Dương Tử
(VNTB) – Lịch sử văn học Việt Nam hiện đại chắc chắn sẽ dành một vị trí xứng đáng cho cuốn tiểu thuyết hiếm hoi này.
***
1. Dẫn nhập
Ở Việt Nam có thể coi như có hai vùng phân cực văn hóa chủ yếu- Hà Nội và Sài Gòn. Giai đoạn trước 1975 thì điều này quá rõ rệt, chẳng những phân cực mà còn đối lập đến độ thù địch. Tuy nhiên sau 1975 thì sao ?
Tương tự, Trung Quốc thế kỷ 20 cũng có hai khu vực văn hóa đối trọng với nhau: Bắc Kinh và Thượng Hải. Bởi vì quan điểm lập trưởng mang tính địa-văn hóa khác biệt tự nhiên giữa Hoa Bắc và Hoa Trung. Từ đó có sự cọ sát tranh luận để tiệm cận tới một cái nhìn toàn cục, toàn diện nhưng không bao giờ đạt tới. Nói cách khác đó là sự tồn tại hai trường phái văn học nghệ thuật khác nhau. Đừng bao giờ hi vọng một sự thống nhất quan điểm tư tưởng học thuật; nếu có chăng chỉ là tương đối, nhất thời. Khi đạt được “thống nhất”,”nhất trí” (dưới ngọn cờ ý thức hệ độc tài nhất nguyên) thì đời sống văn nghệ coi như đã “chết” rồi.
Từ “Nỗi Buồn Chiến Tranh” (NBCT) bàn về hai phái văn học và phê bình văn học.
Đến nay, tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh vẫn được giới nghiên cứu và người hâm mộ coi là thiên tiểu thuyết tiêu biểu nhất trong 30 năm qua, thậm chí là đỉnh cao vời vợi của Văn học Việt Nam hậu chiến trong nước. Dư luận vẫn còn thảo luận và suy ngẫm chưa thôi.
Nhân đây sơ lược quá trình đánh giá phê bình cuốn tiểu thuyết đặc biệt này.
2. Nhìn lại hai trường phái Hà Nội và Sài Gòn đánh giá tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” (NBCT)
2.1 Giới phê bình Hà Nội
Danh mục các bài phê bình tiêu biểu về “Nỗi buồn chiến tranh” từ khi xuất bản đến cuối 1995:
– Nguyên Ngọc: Cuốn tiểu thuyết về một cuốn tiểu thuyết // Cửa Việt, s. 7 (th. 4/1991)
– Đào Hiếu: Thân phận của tình yêu // Văn học và dư luận (SG, th. 9/1991)
– Hoàng Hưng: – Xin gọi đúng tên // Văn học và dư luận (SG, th. 9/1991
– Hoàng Ngọc Hiến: – Những nghịch lý của chiến tranh // Văn nghệ, 15/4/1991
– Nhiều người tham dự (Nguyễn Phan Hách, Tr. Đình Sử, Cao Tiến Lê, Lê Quang Trang, Vũ Quần Phương, Phạm Tiến Duật, Nguyên Ngọc, Ngô Văn Phú, Từ Sơn, Thiếu Mai, Ngô Ngọc Bội, Nguyễn Kiên, Vũ Tú Nam, Nguyễn Văn Bổng, Tôn Phương Lan, Nguyễn Trọng Tân, Hồ Phương, Chu Lai): -24.8.1991, tại 17 Trần Quốc Toản, Hanoi: Thảo luận về tiểu thuyết Thân phận của tình yêu // Văn nghệ, 14/9/1991
– Đỗ Văn Khang – Nghĩ gì khi đọc tiểu thuyết Thân phận của tình yêu? // Văn nghệ, 26/10/1991
– Phạm Xuân Nguyên: – Nghĩ gì khi đọc “Nghĩ gì khi đọc Thân phận của tình yêu”? // Cửa Việt, th. 4/1992
– Đỗ Đức Hiểu: – Những nhịp mạnh của tiểu thuyết Thân phận của tình yêu // Tác phẩm mới, th.1&2/1992
– Trần Duy Châu : Từ đâu đến “Nỗi buồn chiến tranh“? // Tạp chí Cộng sản, s. 10/1994
Nhà văn có chức sắc cao nhất là Nguyễn Đình Thi lên tiếng. Nhưng thế cưỡng lại sự áp đảo của đa số tham luận là khẳng định giá trị NBCT.
“Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, đây là cuốn sách đầu tay của một tác giả trẻ có thể có tài năng nhưng có cách nhìn lúc đó nặng màu xám. Đáng tiếc là khi đưa ra lại tặng thưởng, thành ra nó trở thành định hướng chung cho văn học. Sai lầm này, Ban Giám khảo đã xác nhận và nhận khuyết điểm vì lý do nâng đỡ tài năng trẻ. Tác giả Nỗi buồn chiến tranh có lẽ muốn táo bạo trong suy nghĩ, nhưng lại chưa đủ bản lĩnh để suy nghĩ độc lập, chịu ảnh hưởng bên ngoài nhiều, để trở thành quân cờ trên ván bài chính trị cho một số kẻ xấu lợi dụng”.
Nỗi buồn chiến tranh được ủng hộ, tán thưởng rộng rãi ở Hà Nội.
Một số nhà phê bình ca ngợi, tất nhiên với mức độ khác nhau. Nhà phê bình trẻ Huỳnh Như Phương cho rằng: Nỗi buồn chiến tranh là cuốn tiểu thuyết của sự cứu rỗi (Những tín hiệu mới, tr.70). Trong tập tiểu luận, phê bình của mình. Nhà nghiên cứu văn học Phong Lê nguyên Viện trưởng viện văn học viết: “Tôi đã đọc một lần Thân phận của tình yêu (một cái tên buộc phải đổi khác của Nỗi buồn chiến tranh) nhưng rồi lại quên ngay cái thân phận, cái số phận, để bị ám ảnh bởi một nỗi buồn. Một nỗi buồn có lý, đầy trăn trở, và do thế mà làm sâu sắc thêm đời sống tinh thần của con người. Cũng do vậy mà có giá trị thanh lọc và tẩy rửa. Và tôi nghĩ, đó mới là tiếng nói của nghệ thuật” (Văn học và công cuộc đổi mới – Nxb Hội Nhà văn 1994, tr.143).
Về Nỗi buồn chiến tranh, GS.Hoàng Ngọc Hiến nhận xét: “Thảo luận về cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh như một tác phẩm về chiến tranh, chúng ta thường quên rằng, tác phẩm này là sự thắt của ba đề tài:chiến tranh, tình yêu và đam mê sáng tạo nghệ thuật. Tư tưởng của cuốn tiểu thuyết là ở chỗ thống nhất của ba đề tài: Trong chiến tranh cũng như trong tình yêu và sáng tạo nghệ thuật luôn có sự chập chờn giữa thực và giả, được và mất, tin và ngờ, hạnh phúc và đau khổ, hy vọng và tuyệt vọng… Một sự chập chờn đầy rẫy những bất định và bất trắc, lầm lạc và phi lý… Bảo Ninh đưa người đọc vào cõi của những sự chập chờn, bất định và một sự cảm nhận sâu sắc về cõi này đâu có làm chúng ta kinh hãi và tuyệt vọng; rồi vẫn có những chiến công bên cạnh những “thành tích” nhại chiến công, vẫn có tình yêu để phân biệt những gì giống tình yêu, vẫn có những đam mê nghệ sĩ trong ngàn vạn con thiêu thân lao vào ảo ảnh nghệ thuật… Có những tư tưởng nảy sinh ngoài cõi chập chờn, bất định nhưng phải trải qua cõi này thì mới có triết học”… Tác giả còn nói tiếp: “Cõi chập chờn, bất định là cõi đắc địa của tiểu thuyết – Bảo Ninh mới mon men bước vào cõi này đã không ít độc giả ngỡ ngàng đọc tác phẩm của anh. Có lẽ họ chưa quen đọc tiểu thuyết” (Tạp chí Văn học, số 4- 1995, tr.9).
