Việt Nam Thời Báo

VNTB – Những người con xa quê

Diệp Chi

(VNTB) – “Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê” – Hương rừng Cà Mau, Sơn Nam.

Nắng mưa miền cố thổ…

Với những người con xa quê hương, ắt hẳn, sẽ nhớ nhiều. Nhất là vùng quê đó quanh năm suốt tháng khổ cực, giờ đây còn đang đối diện với dịch bệnh, đời sống càng thêm khó khăn chất chồng hơn.

“Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng rất là khổ cực ở ngoải. Khó khăn lắm, nhứt là Quảng Nam. Tự ngoài kia cô làm cực quá, cô đi vô trong này, mà vô trong này cuộc sống cũng khổ. Cuộc sống nào cô cũng khổ lắm. Cô đi cô khóc không à, cô kêu giờ cô quay về quê là không có cái gì làm ăn hết. Ruộng bán hết rồi, đâu còn gì đâu. Thế cô coi bây giờ đành ráng, ráng… Nói chung là ở đây người Sài Gòn họ cũng thương, họ thấy cũng tội, họ đùm bọc, họ không có lấy tiền gì hết trong chuyện mặt bằng mà cô đang cậy để buôn bán”, bà Nến, một người con của xứ Mộ Đức, Quảng Ngãi kể.

Có thể nhận thấy một điều, không ít người, vì ở quê có cuộc sống nghèo khó, nên họ chấp nhận xa xứ để kiếm đường mưu sinh. Song, trong mỗi người, luôn hướng về quê hương. Khi quê đang “gồng mình” chống dịch đến từ con vi-rút bên Tàu, không chỉ còn là nỗi nhớ, mà còn là sự lo lắng cho chính người thân, bà con.

“Nói chung là tất cả những cái người trong khu chợ Bà Hoa ở Sài Gòn là đều xuất xứ gốc là người ở miền Trung hết. Cho nên là bây giờ đồng cảm thì ở đây chỉ biết là chia sẻ cùng nhau nhắc nhở giữ cho cộng đồng để mà không có bị dịch nó lây lan, và nó tiến triển thêm thôi. Cô có ba người anh chị ở ngoài đó, là bác sĩ ngoài đó, và có một chị bây giờ là trưởng trạm y tế của Điện Bàn.

Coi như bây giờ, hai mươi bốn là hai mươi bốn ở trong đó hết. Ở trong đó để cùng chống dịch với người dân quê hương Điện Bàn. Có nghĩa là thời điểm này là coi như gia đình, con cái và có những chị đã có cháu nội, cháu ngoại là coi như là không được gần gũi luôn. Thì hai mươi bốn trên hai mươi bốn ở tại trạm mà, để mà truy vết mấy cái người bệnh nè, rồi chăm sóc, phòng chống dịch!” – bà Tâm, một người mưu sinh bằng nghề buôn bán ở chợ Bà Hoa, nói với giọng đặc sệt xứ Quảng và cố sử dụng ngôn từ Sài Gòn để cho dễ hiểu hơn.

“Lo chứ sao không lo. Ngoài đó mình còn mẹ ruột, mẹ chồng rồi mấy đứa em ở ngoải. Mình không về được, bữa đám giỗ ba cũng không về được, nhờ mấy đứa em chạy qua chạy lại chăm nom giùm”, bà Nến – người bán hàng rong đến từ Quảng Ngãi, kể.

Với những người mưu sinh như bà Nến, bà Tâm, nhiều khi họ rất muốn tìm mọi cách để trở về quê nhà. Thế nhưng, việc đi lại như vậy, thêm thời gian cách ly sẽ ảnh hưởng phần nào đến công việc mưu sinh của họ.

“Nhiều lúc cũng muốn về, nhưng mà bây giờ mình thấy cái bệnh hoạn này không dám về. Về là họ cách ly mình rồi. Mình đâu có về được đâu. Cách ly ở ngoải mất hết nửa tháng, rồi nửa tháng này trong thời gian đó làm cái gì có tiền đâu mà xoay xở. Rồi giờ mình phải cố gắng ở trong này”, bà Nến ngậm ngùi.

“Với tình hình này thì chắc năm nay Tết không về Trung nữa. Như mọi năm, buôn bán còn dư được trăm, trăm rưỡi một ngày. Giờ dịch, kiếm sống khó khăn, cấn trừ tùm lum khoản, không còn dư, chỉ đủ ăn với đóng tiền nhà thôi” – người đàn bà luống tuổi của xứ Quảng Nam, đang mưu sinh ở Sài Gòn, than thở nỗi niềm hoài hương.

Dù mỗi người có quê khác nhau, công việc mưu sinh trong Sài Gòn cũng khác nhau, song tất cả đều có chung một điểm là luôn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình và nói như lời bà Tâm, mong mỏi quê hương sẽ “đuổi xô bớt cái bệnh, cái hoạn đi…”.

Điệu hò ơ theo nước chảy, chan hòa.

Năm tháng đã trôi qua…

Ray rức mãi đời ta

Nắng mưa miền cố thổ

 

Phong sương mấy độ qua đường phố

Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê.

(Hương rừng Cà Mau, Sơn Nam)

Tin bài liên quan:

VNTB – Có hay không chủ trương “hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễn virus covit -19 có thể tử vong”?

Phan Thanh Hung

VNTB – Lo lắng việc ‘thổi ống đo nồng độ cồn’ thời dịch corona

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: Còng lưng cày để… xét nghiệm

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo