Thiền Lâm
(VNTB) – Có nên bổ sung các Bí thư, Chủ tịch vào đối tượng được cảnh vệ để tránh bị “ám sát”?
Từ vụ “cả ba bị bắn” ở Yên Bái, e rằng Luật Cảnh vệ sẽ nới rộng hơn hẳn số lượng quan chức có cảnh vệ riêng.
Một đại biểu quốc hội vừa gợi ý “cho thêm” các Bí thư, Chủ tịch vào đối tượng được cảnh vệ với lý do “khi có tình hình phức tạp ở địa phương thì có thể ảnh hưởng đến an toàn của một số cán bộ chủ chốt.”
Cần nhắc lại, dự thảo Luật Cảnh vệ quy định, đối tượng được cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước và Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam gồm: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng, nguyên Tổng bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch QH, nguyên Thủ tướng; ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư TƯ Đảng, Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch QH, Phó Thủ tướng.
Tháng Mười năm ngoái, Quốc hội cũng đã bàn về luật cảnh vệ. Theo đó, khá nhiều “yếu nhân” như nguyên tổng bí thư, nguyên ủy viên bộ chính trị, và đương nhiên tất cả các ủy viên bộ chính trị hiện nay đều được đặc ân có cảnh vệ bảo vệ. Nhưng chi tiết cần mô tả là trong cuộc họp bàn này, đã hiện ra lộ liễu nhu cầu cần được bảo vệ – không phải như một thời trang, mà là thực chất cần phải thế.
Không biết vô tình hay hữu ý, chỉ sau cuộc họp quốc hội trên vài ngày, đã nổ ra vụ Yên Bái “cả ba bị bắn”. Đây là lần đầu tiên từ năm 1975 đã xảy ra vụ quan chức bắn nhau chết hàng loạt như thế.
Cho tới lúc đó, không một ai còn an toàn. Ở Việt Nam, không một địa phương nào là không có mâu thuẫn, thậm chí nhiều chính quyền địa phương xảy ra xung đột nội bộ rất nặng nề, đặc biệt về quyền lực và lợi ích nhóm. Sau vụ quan chức bắn nhau ở Yên Bái, điều chắc chắn sẽ xảy ra là nhiều quan chức ở nhiều tỉnh thành khác sẽ đòi có cơ chế cảnh vệ bảo vệ mình, đồng thời sẽ ban hành cơ chế kiểm tra vũ khí, chất nổ… tại những cuộc họp quan trọng của thành/tỉnh ủy, ủy ban nhân tỉnh ; thành, thậm chí xuống cả cấp quận /huyện… Không khí họp hành sẽ bước vào thời chiến.
Bây giờ thì không còn quan chức nào an toàn. Sau những xung đột trầm kha trước đại hội 12 và vài cái chết không mấy rõ ràng trước đó, bầu không khí xung đột trong nội bộ đảng đã được “nâng lên một tầm cao mới”. Vụ bắn nhau của quan chức Yên Bái cho thấy tình đồng đội và từ cửa miệng “đồng chí” xưng hô với nhau đã bị đẩy vào vô thức, để thay bằng một ý chí sẵn sàng thanh trừng, loại trừ và diệt trừ nhau. Điều được gọi là “nhân học chính trị” ở Việt Nam đã tiệm cận giới hạn bùng nổ thảm sát cá nhân.
Bây giờ thì không còn quan chức nào an toàn. Thậm chí với một số “đồng chí uỷ viên bộ chính trị”, phương án chuyển đổi chỗ ngủ đêm có thể trở thành một nhu cầu chính trị – tương đương với nhu cầu ăn uống.
Phía trước còn là cả một con đường ‘không biết đến cuối thế kỷ này có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay không”. Sẽ còn vô số cuộc xung đột và tranh giành quyền lực lẫn tiền bạc trong chuyến tàu vét”. Sẽ không một quan chức nào an toàn. Chuyện gì cũng có thể xảy ra!
Từ những cái chết đột ngột xảy đến với giới quan chức ở Yên Bái, e rằng Luật Cảnh vệ sẽ nới rộng hơn hẳn số lượng chính khách có cảnh vệ riêng. Còn dân chúng Việt lại phải chuẩn bị tinh thần để đóng thêm một khoản thuế nữa, dành cho việc bảo vệ các nhân vật lãnh đạo không chỉ cấp trung ương mà ở cả ở cấp địa phương.
Sau vụ Yên Bái, TP.HCM là địa chỉ đầu tiên công khai cơ chế kiểm tra người vào cổng theo sắc màu “xanh – vàng – cam – đỏ”, trong khi các trụ sở hành chính địa phương khác có thể đã âm thầm tiến hành việc này nhưng không công bố.
Đề xuất “Bí thư, Chủ tịch vào đối tượng được cảnh vệ” chắc chắn đã xuất phát từ nỗi sợ hãi khôn nguôi của dàn lãnh đạo địa phương trước sự phẫn nộ của nhiều người dân bị cướp đất, nạn nhân ô nhiễm môi trường, nạn nhân bạo hành của công an trị…, lẫn sợ hãi lẫn nhau trong nội bộ “đồng chí”.
Từ thói quen “ăn của dân không chừa thứ gì”, giờ đây các “đồng chí” lại tìm cách không chừa thứ gì để tự bảo vệ mình. Thêm một lần nữa, dân sẽ phải è cổ đóng thuế để phục vụ cho cái nhu cầu tham sống sợ chết ấy.