2.2. Giới phê bình Sài Gòn
Lên tiếng qua tờ báo Công An Tp.Hcm
(Báo Văn Nghệ tp. Hồ Chí Minh thì im lặng ???)
Thực ra sau đây đa số là những ý kiến của nhà văn Hà Nội. Tuy nhiên họ không dám lên tiếng ở Hà Nội, mà “tạm di cư” vào một tờ báo ở Sài Gòn THEO LỜI MỜI PHỎNG VẤN của tờ báo Công An xứ này.
“Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú. Trong thời điểm trao giải cho cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa IV, Phó trưởng ban Công tác hội viên. Hiện chị là Tổng biên tập Tạp chí Tác phẩm mới”.
Là một trong 9 thành viên của Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa IV, chị có thể cho biết suy nghĩ của mình sau khi dư luận phản ứng cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991?
Nguyễn Thị Ngọc Tú nói:
1- Là một người viết, tôi rất mừng và đón đọc những tác phẩm của các cây bút mới xuất hiện và luôn cởi mở trong việc đánh giá họ vì chặng đường văn học của họ còn dài, còn nhiều thử thách. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, một số truyện ngắn và tiểu thuyết của Hồ Anh Thái… là những tác phẩm tôi chú ý.
Giải thưởng Hội Nhà văn 1991 trao cho ba tác phẩm là Bến không chồng của Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường và Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh đã gây được sự chú ý của bạn đọc sau khi trao giải. Ý kiến tranh luận nhiều bởi cả ba cuốn tiểu thuyết đều có nhiều vấn đề phải tranh luận. Riêng Nỗi buồn chiến tranh, sau khi bàn bạc, cân nhắc những ưu điểm và nhược điểm của tiểu thuyết, tôi với tư cách là một ủy viên Ban Chấp hành cũng đồng ý với nhận định và xếp giải của Ban chung khảo với đa số ý kiến là tiểu thuyết viết về chiến tranh u ám, nặng nề. Tác giả nhìn vào cuộc chiến, nhìn vào số phận những người lính trong chiến tranh bằng con mắt bi quan và không có tương lai.
Thực ra, tôi nghĩ, Bảo Ninh là một người lính, lại mới xuất hiện qua Nỗi buồn chiến tranh nên hy vọng sau đó sẽ viết nhiều và viết khác đi.
Nhà thơ Vũ Quần Phương là thành viên của Ban chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.
Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh đã phỏng vấn nhà thơ Vũ Quần Phương, Tổng biên tập báo Người Hà Nội về vấn đề này và nhận định của anh – với tư cách là một thành viên của Ban chung khảo Giải thưởng về cuốn Nỗi buồn chiến tranh. Sau đây rút từ nội dung cuộc phỏng vấn.
“Năm ấy, tôi có tham gia Ban chung khảo Giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn. Thơ chọn được hai tập, văn chọn 3 tiểu thuyết. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được bàn luận nhiều. Mọi người khen cách viết gọn, câu chuyện lôi cuốn, tốc độ nhanh, bút pháp có nét mới. Tôi cũng thấy thế. Và tôi đề nghị tặng giải B cho anh. Tôi không tán thành xếp giải A vì cuộc chiến tranh Bảo Ninh thể hiện không phải là cuộc chiến tranh ta đã trải qua. Tôi nhớ một thành viên khác của Ban chung khảo giải thích: “Bảo Ninh không định phản ánh hiện thực, anh suy ngẫm hiện thực”. Tôi không tin lập luận ấy vì muốn suy ngẫm đúng thì phải dựa trên dữ kiện đúng. Thứ nữa, tác giả như muốn đứng cao hơn cả hai phía để phán xét cuộc chiến. Tôi không đòi hỏi anh nhiều nhưng việc tặng giải cao thì vẫn không nên.
Khi báo Văn nghệ tổ chức hội thảo, tôi có nói cái ý bất nhẫn khi biến sự hy sinh có lý tưởng thành những cái chết tức tưởi vô nghĩa. Một thành viên khác phản bác tôi, cho rằng không thấy những cái chết đó mới là bất nhẫn, là vô ơn”.
(Nguồn: Công an thành phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM, (4-10-1995)
Nhà quân sự lên tiếng phê bình văn học kiểu võ biền.
Trung tướng PGS Nguyễn Đình Ước: Viện trưởng Viện lịch sử Quân sự – “Có câu chuyện ngụ ngôn rất bổ ích cho người ta trong cách xem xét một sự vật, một sự kiện: Một người mù khi sờ vào chân con voi thì tả voi như một cột nhà, người mù khác sờ vào tai con voi thì lại coi voi như một cái quạt, người mù nữa sờ vào ngà voi thì cho voi là chiếc đòn xóc. Rõ ràng là nếu không có tầm nhìn rộng thì tuy có sờ vào thực tế nhưng vẫn mô tả con voi khác xa với sự thật”.
Tác giả cuốn tiểu thuyết có sai lầm, ta phê phán để sửa chữa và mong rằng Bảo Ninh tiến bộ. Song điều đáng quan tâm là sai lầm đó mở rộng là do Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã in và phát hành rộng rãi. Sai lầm càng nghiêm trọng khi tác phẩm xấu độc này được một tập thể có trách nhiệm xét trao giải thưởng.
Giáo sư tiến sĩ Huỳnh Khái Vinh– ý kiến của một nhà giáo ngớ ngẩn vô địch.
“Cuốn Nỗi buồn chiến tranh, thú thật, tôi chưa đọc hết vì không đủ can đảm. Một lần, tại giảng đường của một trường Đại học, tôi cũng đã phê phán cuốn sách này.
Nói chung, chiến thắng của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh vệ quốc giành độc lập tự do là chủ đạo, là bao trùm, thể hiện tính kiên cường và nhân văn cao cả của con người Việt Nam. Tất cả những tác giả, tác phẩm văn học nào thể hiện trái với chân lý trên đều là sai lầm và tất yếu bị dư luận phản đối”.
“Luận bàn về Nỗi Buồn Chiến Tranh”- Cây bút Linh Hòa (nhà báo CA)
“Phản bác Hoàng Ngọc Hiến: Ý kiến của Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến xem ra có chiều đậm nét hơn hai ý kiến nói trên. Có một điều trước hết cần phải nói là giáo sư đã coi thường độc giả nước nhà, cho họ là “chưa quen đọc tiểu thuyết” . Nếu không nhầm thì đây là thứ triết học không phải của chủ nghĩa Mác-Lênin. Điều đó đã rõ như ban ngày và cũng chẳng có gì mới đối với chúng ta”.
“Thấm Đòn Qua Nỗi Buồn Chiến Tranh”- (Thanh Lê, nhà báo CAND)
“Có người cho rằng đứng trước dư luận rộng rãi, các anh đã rũ bỏ (phủi tay) trách nhiệm, thậm chí “phản thùng”. Nhưng cũng có người cho rằng đây là một thái độ hết sức khách quan, thậm chí rất dũng cảm bình tâm nhận sai lầm vì thiếu chín chắn, nặng về khuyến khích cây bút trẻ, coi nhẹ định hướng của giải thưởng như trong dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Hay nói một cách khác, vì thiếu suy nghĩ kỹ về một tác phẩm của một nhà văn trẻ khi chọn họ vào con đường phục vụ nhân dân, dành tất cả cuộc đời của họ vào đó. Làm văn nghệ không phải dừng lại ở say mê, ham thích, nhiệt tình mà còn đòi hỏi ở đức tài. Năng khiếu chỉ là tiền đề không thể thiếu được mà thôi.
