, tham gia đặt ống dẫn dầu vào Nam trong chiến tranh chống Mỹ, đại tá, sau giải phóng được học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc cùng lớp với Nguyễn Tấn Dũng, nếu anh thân với ông ta, biết đâu bây giờ anh đang có ghế ngồi ở TW, thậm chí BCT nếu không ngồi bóc lịch?     

Nguyễn Lương Đĩnh, con GS Văn học Nguyễn Lương Ngọc, học đại học chuyên về máy lạnh tại TH Otto von Guericke, Magdeburg. Về nước, anh tham gia quân đội, Bộ Tư lệnh Lăng Bác, để bảo dưỡng kỹ thuật ở đó. Sống kín đáo nên lâu nay bặt tin tức.

Phạm Huy Hải Đường, con GS Phạm Huy Thông, anh có mẹ người Pháp nên cao lớn, rất đẹp trai, các buổi tối lửa trại với các bạn Đức chúng tôi cứ phải che chắn không thì anh bị các cô gái Đức bắt cóc mất. Cũng vì thế mà khi sau này đi học nghề thì anh biến mất ngay và từ đó đến nay chúng tôi bặt tin, có nghe nói anh đóng trại ở vùng Berlin. Nhưng ngay hồi nhỏ, anh đã nói tiếng Việt giọng lơ lớ nên chắc sau này quên hẳn, mà đã đánh mất ngôn ngữ là mất tất cả, langue đi liền với civilisation-culture mà, anh không muốn liên hệ với chúng tôi thì chúng tôi botay.com.        

Lê Huy Văn, con họa sĩ nổi tiếng về sơn mài Lê Quốc Lộc, cả nhà theo nghề gia truyền, anh học trường Hochschule für Industrielle Formgestaltung-Đại học Tạo dáng công nghiệp Burg Giebichenstein danh tiếng. Anh đóng góp nhiều cho ngành Mỹ thuật Ứng dụng, design non trẻ ở Việt Nam, viết nhiều giáo trình và chuyên khảo, sau này anh làm hiệu phó Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. 

Lê Đăng Doanh, con Cụ Lê Tư Lành, một nhà giáo, nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam, Ủy viên chính thức của Ban Thường vụ Quốc hội, Cụ đã tham gia giảng dạy cho lớp đại học Hán Nôm đầu tiên dưới chế độ mới. Anh Doanh sau khi học Hóa ở đại học Leuna-Merseburg về dạy ở ĐHTHHN thì tham gia, rồi làm trưởng Nhóm dịch thuật cho Nhóm chuyên gia kinh tế Müller của TW Đảng xã hội thống nhất Đức ở ĐCSVN, từng làm Viện trưởng Viện kinh tế TW,  hiện là chuyên gia kinh tế nổi tiếng, đã từng tham gia Viện IDS. 

Trương Tùng, con GS Trương Tửu của ĐHTHHN, sau khi ở Maxim Gorki Heim 3 năm với chúng tôi, anh đi học Cao đẳng Bảo vệ thực vật (BVTV) ở Đức, bảo vệ điểm xuất sắc. Nhưng giữa chừng thì vụ Nhân văn Giai phẩm xảy ra, cha anh liên đới mà ở Việt Nam ta thành phần chủ nghĩa, Mao-ít, quá nặng ai chẳng hiểu, anh cũng vướng. Nhưng với nghị lực phi thường anh vượt qua tất cả. Về công tác ở Vĩnh Phú, anh chủ trì 28 đề tài, dự án KHKT để xây dựng nền nông nghiệp sạch, từng là chi cục trưởng Chi cục BVTV Vĩnh Phú, và hiện nay đang là P Chủ tịch Hội KHKTBVTV Việt Nam. Năm 2000 anh được thưởng Huân chương Lao động hạng ba. 

Đỗ Xuân Khải, con luật sư Đỗ Xuân Sảng danh tiếng, người từng có bằng Luật, đại học Harvard, Phó Chủ tịch Đảng xã hội Việt Nam. Ông từng có nhiều nhà quanh Hồ Thiền Quang. Anh Khải học nhề in ở Đức, về nước công tác ở Nhà máy in Tiến Bộ rồi sau khi học tại chức tại ĐHBKHN được giao chức Giám đốc Xí nghiệp Máy in sát nách KS Horison thời nay, mà khi xưa là một nhà máy gạch mới có ống khói cao thế. Ấn tượng nhiều nhất tôi có là với bố anh Khải, một lần tôi đến thăm anh ở hai cái nhà sát nách nhau số 53 Phố Nguyễn Du thì cả nhà đi vắng cả, đang đông rét mướt, mưa phùn mà Cụ Sảng nằm ngay trên giường xếp dưới mái hiên trước cửa, chắc các phòng kia nhà nước „mượn“ hết rồi! Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, sau giải phóng Miền Nam, ĐCSVN chẳng cần đến cái „chân gỗ“ là Đảng xã hội Việt Nam nữa, hai cái nhà này trở thành trụ sở của Hội Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, cho đến nay.

Nguyễn Công Mãn, bố cũng là một lão thành cách mạng, hoạt động trong ngành công an nên sau khi học nghề cơ khí cùng tôi ở Dresden thì anh đi học tiếp ngành cơ khí ở đại học TU Dresden danh tiếng, về làm kỹ thuật trong ngành công an và có đóng góp nhiều cho ngành kỹ thuật an ninh. Tính anhh hết sức cẩn thận, chu đáo nên được mọi người rất quý trọng.

