Định Tường
(VNTB) – Nhà nước thu hồi, trưng dụng đất cho mục đích an ninh, quốc phòng, các dự án còn lại để doanh nghiệp tự thương lượng với người dân…
Nhà nước cần chấm dứt lạm quyền
Sáng 3-11, phát biểu thảo luận tổ về Luật đất đai (sửa đổi), đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng Điều 86 về “thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” đưa ra rất nhiều loại dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất. Trong đó có cả dự án khu đô thị, khu dân cư nông thôn, nhà ở thương mại, dự án lấn biển, dự án chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn…
Dân biểu Phạm Khánh Phong Lan nói rằng từ lần sửa đổi Luật đất đai năm 2003, bà và nhiều đại biểu đã đặt vấn đề Nhà nước chỉ nên tập trung thu hồi đất vì mục đích an ninh, quốc phòng. Và theo bà Lan, qua gần 10 năm thực hiện luật, thực tế cho thấy vấn đề thu hồi đất đã gây không ít sự việc mất an ninh trật tự, ảnh hưởng quyền lợi, lòng tin của người dân.
Theo diễn giải của bà Phạm Khánh Phong Lan, những năm 1970, người ta có thể cho nhau cái nhà mà không tiếc, nhưng bây giờ giá nhà tăng nhiều lần. Nhà nước thu hồi đất thì đền bù giá thấp, khi dự án xây xong, giá đất khu đó lại lên rất cao. Người bị thu hồi đất chắc chắn sẽ rất xót xa.
Từ thực tế đó, bà Phong Lan một lần nữa đề nghị Nhà nước chỉ thu hồi đất với các dự án phục vụ mục đích quốc phòng an ninh. Nếu liệt kê các dự án thu hồi đất làm kinh tế – xã hội như dự thảo thì rất khó, bởi không thể liệt kê được hết các dự án trong thực tiễn. Nhà nước chỉ nên quy định theo hướng thuận mua vừa bán giữa doanh nghiệp và người dân.
Với các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, cần đền bù theo giá thị trường để người dân thấy thỏa mãn, tránh phát sinh các vấn đề về sau.
“Dự thảo quy định đền bù để người dân có mức sống cao hơn, nhưng đây chỉ là câu từ trang trí thôi. Nếu tiền đền bù không xứng đáng giá trị miếng đất thì không được, sự thịnh vượng phải chia sẻ trong xã hội, nhất là cho những người đã gắn bó, cha ông họ đã khai phá mảnh đất đó, chứ không phải người ở đâu tới, hay đại gia”, bà Lan nói và nhấn mạnh, dự luật cần thiết kế để tiến tới một xã hội công bằng, người dân bị mất mát ít nhất.
‘Sống mòn’ với 3 triệu đồng tiền lương mỗi tháng
Khi bàn luận về việc nhân viên y tế nghỉ việc ở bệnh viện công, là người từng là phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhiều năm, bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ: “Mỗi tháng ký bảng lương cho nhân viên tôi thấy rất đau lòng khi mới ra trường chỉ nhận được tiền lương mỗi tháng trên dưới 3 triệu đồng. Các bạn trẻ sống kiểu gì?”.
Tư cách là một dược sĩ đại học, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, học để trở thành bác sỹ mất 6 năm nhưng chỉ nhận được bằng tốt nghiệp đại học. Còn muốn hành nghề trong bệnh viện phải trải qua rất nhiều bậc học, khóa học như nội trú chuyên khoa, và trải qua thời gian thực tập mới được cấp chứng chỉ hành nghề.
Thế nhưng bảng lương cho nhân viên y tế không khác so với công chức, viên chức khối hành chính. Bà Lan cho rằng, ai cũng có gia đình, nhiều việc cần lo toan, nhưng với mức lương như vậy làm sao có thể nuôi sống được bản thân.
Bên cạnh đó, môi trường để nhân viên ngành y làm việc không đủ, máy móc, trang thiết bị thiếu thốn, khiến những kiến thức đã được đào tạo để phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân không được sử dụng, cũng tạo thêm áp lực cho việc quản lý trong ngành.
Trong khi đó, nhiều nhân lực ngành y có tay nghề, có kinh nghiệm được cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng mời về hợp tác với mức lương cao hơn và môi trường phát triển nghề nghiệp tốt hơn…
Phản biện ý kiến cho rằng nếu cán bộ y tế nghỉ việc ở cơ sở công lập để làm việc tại cơ sở y tế tư nhân cũng là phục vụ cho xã hội – theo bà Phạm Khánh Phong Lan, việc nhân viên y tế giỏi nghề nghỉ việc sẽ thiệt thòi cho đại đa số những người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, người nghèo, người yếu thế…