Nguyễn Quang Sáng: -Trả lời phỏng vấn của báo Công an thành phố HCM về quyển Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh // Công an Th.ph. HCM, 13-9-1995
Nguyễn Khải: – Trả lời phỏng vấn của báo Công an thành phố HCM về quyển Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh // Công an Th.ph. HCM, 20-9-1995
Vũ Tú Nam: – Trả lời phỏng vấn của báo Công an thành phố HCM về cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh // Công an Th.ph. HCM, 27-9-1995
Phạm Chí Dũng (chưa thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam): – Suy nghĩ về cái tang tóc của Nỗi buồn chiến tranh // Công an Th.ph. HCM, 11-8-1995
Các vị phản bác nói trên thực ra đa số thuộc “giới văn sĩ Hà Nội”, nhưng lại không thể đăng trên báo chí Hà Nội. Tờ báo CATPHCM hiểu ý, mời họ phát ngôn trên tờ báo này.
Thực chất, chỉ có một nhà văn đúng nghĩa miền Nam là Vũ Hạnh (hóa ra ông này chính là một điệp viên cộng sản nằm vùng ở miền Nam trước 1975)
“Khi các vị giám khảo xét lại lá phiếu của mình”
“Tuy nhiên, sau ngày đất nước đã được hòa bình, một số ngòi bút suy thoái lợi dụng mở rộng giao lưu đã cùng với bọn cơ hội tìm cách xuyên tạc quá khứ, hoặc tự đặt mình ra ngoài dân tộc, trên cả dân tộc, để giở giọng điệu cao đạo phê phán những sự nỗ lực hy sinh đã qua bằng những lập luận vay mượn từ phía kẻ thù. Nỗi buồn chiến tranh là một quyển sách thuộc nhóm loại này. Dựa vào những sự lệch lạc trong việc chấm giải đã tạo cơ sở cho sách được sự chú ý, bọn xấu bên trong cũng như bên ngoài lợi dụng để khai thác, với cái ảo vọng phủ nhận chiến thắng vĩ đại của dân tộc”.
Nguyễn Quang Sáng có nhắc đến việc tự phê của tập thể Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa IV, trong báo cáo trước Đại hội lần V, rằng trong sách của Bảo Ninh “Cách nhìn nhận lại quá khứ chiến tranh và cả cách nhìn hiện tại có những biểu hiện chủ quan thiên lệch đến nặng nề tối tăm mà độc giả thông thường, kể cả những người đã trải qua cuộc chiến đấu khốc liệt như trong truyện, khó có thể chấp nhận và coi đó là chân lý lịch sử”, vì vậy, bản báo cáo đã đánh giá trở lại việc trao giải là “thiếu chín chắn, nặng về khuyến khích một cây bút trẻ đã trải qua chiến đấu mà coi nhẹ tính định hướng của giải thưởng”. Do sự thiếu chín chắn ấy, ông Nguyễn Quang Sáng hôm nay thừa nhận đã bị nhân dân cho mình “ăn đòn”.
(Nguồn: Công an thành phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM (18-10-1995).
Tóm lại: Một cánh én Vũ Hạnh không làm nên mùa xuân; không làm nên trường phái văn học miền Nam.
Hóa ra, buồn thay, ở Việt Nam thực sự chưa có “Trường phái Văn học Miền Nam – Sài Gòn” kể từ sau 1975. Đó là điều đáng buồn của nền văn hoá Việt Nam.
2. Quan điểm từ nước ngoài, Trung Quốc và Mỹ
Nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa: “Chủ nghĩa hòa bình quan trọng hơn chủ nghĩa ái quốc”.