Vũ Kim Nam, bố anh là BS Quân y, gia đình vốn gốc Phố Hàng Bạc, khi nhỏ ông bố từng học cùng hoàng thái tử Sihanouk. Anh Nam cũng có năng khiếu âm nhạc, Cương vĩ cầm thì anh dương cầm, hai anh con nhà nòi ngành y thính tai khéo tay mà. Thế nhưng chỉ có một suất cho anh Cương, nên sau khi học kỹ thuật máy nổ ở Magdeburg, anh về nước, vào Bộ đội Phòng không-Không quân, tham gia chiến đấu chiến trường B, rồi về làm trưởng phòng Đầu tư ở UBHCND thành phố Hà Nội. Anh Nam với tôi khá thân, nhưng tôi còn thân hơn với… cháu anh ấy, cậu Vũ Dương vì là đồng nghiệp với tôi, cậu ấy học Lý ĐHTHHN rồi đi làm TS ở trường École Polytechnique danh tiếng, về nước cùng làm ngành Laser, hai chú cháu đã cùng nhau đi biểu tình chống Trung Quốc những năm 2014-2017, vụ tàu Hải Dương lấn thềm lục địa Việt Nam, rồi vụ Formosa…  

Nguyễn Xuân Hoài có bố từng là đại biểu Quốc hội, đi học Cao đẳng Bảo vệ thực vật ở Đức, về công tác trong ngành nông nghiệp, đi bộ đội, giải ngũ làm phiên dịch cho Sứ quán Đức, cả trước lẫn sau khi thống nhất nước Đức, nên rất có nhiều kinh nghiệm về mặt dịch thuật, hiện anh vẫn dịch cho các báo giấy và báo mạng.    

Nguyễn Ngọc Thọ có bố từng là cán bộ cao cấp ngành công an trong Nam, học cơ khí với tôi ở Dresden, rồi 1962 cũng về nước công tác như tôi, ở UBKH&KTNN, tôi Viện Đo lường thì anh Trạm Nhiệt đới. Sau đó anh đi học đại học và tiếp tục làm luôn TS theo dạng chuyển tiếp sinh ở TH Otto von Guericke. Về nước làm ở Tổng cục Đo lường, 1975 về SG làm đến P Giám đốc Art Export rất danh tiếng ngay Đường Đồng Khởi nguyên là con Đường Catinat nổi tiếng thế giới. Học giỏi và nói chung hết sức đa tài, có lẽ cũng gặp may nữa. Anh Thọ có ông anh nổi tiếng là GS Nguyễn Ngọc Giao, từng làm TS và sau TS ở đại học MGU, cán bộ giảng dạy ĐHTHHN, rồi sau 1975 về ĐHTH TPHCM, cuối cùng làm tới chức Chủ tịch Hội KH&KT thành phố.            

Về cuộc sống ở Maxim Gorki Heim hầu như chưa kể gì, chắc chắn còn có quá nhiều chuyện thú vị để kể, nhưng bài đã quá dài, xin phép để dịp sau, nếu bạn đọc còn nhã ý quan tâm đến, xin tiếp tục theo dõi VNTB cho những kỳ sau 2/9 nhé. Còn nếu có muốn nói trước, thì nói về cuộc thăm viếng của Cụ Hồ sang CHDC Đức năm 1957, có ghé thăm trường Moritzburg với 350 học sinh chúng tôi ở đấy (xem ảnh) mà tôi nhớ gì nói ấy. Rất long trọng, đầy quan chức Việt, Đức tháp tùng. Tôi còn nhớ như in: Cần song ngữ nên phải có người dịch cabin, thế nhưng thời ấy không chuyên nghiệp mà chỉ tìm ra một anh sinh viên, vì những người đầu tiên sang CHDC Đức cũng chỉ sau Hội nghị Genève thôi, nên chắc nếu anh đang năm thứ 3 là giỏi lắm. Đó là anh Bạc, vì sau này anh rất nổi tiếng, và tháng tư năm 1974, tôi may mắn còn được gặp anh ở siêu thị Centrum giữa trung tâm Berlin, dưới chân Đài Truyền hình, khi ngày đầu trở lại Đức sau một con giáp xa cách, phải đi mua sắm. 

Anh Bạc cao lớn, đẹp trai, ăn nói trôi chảy, nhưng ở việc dịch thì anh lúng túng, có lẽ do không khí trang nghiêm quá. Thế nên ngay ở đoạn mở đầu giới thiệu khách, anh dịch sai ngay, Bộ trưởng Giáo dục-Minister für Erziehung thì anh dịch nhầm là Minister für Kultur. Cụ Hồ giỏi tiếng Pháp thế nên nhận ra ngay, nhưng lẽ ra phải bỏ qua cho một chàng thanh niên trẻ đang lúng túng, thì lại can thiệp… „Nein, Nein, nicht Kultur – Không, không phải văn hóa, ai chẳng hiểu, đến tôi là thằng bé con mới 13 tuổi còn biết nữa là! Cụ muốn khoe, mình cũng biết tiếng Đức chăng? (Hình như sau này giới tuyên truyền Việt Nam còn loan tin Cụ biết mấy chục ngôn ngữ!)  Anh Bạc số đen, có lẽ bạc là không phải là Hàng Bạc giàu có mà bạc mệnh chăng. Vì cao lớn, đẹp trai, tài năng thế nên có cô gái Đức, thậm chí con bí thư huyện ủy phải lòng, chuyện vỡ lỡ, phạm nội quy bị đuổi về nước chăn bò trên Ba Vì, đến mãi 1974 mới được sang trở lại Đức mà tôi may mắn gặp và nói chuyện…vui vẻ, cũng là một kết thúc có hậu.     

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Không ai đánh thuế những thằng nói phét*

Phan Thanh Hung

VNTB – Điểm báo hàng tuần

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Vài nét chấm phá từ cuộc đời tôi (bis 11)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo