Đỗ Văn Phúc
(VNTB) – Lịch sử Việt Nam Cộng Hòa bị xuyên tạc bởi Cánh Tả ở Mỹ.
Ngày 25 tháng 6, 2022 vừa qua, tại thành phố Mineral Wells chừng một giờ xe phía bắc của thành phố Dallas (Texas), đã khánh thành một viện Bảo Tàng Chiến Tranh VN mà được xem là lớn có hạng tại Mỹ. Hàng chục thành viên người Mỹ gốc Việt tại vùng Dallas Fort Worth đã đến tham dự. Tôi cũng nao nức muốn đi, nhưng vì thời tiết quá nóng ở Texas (105 độ F) nên đành ở nhà chờ xem hình ảnh và tin tức của một sự kiện khá quan trọng.
Sau ngày lễ, một trang Facebook của một tổ chức người Mỹ gốc Việt ở Fort Worth đã post lên hàng chục tấm hình của buổi lễ khánh thành Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Việt Nam cũng như hình ảnh trưng bày bên trong. Trong những tấm ảnh các thứ trưng bày trong Viện Bảo tàng Chiến Tranh VN, chỉ thấy hình ảnh, tài liệu, quân trang quân dụng và ảnh sinh hoạt của người lính Mỹ và một số hình ảnh và di vật của Việt Cộng triển lãm trong hai ba căn nhỏ (booth). Nhìn lui, nhìn tới, hoàn toàn không có lấy một tấm ảnh hay vật dụng gì của người lính VNCH! Sau đó, tôi đã gọi điện thoại hỏi và được Tiến Sĩ Phan Quang Trọng, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ, xác nhận điều này!
Bên ngoài Viện Bảo Tàng, nơi cử hành lễ khai mạc, ngoài hai lá cờ Mỹ và KIA-MIA (tượng trưng cho những người đã hy sinh hoặc mất tích) trên cột cao, còn có một dãy với hai lá cờ lớn, một của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, và lá kia là cờ KIA (những người đã hy sinh) cùng với 5 lá cờ các quân binh chủng của Quân Lực Mỹ và… bên phải là lá quốc kỳ VNCH cũng thấp lẹt đẹt và khuôn khổ còn nhỏ hơn các lá quân kỳ kia.
Chúng tôi hiểu rằng đây là một buổi lễ hoàn toàn của người Mỹ – dù là của cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam – nên không có lá quốc kỳ VNCH. Nhưng một thành viên cộng đồng Việt Nam nào đó đã quá sốt sắng mà đem lá cờ tổ quốc mình sắp ngang hàng các lá quân kỳ Mỹ! Vị này, tuy có hảo ý, nhưng đã thiếu sự suy nghĩ khi tự hạ giá trị quốc kỳ của mình trước mắt hàng trăm quan khách Mỹ. Một lá quốc kỳ, dù của một nước nhỏ, cũng phải phất phới, ngạo nghễ tung bay ngang hàng với quốc kỳ bất cứ nước lớn nào khác.
Quả thật chúng ta từng uất nghẹn, đau đớn vì thân phận một nước nhược tiểu khi cuộc chiến tranh chúng ta phải chiến đấu ròng rã 21 năm sau cùng đã bị bỏ rơi bởi người bạn đồng minh, và trong nửa thế kỷ qua, lại thực sự bị quên lãng bởi chính những người bạn cùng chiến đấu.
Người Mỹ chỉ thực sự tham chiến kể từ năm 1965 và rời chiến trường năm 1972 trong kế hoạch mà cố TT Nixon gọi với mỹ danh “Hoà Bình trong Danh Dự” (Peace with Honor). Họ đã tham chiến trong bảy năm hy sinh 58 ngàn binh sĩ; trong khi VNCH chiến đấu 21 năm, hy sinh 250 ngàn tử sĩ.
Nhưng từ bao nhiêu năm nay, người Mỹ vẫn còn nhìn chiến tranh VN dưới một lăng kính hoàn toàn sai lệch. Đối với họ, chiến tranh VN là cuộc chiến giữa nước Mỹ và nước VN mà đại diện là bọn Việt Cộng. Mười bốn triệu dân yêu chuộng tự do ở miền Nam và 1 triệu binh sĩ chiến đấu cho VNCH hoàn toàn là vô hình trước mặt họ!
