Hội nghị Thành đô – Cầu hòa với Bắc kinh ở thế „Kim ngưu“

Hội nghị Thành đô – Cầu hòa với Bắc kinh ở thế „Kim ngưu“

Âu Dương Thệ

 

Trong quan hệ VN-TQ sau 1975 có lẽ Hội nghị Thành đô ở Tứ xuyên (TQ) vào đầu tháng 9.1990 có tầm quan trọng đặc biệt, nó ảnh hưởng trực tiếp sâu xa và lâu dài tới ngoại giao và an ninh quốc phòng của VN nói chung và cả thái độ của chế độ toàn trị đối với nhân dân nói riêng, đặc biệt đối với các giới trong xã hội và cả một phần quan trọng trong đảng muốn có một VN độc lập. Vì từ sau Hội nghị này, chế độ toàn trị phải hủy bỏ các lễ kỉ niệm hàng năm về cuộc chiến tranh biên giới đầu 1979 để thực hiện yêu cầu „khép lại quá khứ“ của cựu thù; không những thế còn cấm đoán và đàn áp nhân dân tham gia các cuộc thăm viếng các nghĩa trang chôn cất các bộ đội đã hi sinh cho cuộc chiến này! Đặc biệt nghiêm trọng là nhóm cầm đầu dùng mọi cách cấm đoán, đàn áp các cuộc biểu tình của thanh niên và trí thức và bắt giam nhiều người trong các cuộc biểu tình tố cáo các hành động xâm lấn của TQ trên biển Đông.

Hội nghị Thành đô đánh dấu sự thay đổi sâu sắc và toàn bộ của chế độ toàn trị không chỉ về chiến lược ngoại giao-quốc phòng và an ninh, mà còn quyết định cả mục tiêu dài hạn trong các lãnh vực này. Liệu những người có trách nhiệm trong quyết định này khi đó có đủ sáng suốt, bình tĩnh và tầm nhìn về những hậu quả về những việc làm của họ đối với VN, hay chỉ giải quyết theo tình thế để nhằm cứu đảng như các giai đoạn 1944 – 45, khi tìm cách mua chuộc -bằng các kí lô vàng quyên được từ nhân dân qua „Tuần lễ vàng“- các tướng của đoàn quân Tưởng Giới Thạch xuống miền Bắc tiếp quản và giải giới quân đội Nhật cuối Thế chiến Thứ 2. Hay cũng như kế hoãn binh tạm hòa với Pháp để cứu chính quyền CS mới thoát nôi vài tháng qua thủ đoạn HCM đội lốt chính quyền Việt Minh sang Pháp đàm phán nhưng giao cho Võ Nguyên Giáp (BT Nội vụ) và Huỳnh Thúc Kháng thẳng tay đàn áp các đảng đối lập không CS ở trong nước. Tất cả những thủ thuật chính trị quỉ quyệt và tàn bạo này đã được HCM lập lại với câu „Dĩ bất biến, ứng vạn biến“, phải cứu đảng bằng mọi giá!

Đã gần 30 năm trôi qua nhưng BCT vẫn giữ bí mật và không dám công bố các tài liệu trực tiếp liên hệ tới Hội nghị Thành đô cũng như tiến trình đi tới quyết định để TBT Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch HĐCP Đỗ Mười và Cố vấn BCHTU Phạm Văn Đồng thân hành bí mật sang gặp TBT Giang Trạch Dân và TT Lý Bằng tại „Kim ngưu tân quán“ (Nhà khách chính phủ) ở Thành đô (Tứ xuyên) ngày 3 và 4. 9.1990. Đây vẫn là thái độ cực kì sai lầm coi việc nước, việc chung liên quan tới tương lai cả một dân tộc là chuyện riêng của một nhóm vài người. Nhưng đây cũng chứng tỏ sự lo ngại của chế độ toàn trị trước phản ứng của dư luận về quyết định đi họp Hội nghị Thành đô. Một số những tài liệu bên lề do một số cán bộ cao cấp, như Hồi ức của cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ, hay của nhân vật chính trong cuộc nhưng để một thân tín viết lại như sách kể về Tướng Lê Đức Anh của Đại tá Khuất Biên Hòa…Qua đó Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Lê Đức Anh được coi là những người chủ động trong kế hoạch Thành đô. Các cố vấn BCHTU Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ vì lí do sức khỏe chỉ đóng vai cố vấn nhiều hơn. Riêng Trường Chinh chỉ tham dự một số cuộc họp của BCT thảo luận về chính sách mới với BK, nhưng ông đã mất cuối tháng 9.1988.

Chỉ sau Đại hội 6 vài tháng, đầu tháng 3.1987 BCT đã họp để bàn về chính sách đối với TQ. Điều nên để ý là, cuộc họp quan trọng này đã không diễn ra ở trụ sở Trung ương đảng như thường lệ, nhưng lại tại „Nhà Con rồng-Bộ Quốc phòng“. Đáng chú ý nữa, đây không phải là cuộc họp BCT bình thường mà lại là “Bộ Chính trị hẹp”, tức là chỉ có mặt những nhân vật chính có tiếng nói quyết định. Theo lời thuật lại của tướng Lê Đức Anh qua ngòi bút của Khuất Biên Hòa, trong cuộc họp này chỉ có Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Nguyễn Cơ Thạch và Lê Đức Anh cùng các Cố vấn BCHTU Trường Chinh, Phạm Văn Đồng. Mới từ tháng 12. 86 Lê Đức Anh thay Lê Trọng Tấn làm Tổng Tham mưu trưởng (mất đột ngột, trước ĐH 6 được coi là người sẽ giữ chức bộ trưởng Quốc phòng) và từ giữa tháng 2.87 nắm chức bộ trưởng Quốc phòng. Lê Đức Anh không chỉ tường thuật cho BCT tình hình quận sự ở biên giới Việt-Trung ông vừa quan sát trở về, mà còn đưa ý kiến về chính sách đối với BK và Wahington. Trong đó cho thấy Lê Đức Anh tin và còn bào chữa cho BK, nhưng vẫn kết án Washington: “Tôi thấy rằng họ không có ý đồ xâm lược, mà họ gây xung đột biên giới với ta nhằm một mục đích khác, ngoài ý đồ xâm lược. Còn Mỹ, sau thất bại chiến tranh VN, Mỹ cấu kết với phản động quốc tế, dùng Pôn Pốt ở Cam-pu-chia đánh ta để trả thù, làm cho ta suy yếu và ngăn chặn sự ảnh hưởng của VN với khu vực.“ 

Theo Trần Quang Cơ thì trong cuộc họp hai giả thuyết chính về TQ đã được nêu ra thảo luận là, giữa XHCN và bá quyền thì BK coi bên nào nặng hơn; Nguyễn Văn Linh tin rằng BK vẫn đặt nặng yếu tố XHCN hơn. Điều cần lưu ý là, sau cuộc „họp BCT hẹp“ này Lê Đức Anh đã được giao công tác chính trong việc soạn thảo chính sách đối với BK. Đúng ra lãnh vực ngoại giao thì thuộc thẩm quyền của của bộ Ngoại giao, đứng đầu khi ấy là Nguyễn Cơ Thạch. Như vậy đã cho thấy ông Thạch bị mất ảnh hưởng. Lí do dẫn tới tình hình này đến từ hai phía, BK không tin tưởng là Nguyễn Cơ Thạch muốn có một đường lối thân thiện với họ, trong khi đó cả Nguyễn Văn Linh lẫn Đỗ Mười đang muốn chuẩn bị một thế ngoại giao mới để mở đường thoát khi cần thiết. Đây là kết quả các chuyến sang Mạc tư khoa để cầu viện thất bại của hai người trong vài năm qua. Họ còn chứng kiến tận mắt những thay đổi chính trị ngày càng sâu rộng ở Liên xô từ khi Gorbatschow làm TBT từ đầu 1985.

Các biến động chính trị ở Liên xô và Đông Âu, các nước CS từng là chỗ dựa tin cậy cho CSVN suốt nhiều thập kỉ, đã gây nên sự hoảng sợ rất trầm trọng cho HN, như người gặp trận động đất kinh hoàng. Vì thế khi ấy nhóm cầm đầu CSVN, nhất là những nhân vật bảo thủ giáo điều, đã có những phản ứng co cụm như một hành động phản xạ khi gặp tình thế nguy nan. Trong hoàn cảnh đó họ lại vội vã mở cái túi bọc ra đọc câu thần chú „dĩ bất biến, ứng vạn biến“! Làm sao cứu đảng, cứu chế độ, cứu chính mình đây? Tình hình thế giới cuối thập niên 80 có những đặc điểm rất rõ ràng: Đông Âu CS đang tan rã. Liên xô đang rơi vào tổng khủng hoảng do cuộc cải tổ „Perestroika“ và „Glasnost“ của Gorbatschow. TQ đang bị rối loạn sau biến cố Thiên an môn. Trong khi ấy Mĩ và đồng minh ở Tây Âu đang vượt lên cả thế và lực. Lần đầu tiên từ sau Thế chiến Thứ hai HK trở thành siêu cường duy nhất cả về chính trị, kinh tế, ngoại giao và quân sự. 

Dưới con mắt của Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và những nhân vật giáo điều bảo thủ trong BCT thì cựu thù Mĩ trước sau vẫn là đối thủ nguy hiểm chỉ tìm cách xóa bỏ chế độ toàn trị ở VN để rửa nhục. Trong khi Hoa kì (HK) và Liên xô đang xích lại với nhau do những cải tổ cởi mở của Gorbatschow, thì HK và EU lại kết án chà đạp nhân quyền và tẩy chay BK sau biến cố Thiên an môn. Trong hoàn cảnh đó từ Nguyễn Văn Linh tới Đỗ Mười, Lê Đức Anh thấy là chỉ còn BK có thể dựa vào. Vì ĐCS TQ vẫn nắm chủ động. Giữa các yếu tố BK bá quyền hay BK CS thì những người có quyền lực trong BCT lúc đó tin ở BK CS nhiều hơn. Tháng 9.89 Đặng Tiểu Bình đã bắn tiếng cho Hà nội (HN) là, BK muốn cùng với HN và Bình nhưỡng lập thế tam giác sắt để bảo vệ thành trì XHCN ở Á châu. Liên xô không còn là chỗ dựa đáng tin cậy nữa, trong khi đó Chủ nghĩa Tư bản do Mĩ cầm đầu đang đe dọa sự sống còn của CSVN. „Vạn biến“ của họ trong lúc này là phải cầu hòa -sẵn sàng làm thân „Câu Tiễn“- với BK để giữ cái „bất biến“ là giữ độc quyền cho ĐCS!  Điều này trùng hợp với lo lắng và ước muốn của Nguyễn Văn Linh và nhóm giáo điều trong BCT CSVN. Thái độ này Nguyễn Văn Linh đã nói rõ trong diễn văn bế mạc HNTU 7 (8. 89), như đã trình bày ở trên. Dưới sự môi giới của Lê Đức Anh, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười đã gặp bí mật Đại sứ TQ ở VN Trương Đức Duy nhiều lần  và tiếp đến với Từ Đôn Tín, trợ lý Bộ trưởng ngoại giao TQ, sang HN vào giữa tháng 6.1989 để chuẩn bị chuyến thăm cấp cao ở TQ. Mặc dầu trong dịp này đã xẩy ra va chạm giữa Nguyễn Cơ Thạch với Từ Đôn Tín. Từ đó mọi cuộc tiếp xúc với HN, BK không còn xuyên qua bộ Ngoại giao VN mà đi trực tiếp với BCT.

Ở đây cần phải mở một dấu ngoặc để hiểu thêm về sự kiện tại sao nhóm cầm đầu CSVN đã không ra lệnh nổ súng ở đảo Gạc-ma thuộc quần đảo Trường sa ngày 14.3.1988 khiến 64 binh sĩ Hải quân VN đang trấn đóng bị tầu chiến TQ giết hại. Sự kiện quan trọng là các đơn vị Hải quân VN đóng trên đảo này khi đó đã được lệnh không được bắn trả lại các tầu chiến của Hải quân TQ. Tới nay Lê Đức Anh -khi ấy là bộ trưởng Quốc phòng- vẫn gián tiếp phủ nhận việc ra lệnh. Nhưng nếu so sánh ý định của Nguyễn Văn Linh-Đỗ Mười khi ấy muốn bằng mọi giá cải thiện nhanh bang giao với BK để cứu đảng với thế rất yếu của HN trước BK thì việc HN tránh những va chạm võ trang trên đảo với BK là một khả năng rất lớn. 

Theo Đại tá Khuất Biên Hòa, người sau này được Lê Đức Anh giao cho nhiệm vụ viết sách về các hoạt động của ông, đã thuật lại là, liền sau ĐH 6 „ngay đầu năm 1987, có cuộc họp “Bộ Chính trị hẹp” tại Nhà Con rồng-Bộ Quốc phòng“ khi ấy hai nhân vật cầm đầu Đảng và Chính phủ tin cậy tân bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh, giao cho nhiệm vụ soạn thảo và thực hiện kế hoạch này. Trong hai lần thị sát biên giới phía Bắc tướng Anh đã ra lệnh cho các đơn vị chính quy phòng thủ biên giới „không bắn, không chửi lại nữa.“ Và „họ bắn sang ta bằng đạn pháo, thì ta “bắn lại” bằng tình hữu nghị!“. Sau đó tướng Anh ra lệnh „ cho rút từng phần các đơn vị chủ lực về phía sau, về tuyến hai để đưa dân quân, bộ đội địa phương và bộ đội biên phòng lên tuyến một“. Đây là sách lược „Tháo ngòi nổ xung đột biên giới Việt – Trung“ của Lê Đức Anh.

Ý định này tướng Anh cũng đã trình bày thẳng với Đại sứ TQ tại VN Trương Đức Duy trong cuộc gặp bí mật cùng dùng cơm tại bộ Quốc phòng. Khuất Biên Hòa thuật lại lời của Lê Đức Anh nhắn với lãnh đạo CSTQ qua Trương Đức Duy: “Đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, công lao của VN là chính nhưng là công chung của hai Đảng, hai nước. Vậy mà bây giờ tại sao lại xung đột với nhau. Việc này không phải do dân và bộ đội gây ra, mà do lãnh đạo của hai nước gây ra. Đề nghị đồng chí Đại sứ báo cáo với lãnh đạo của TQ. Tôi mới nhận chức nhưng cũng sẽ báo cáo với lãnh đạo của VN; để lãnh đạo hai nước gặp nhau giải quyết việc này”. 

Nếu so sánh với Công hàm của TT Phạm Văn Đồng gởi TT TQ Chu Ân Lai 18.9.1958 nhìn nhận quần đảo Hoàng sa là lãnh thổ TQ thì quyết định của Lê Đức Anh ra lệnh không cho các đơn vị Hải quân VN đóng trên Gạc-ma không được nổ súng ngày 14.3.1988 để Hải quân TQ chiếm đảo và giết hại 64 binh sĩ VN đang đồn trú là việc càng hiểu được trong cách tính toán „đảng trước nước sau“ của họ không có gì xa lạ. Vì dám „Tháo ngòi nổ xung đột biên giới Việt – Trung“ suốt cả trên ngàn cây số thì „tháo ngòi nổ“ ở Gạc-ma không phải là chuyện lớn dưới con mắt của Lê Đức Anh, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười khi ấy! 

Một dẫn chứng quan trọng khác càng chứng tỏ rõ ràng thêm về ý đồ của Lê Đức Anh tin tưởng và tùng phục BK. Nhân dịp kỉ niệm 33 năm thành lập Quân chủng Hải quân VN (7.5.1955-7.5.1988) Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh đã tới thăm đảo Trường Sa lớn. „Chuyến thăm đảo diễn ra ngay sau khi TQ đánh chiếm Gạc Ma rạng sáng 14/3 làm 64 chiến sĩ trên tàu HQ 604 hy sinh“. Trong dịp này Lê Đức Anh đã có bài diễn văn, trong đó không một lần nói tới hay kết án việc tầu chiến TQ đã giết hại 64 binh sĩ Hải quân VN  hai tháng trước vẫn đang gây chấn động và căm thù trong mọi giới, nhưng lại ca ngợi sự giúp đỡ của TQ trong chiến tranh và tình hữu nghị giữa hai nước và còn tin tưởng rằng, CSTQ ngày nay khác với TQ phong kiến trước đây:

 „Với mối quan hệ giữa ta và TQ: Trong những năm 50 và những năm 60 quan hệ giữa VN và TQ đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trong những năm từ 1965 đến 1970 là rất to lớn và hiệu quả. Nhân dân VN vô cùng biết ơn sự giúp đỡ to lớn đó của nhân dân TQ đã dành cho mình.

Mặt khác, thắng lợi của chúng ta cũng đã góp phần đáng kể phá vỡ sự bao vây của đế quốc Mỹ đối với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Năm 1976, Đoàn đại biểu cao cấp của Đảng và Nhà nước ta đi thăm và cảm ơn các nước và bầu bạn trên thế giới đã ủng hộ và giúp đỡ VN đánh thắng đế quốc Mỹ. Tới TQ, các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta đã cảm ơn sự giúp đỡ to lớn của TQ đối với sự nghiệp chống Mỹ của nhân dân VN, thì người lãnh đạo cao nhất của TQ lúc bấy giờ đã nói: TQ cảm ơn VN, chính nhờ VN chống Mỹ mà Tổng thống Mỹ đã phải thân hành đến TQ để cầu thân với TQ”.

Nói tóm lại, cả hai nước đã giúp đỡ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, với tinh thần anh em sâu đậm. Chúng ta đinh ninh rằng tình sâu nghĩa nặng đó sẽ kéo dài mãi mãi và nhất định nó sẽ xóa nhòa, đi đến xóa hẳn trong ký ức của dân tộc VN những tội lỗi mà các triều đại phong kiến TQ đã gây đau khổ cho dân tộc VN suốt hàng ngàn năm đô hộ. “

Trong khi đó thái độ giã từ Mạc tư khoa và quay về với BK đã không còn úp mở mà trở thành công khai. Đầu tháng 6.1990 báo chí đưa tin Nguyễn Văn Linh thăm Sứ quán Liên xô và TQ cùng một ngày, cử chỉ này là lần đầu tiên sau hơn cả chục năm. Chỉ hơn hai tuần trước khi gặp bí mật ở Thành đô, Đỗ Mười đã công khai hoan nghênh tuyên bố của Thủ tướng TQ Lý Bằng trong chuyến thăm Singapore là “hi vọng sẽ bình thường hóa quan hệ với VN”. Để vận động cho giải pháp hòa với BK, phía HN đã tuyên bố rút quân khỏi Campuchia, đồng thời nhượng bộ yêu sách của BK về „giải pháp đỏ“ để Sihanouk và phe Pol pot tham gia chính quyền liên hiệp ở Campuchia.

Cuối tháng 8.90 TBT Giang Trạch Dân và TT Lý Bằng đã mời Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười sang Thành đô họp bí mật để thảo luận về bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và giải quyết cuộc chiến Campuchia. BK còn ngỏ là mong cả Cố vấn Phạm Văn Đồng cùng sang vì sẽ có mặt Đặng Tiểu Bình. Họ còn nói, chọn Thành đô để giữ bí mật, vì vào dịp đó TQ đang chuẩn bị Đại hội Thể thao Á châu lần thứ 11 (ASIAD) ở BK từ 22.9-7.10. Hội nghị đã họp tại nhà khách „Kim Ngưu“ trong hai ngày 3 – 4. 9.1990. Ngày 2.9 phái đoàn gồm Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng không có bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch sang Thành đô. Sau hai ngày họp hai bên đã kí „Biên bản tóm tắt“ gồm 8 điểm. Theo Trần Quang Cơ thì trong đó 7 điểm liên quan tới vấn đề Campuchia, chỉ có một điểm nói về tái lập quan hệ Việt-Trung.