Bất chấp sự đánh giá trong nước còn chia hai chiều khá gay gắt, tiểu thuyết NBCT đã được giới văn học nước ngoài đánh giá cao và tặng nhiều giải thưởng, từ nước Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Hungary…. đến Hàn quốc và Giải thưởng châu Á. Đặc biệt là giới văn học Trung Quốc, tuy chậm trễ nhất nhưng có sự đánh gía đặc biệt đáng chú ý. ”…
Người dịch Nỗi buồn chiến tranh sang tiếng Trung là Hạ Lộ, phó giáo sư Khoa Đông Nam Á học, giảng dạy tiếng Việt và văn học Việt Nam, tại Học viện ngoại ngữ Đại học Bắc Kinh … cho biết đến nay NBCT đã được dịch 10 ngoại ngữ phát hành tại 20 quốc gia.
Nhà văn Diêm Liên Khoa TQ “đại sư của chủ nghĩa hiện thực hoang đường” khi so sánh với Văn học Liên Xô và Trung Quốc, nói rằng “Chiến Tranh Ai Ca (tức NBCT) là đỉnh cao nhất của văn học chiến tranh thuộc ý thức hệ XHCN. Nếu các nhà văn Liên Xô và Trung Quốc được đọc sớm NBCT thì họ sẽ thay đổi cách viết”.
*Trung Quốc được biết đến là một đất nước tôn sùng “chủ nghĩa ái quốc”. Tuy nhiên Trung Quốc trong tác phẩm của Diêm Liên Khoa lại đầy bóng tối.
Diêm Liên Khoa nhận xét “Không ai nói ái quốc là điều xấu, nhưng rõ ràng, Trung Quốc đang chìm đắm trong sự mê muội của chủ nghĩa ái quốc. Tôi xin nhấn mạnh chữ “chìm đắm”. Hiện nay, chủ nghĩa này vô cùng lớn mạnh ở Trung Quốc. Những quốc gia chìm đắm trong chủ nghĩa này đều không có tương lai. Tất nhiên, chủ nghĩa ái quốc không thể vĩ đại và quan trọng bằng chủ nghĩa hòa bình”.
Đặc biệt, đạo diễn Hollywood lừng danh Steven Spielberg là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất đối với lịch sử nghệ thuật thứ 7 tấm thế giới. Đạo diễn đã xúc tiến với nhà văn Bảo Ninh bàn chuyển thể Nỗi Buồn Chiến Tranh (The Sorrow of War) sang phim Mỹ. Mặc dù đã được nhất trí của Bộ Văn hóa Việt Nam (họ chưa có lý do từ chố)i. Tuy nhiên khi bàn bạc với đạo diễn Steven Spielberg về kịch bản điện ảnh thì Bảo Ninh không nhất trí được và hủy bỏ dự án. Lý do thực sự là, Bảo Ninh đã sớm quan ngại sâu sắc về việc làm phim sẽ bị làm khó dễ bởi nhà cầm quyền. Bởi anh đã quá hiểu rõ về sự tráo trở của nhà cầm quyền khi họ muốn gây chuyện.
Kết
Năm 2018 tiểu thuyết NỖI BUỒN CHIẾN TRANH do Hội nhà văn Việt Nam đưa vào danh sách ứng tuyển “Giải Thưởng Nhà Nước”. Tuy nhiên cuốn sách đã bị “Hội Đồng cấp Nhà Nước” bỏ phiếu rớt. Hội đồng này 80% là người Ban Tuyên Giáo Trung Ương và kẻ phụ thuộc tay trong của Ban tuyên giáo. Họ cay củ quyết liệt bám giữ “lập trường đảng” để tận diệt thiên tiểu thuyết nổi tiếng bất chấp dư luận…
Lịch sử văn học Việt Nam hiện đại chắc chắn sẽ dành một vị trí xứng đáng cho cuốn tiểu thuyết hiếm hoi này.