Gần như trong toàn bộ phim ảnh Hollywood về cuộc chiến Việt Nam (We Were Soldiers, The Hamburger Hill, The Deer Hunter, Full Metal Jacket, Forest Gumps …) chỉ có hình ảnh người lính Mỹ đánh nhau với Việt Cộng. Nếu có chút hình ảnh nào về người lính VNCH như bộ phim Vietnam đồ sộ 18 tập của bọn phản chiến Ken Burns và Lynn Novick thì cũng là những sự bôi nhọ, vu khống, chê bai… Trong phim Full Metal Jacket, họ đã cam tâm miêu tả một anh Đại Úy Biệt Động Quân VNCH là một anh dẫn gái cho lính Mỹ! Hình ảnh phụ nữ Việt Nam trong phim Hamburger Hill lại là một tú bà (do KC đóng) chỉ xuất hiện vài giây, nói được một câu tiếng Mỹ ba rọi “You American GI, Điên cái đầu.”
Có những anh lính Mỹ đầu óc nặng kỳ thị, tự cao cũng đặt điều nói xấu người lính VNCH. Không rõ ngày xưa họ có ra chiến trường hay chỉ luẩn quẩn ở các căn cứ lớn an toàn. Có anh đóng quân đâu đó ngoài vùng 1 bày chuyện nói rằng mỗi thứ bảy, họ đưa lính VNCH về làng ở chơi với gia đình cuối tuần, trong khi họ thì phải canh gác. Quý vị nghĩ xem có đơn vị lính VNCH nào mà có lính về làng ở với gia đình mỗi cuối tuần? Có anh nằm mơ ác mộng rêu rao rằng giữa tháng 7 năm 1972, anh ta bay trực thăng xuống An Lộc và thấy lính VNCH bỏ chạy trước xe tăng T-54. Xin thưa, trận An Lộc đã kết thúc vào giữa tháng 6, và các đơn vị Cộng Sản đã hoàn toàn rút vào mật khu sau khi thảm bại để lại hàng chục ngàn lính chết và cả trăm xe tăng bị bắn cháy trên chiến trường An Lộc.
Không biết lấy tin tức ở đâu mà một anh Buddy Copening dám viết rằng thanh niên Việt Nam ở Mỹ là đám đầu trộm đuôi cướp ồn ào nhất; rằng các tướng lãnh và viên chức cao cấp Việt Nam khi đến Mỹ được cấp nhà, cấp xe và tiền túi 100 ngàn đô la mỗi năm; rằng dân Việt là đám dân chây lười mà anh ta không bao giờ muốn gần gũi. Chúng tôi buộc lòng phải nói trên diễn đàn rằng mức thành đạt về học vấn của thanh niên Việt Nam đứng đầu bảng so với các sắc dân khác, chẳng kém gì dân Mỹ trắng; rằng tuy mới có mặt ở Mỹ 50 năm, mà đã có đến 6 tướng gốc Việt trong Quân Lực Hoa Kỳ; rằng dân Mỹ gốc Việt về nhiều mặt cũng thành đạt cao ngang với dân da trắng.
Những người lính Mỹ dễ dàng chê bai, mạt sát vì đầu óc kỳ thị. Họ tham chiến ở VN mỗi tour chỉ có một năm. Họ không hề nghĩ tới hoàn cảnh người lính VNCH rời bỏ gia đình thân yêu từ năm 18 tuổi lăn vào một cuộc chiến đẫm máu mà không mơ một ngày trở về. Có về chăng thì cũng là thân thế lạnh ngắt gói trong tấm poncho, hay nằm trên băng ca với một phần tứ chi bị cắt lìa.
Những người lính Mỹ ăn ở trong nhưng căn cứ có máy điều hoà, có nước tắm, có thức ăn nóng, bia lạnh. Hành quân thì lương khô đầy đủ hương vị; trong khi người lính VNCH thì quanh năm cơm sấy, cá khô sặc.
Người lính Mỹ trang bị những thứ tối tân, trong khi chỉ viện trợ cho người lính VNCH vũ khí thặng dư lỗi thời sót lại của Thế chiến thứ Hai. Mọi thứ vũ khí của VNCH đều yếu kém so với vũ khí của cộng quân. Khi VC đánh với chúng ta bằng AK-47, thì các đơn vị tác chiến VNCH còn xài Garant M1, chỉ vài đơn vị có Carbine M2, cũng lỗi thời. Cộng Sản pháo chúng ta bằng đại bác 130 ly, bắn xa tới hơn 30 cây số, trong khi chúng ta chỉ mới có 155 ly, bắn hết tầm cũng tới mười lăm cây số mà thôi.