Kết quả Hội nghị Thành đô đã tạo thêm mâu thuẫn ngay trong BCT và gây bất bình gay gắt giữa phe Hun sen với HN. Trong cuộc họp đông đủ của BCT từ 15-17.5.91 ít tuần trước ĐH 7 để tổng kết công tác ngoại giao, Phạm Văn Đồng và Võ Văn Kiệt chỉ trích Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười đã vội vàng, hớ hênh và mắc bẫy BK trong việc chuẩn bị cũng như trong khi đàm phán. Còn Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Lê Đức Anh thì lại bào chữa cho thái độ của họ. Trong khi hai bên nói là phải giữ „bí mật“ về Hội nghị Thành đô, thì Nguyễn Cơ Thạch đã cho biết, BK đã cho phe Hun sen xem băng ghi âm về cuộc hội đàm Trung-Việt cốt để gây chia rẽ. Không những thế BK còn bắn tin để các nước Tây phương biết về cuộc gặp này cũng với mục tiêu tương tự. Nhưng giữa khi ấy HN lại cố tình làm rùm beng chuyến đi của Võ Nguyên Giáp là “khách quí đặc biệt của chính phủ TQ” (19.9) sang dự Đại hội Thể thao Á châu lần thứ 11 và đây là chuyến thăm BK đầu tiên sau hơn 10 năm (26.9). Nhưng vào đúng dịp Võ Nguyên Giáp đang có mặt ở BK thì trong cuộc họp báo ngày 20.9 khi các  kí giả nước ngoài hỏi về chuyến đi bí mật sang TQ của TBT Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng có thực hay không và nội dung các vấn đề thảo luận giữa hai bên. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao CSVN đã gián tiếp xác nhận về cuộc họp bí mật này: “Theo yêu cầu của phía TQ, có những cuộc gặp giữa VN và TQ cần phải giữ bí mật”. Tờ Bangkok Post ngày 19.9.90 đã „công khai hoá bản Thoả thuận Thành Đô“, cho biết VN đã đồng ý với TQ về giải pháp giải quyết cuộc chiến Campuchia theo yêu sách của BK. 

Vài năm sau cựu Thứ trưởng bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ, người đã tham gia trực tiếp trong nhiều cuộc đàm phán trong tiến trình chuẩn bị cho Hội nghị Thành đô từ 1987, đã nhận định về nguyên nhân và hậu quả của Hội nghị này đối với VN: 

„Sở dĩ ta dễ dàng bị mắc lừa ở Thành Đô là vì chính ta đã tự lừa ta. Ta đã tự tạo ra ảo tưởng là TQ sẽ giương cao ngọn cờ CNXH, thay thế cho Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng VN và CNXH thế giới, chống lại hiểm hoạ “diễn biễn hoà bình” của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu.“

Nhưng theo tính toán của nhóm cầm đầu CSVN khi ấy, đặc biệt là Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Lê Đức Anh, việc đạt tới thỏa thuận ở Thành Đô 1990 là một thành công lớn. Vì nó giúp cho họ giải quyết được nhiều khó khăn nan giải trước mắt: 1. Trong thời điểm Liên xô sụp đổ mà được BK che chở, một nước CS lớn với hơn một tỉ người, là một đảm bảo an ninh và thế ngoại giao tốt. 2. Giải quyết được cuộc chiến tranh sa lầy ở Campuchia suốt 10 năm hao người tốn của. Nó còn giúp HN không còn phải đương đầu với cuộc chiến ở biên giới phía Bắc. 3. Nhờ đó có thể giảm quân số, giải quyết nạn đói trầm trọng. 4. Hòa với BK và chấm dứt chiến tranh Campuchia còn giúp HN giải tỏa được bao vây ngoại giao và kinh tế của Mĩ và Tây phương, tạo thế thuận lợi hơn trong việc đàm phán về kinh tế-thương mại với Mĩ, EU và các nước trong khu vực Đông á và Đông nam á để thiết lập thị trường mới và thu hút vốn đầu tư để sớm phục hồi nền kinh tế VN đang trong thời kì suy vong.

 

1.9.2020

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)