VNTB – Nói vậy hóa ra các khóa bồi dưỡng chính trị là công cốc à?

VNTB – Nói vậy hóa ra các khóa bồi dưỡng chính trị là công cốc à?

Nguyễn Huyền

 

(VNTB) – Nhấn mạnh tham nhũng chỉ là phần ngọn, Tổng bí thư cho rằng phải chống từ gốc là sự suy thoái về đạo đức. Lần này, phải chủ động xử lý nghiêm để hạn chế suy thoái.

 

Chủ trì hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng sáng 9-12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dành hơn một giờ để trả lời 3 câu hỏi lớn liên quan đến các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Tổng bí thư nhấn mạnh xây dựng Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quan trọng với sự nghiệp cách mạng. Theo Tổng bí thư, tham nhũng chỉ là phần ngọn, cái gốc của vấn đề là suy thoái tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống nên lần này phải chống từ gốc.

“Phải chủ động tiến công và xử lý nghiêm để hạn chế suy thoái về đạo đức. Những người tự trọng không bao giờ tham nhũng”, Tổng bí thư nêu quan điểm và phản ánh thực tế có tình trạng “hở ra là ăn chặn, ăn bớt, thậm chí chủ động tạo cơ chế không đúng để ăn cắp của Nhà nước”.

Cá nhân tôi cho rằng vấn đề gọi là “suy thoái chính trị” ở đây có một phần nguyên nhân là các trung tâm bồi dưỡng chính trị từ cấp tỉnh, thành cho đến quận, huyện lâu nay hoạt động mang tính hình thức. Tính hình thức này còn đến từ những nội dung nặng tính hô khẩu hiệu về quyết tâm chính trị ở môn học bắt buộc “Tư tưởng Hồ Chí Minh” ở tất cả các trường đại học.

Nhận xét mang tính đạo đức của người đứng đầu đảng, “những người tự trọng không bao giờ tham nhũng”, tôi nghĩ đó là sự mỉa mai, vì ngay bản thân đảng viên Nguyễn Phú Trọng khi tiếp tục ngồi tiếp nhiệm kỳ thứ 3 của chức vụ Tổng bí thư, thì đó là “tham nhũng quyền lực”, bởi nếu là “người tự trọng” thì đảng viên này phải nhớ là Điều 17 của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam có hẳn một dòng quy định “Ðồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”.

Trở lại với hệ thống trung tâm bồi dưỡng chính trị đặt tại tất cả các tỉnh, thành, quận, huyện trên toàn quốc.

Theo Kết luận 66-KL/TW ngày 8-11-2019 của Ban Bí thư, để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp quận/ huyện được đổi tên thành Trung tâm chính trị cấp quận/ huyện. Con số thống kê ở thời điểm “đổi tên” cho biết bình quân mỗi năm học, các trung tâm trong cả nước mở được hơn 74.000 lớp với hơn 4,2 triệu học viên tham gia.

Về lý thuyết, thì trung tâm chính trị cấp quận/ huyện có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị – hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức, kỹ năng và chuyên môn, nghiệp  vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn cấp huyện, không thuộc đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ của địa phương; tham gia phối hợp trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận theo yêu cầu của cấp ủy.

Trung tâm có các nhiệm vụ đào tạo sơ cấp lý luận chính trị – hành chính; bồi dưỡng các chương trình lý luận chính trị cho các đối tượng theo quy định; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện; Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới về chuyên môn, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội và một số lĩnh vực khác cho cán bộ đảng (là cấp ủy viên cơ sở), cán bộ chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cơ sở;

Bồi dưỡng chính trị cho đối tượng phát triển đảng; lý luận chính trị cho đảng viên mới; nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy viên cơ sở; Tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ địa phương; Tổ chức thông tin về tình hình thời sự, chính sách,… cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở; tham gia phối hợp trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học theo yêu cầu của cấp ủy và phục vụ giảng dạy, học tập; thực hiện một số nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của cấp ủy cấp quận/ huyện…

Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan hướng dẫn về kinh phí và việc đầu tư cơ sở, vật chất, trang thiết bị cho trung tâm.

Như vậy với quy mô phủ kín trên bản đồ quốc gia, nếu đúng như nhận xét của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng sáng 9-12, có thể nói hệ thống các trung tâm chính trị quận/ huyện đã không hoàn thành trách nhiệm của mình.

Và điều đó còn cho thấy những khoản kinh phí từ ngân sách quốc gia đã chi ra cho hệ thống các trung tâm chính trị này là thiếu kiểm soát về tính hiệu quả mang lại.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)