Lính Mỹ hùng mạnh như thế, phi pháo thuộc hàng vô địch mà rồi cũng không thắng được Việt Cộng, phải thương lượng rút quân che mặt bằng cái mặt nạ “Hoà bình trong Danh Dự.” Chúng tôi buộc lòng phải nhắc lại câu nói của Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara khi đến thăm vùng phi quân sự rằng “chúng ta sẽ chiến đấu và ở lại đây cho đến ngày chiến thắng.” Rồi bảy năm sau, cũng một viên chức Quốc Phòng Mỹ nói rằng “Đây là cuộc chiến mà chúng ta không thể thắng và không muốn thắng!” Đem nửa triệu quân đi đánh nhau mà không muốn thắng là thế nào? Bộ xương máu con dân mình rẻ mạt để đem ra làm trò chơi hay sao?
Bây giờ các anh bày đặt chê chúng tôi!
Các anh cũng có những người lính đốt nhà, giết lương dân. Các anh cũng từng ê chề khi bị dân chúng Mỹ gọi là bọn “baby killers.” Các anh cũng từng trở về nước giữa tiếng la ó, nguyền rủa của dân chúng. Nhưng chúng tôi là những người công tâm, không hề lấy một sự kiện riêng lẻ để đánh giá vơ đũa cả quân đội Mỹ là bọn giết người.
Thế tại sao các anh – có thể mục kích vài cảnh lính VNCH bỏ chạy khi chiến đấu – dùng sự kiện này để nhục mạ cả một quân đội chúng tôi. Các anh có nhớ rằng quân đội Mỹ, quân đội Anh cũng từng có những đơn vị bỏ chạy trước sự tấn công của Nhật, Đức… Quân đội nào cũng có những kẻ hèn nhát và những người anh hùng.
Sao các anh không đọc lịch sử các trận tái chiếm cổ thành Quảng Trị, nơi mà hơn 3.500 quân nhân Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam bỏ mình để chiếm lại Cổ thành sau khi giết cả chục ngàn quân Bắc Việt! Sao các anh không xem lại trận tử thủ An Lộc, khi chúng tôi một chọi lại sáu, mà đã vững tay súng đẩy lùi địch quân sau gần hai tháng bị bao vây, tấn công bằng chiến xa và bộ binh, pháo kích với gần trăm ngàn trái pháo đủ loại?
Nếu chúng tôi không chịu chiến đấu, thì làm sao có sự hy sinh của 250 ngàn và cả nửa triệu binh sĩ khác bị thương tật?
Công luận Mỹ như thế! Cách nhìn vài bạn đồng minh như thế!
Bên cạnh, cũng có rất nhiều người Mỹ công chính đã lên tiếng cho chúng ta. Các nhà trí thức nghiên cứu như Sử Gia Bill Lauri, Giáo Sư Andrew Wiest, George Veith, Cựu Chiến Binh Stephen Sherman, vân vân. Họ từng viết hàng chục cuốn sách, hàng trăm bài về chiến tranh Việt Nam, trong đó có nhiều đoạn ca ngợi tinh thần chiến đấu của người lính VNCH.
Đặc biệt, trong cuốn Vietnam’s Forgotten Army, ông Andrew Wiest đã dành một chương 6 khá dài (trang 157 – 176) để nói về trận ở Động Ấp Bia, ở đồi Đồng Lộc, tức đồi 937 trên bản đồ. Ông đã viết khá chi tiết về chiến công của Tiểu Đoàn 2 thuộc Trung Đoàn 3, Sư Đoàn 1 Bộ Binh trong trận Động Ấp Bia. Chính đơn vị này nhờ vị thế thuận lợi và sự phòng thủ yếu ớt của cộng quân ở mặt này, mà đã xông lên chiếm mục tiêu trong khi lính của Tiểu Đoàn 3/187 thuộc Sư Đoàn 101 Nhảy Dù Hoa Kỳ còn bị hoả lực địch cầm chân ở sườn đồi bên kia.
Đó là trận đẫm máu ở đồi 937 mà Mỹ đặt tên là “Hamburger Hill.” Tự ái vì lính Bộ Binh VNCH chiếm được ngọn đôi làm mất mặt một đơn vị lừng danh, chỉ huy phía Mỹ đã bắt buộc Tiểu đoàn 2/3 của Việt Nam phải rời ngọn đồi trong vòng 15 phút, nếu không ông sẽ gọi phi cơ dội bom! Sau đó, lính Dù Mỹ bày binh bố trận tiến lên và tuyên bố họ đã chiếm ngọn đồi.
Bộ Tư Lệnh Mỹ và báo chí làm rùm beng về “chiến công” của Tiểu Đoàn Dù Hoa Kỳ mà không hề nhắc đến phía bộ binh VNCH. Sau hơn một năm tìm tòi, mới thấy có một trang tài liệu là báo cáo của Bộ Tư Lệnh Quân Viện Hoa Kỳ ngày 22 tháng 5, 1969; trong đó Đại Tá Wilson C. Harper viết:
“… Ba tiểu đoàn thuộc Lữ Đoàn 3, Sư Đoàn 101 Dù khởi sự cuộc tấn công lúc 10:30 ngày 20 tháng 5, 1969. Tiểu Đoàn 2/3 (VNCH) đã tiến rất nhanh nhờ có con đưòng mòn thuận lợi và sự kháng cự yếu ớt của địch. Họ là đơn vị đầu tiên chiếm đỉnh đồi 937 và vùng phụ cận ở tọa độ YC327980. Tiểu Đoàn 3/187 (US) thì bị cầm chân vì gặp hỏa lực kháng cự mạnh của địch. Tiểu Đoàn 2/3 (VN) đã tiếp trợ bằng cách chuyển quân theo ngọn đồi để giải toả bớt áp lực địch. Nhưng chính hoả lực quân bạn từ Tiểu Đoàn 3/187 đã làm cho quân VN không tiến sát được. Tiểu Đoàn 2/3 (VN) phải di chuyển về hướng sườn đồi đối diện ở phía đông.”
Trong tài liệu The Abrams Tapes 1968-1972, cũng đưa ra bằng chứng để xác nhận việc Tiểu Đoàn 2/3 VNCH là đơn vị chiếm ngọn đồi Hamburger Hill chứ không phải Tiểu Đoàn 3/187 Dù của Mỹ.
Thế mới thấy “miệng người sang có gang có thép.” Họ đã cướp công trận của người bạn đồng minh nhỏ bé để đánh bóng mình. Ngoài Hamburger Hill, còn bao nhêu trường hợp khác?
Trách người, xin hãy tự trách chúng ta trước.
Năm mươi năm có mặt trên đất nước này, hàng trăm ngàn dân tị nạn, hàng chục ngàn cựu quân nhân VNCH đã không có một nỗ lực lớn đáng kể nào để thay đổi cách nhìn của người Mỹ về VN. Người Việt ở Mỹ, Úc rất thành công về nhiều phương diện. Nhưng rốt cuộc cũng chỉ là một cộng đồng khép kín, không đủ tầm vóc và khả năng để người bản địa phải đánh giá cho đúng!
Có hàng chục đài truyền hình của người Việt, hàng trăm tờ báo, hàng chục đài phát thanh, hàng trăm đầu sách do cựu chiến sĩ VNCH in ra… Tuyệt đại đa số là bằng ngôn ngữ Việt cho người Việt đọc. Có bao nhiêu viết bằng ngoại ngữ cho người ngoại quốc biết thêm về chúng ta?
Tổ chức bề thế nhất của cựu quân nhân là Tập Thể Chiến Sĩ VNCH khai sinh ra một cách rầm rộ mấy chục năm trước đây, rốt cuộc chỉ có khả năng tổ chức vài lần đại hội ăn uống, ca hát và…. đả kích nhau. Hàng chục tổ chức hội cựu quân nhân các địa phương, cũng chẳng khá gì mà hiện nay càng ngày càng chia năm xẻ bảy. Chúng tôi không dám phủ nhận những nỗ lực của quý vị trong mấy chục năm nay nhằm hình ảnh và tiếng nói VNCH được nghe, được biết đến. Nhưng chưa đủ quý vị ạ. Chúng ta rất cần liên lạc, hợp tác với các hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ!
Những cơ hội cho người Việt lên tiếng tại các hội nghị, hội thảo quốc tế, các discussion panel (buổi hội luận) do các đài truyền hình tổ chức… đã bị chúng ta bỏ qua. Chỉ lác đác vài cá nhân tham dự không đủ trọng lượng để thuyết phục và tầm vóc để đi xa hơn. Các vị Tướng lãnh, các chính khách tài ba ít khi thấy có mặt ở những hội nghị quốc tế về Chiến Tranh Việt Nam!
Tuy đã khá muộn màng! Nhưng vẫn còn cơ may xoay chuyển!
Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi các tổ chức Cộng Đồng, các tổ chức Hậu Duệ đặt ra kế hoạch để xâm nhập vào truyền thông, đại chúng Hoa Kỳ. Nhất là tìm mọi cách phối hợp với các tổ chức sinh viên Mỹ gốc Việt là thành phần có khả năng, thiện chí; họ sẽ là tiếng nói tương lai của chúng ta. Nếu không, nước Việt Nam Cộng Hòa đã bị xóa trên bản đồ thế giới, lại sẽ bị xóa luôn trong lịch sử và tâm trí của mọi người!