VNTB – Nồng ấm quan hệ Cuba-Hoa Kỳ: Lời xin lỗi đáng giá

(VNTB) – Quan hệ giữa hai nước cựu thù Cuba-Hoa Kỳ sau hơn nửa thế kỷ đóng băng, nay chuyển ngoặt nồng ấm. Bắt đầu từ những lời chào hỏi lịch sử, bắt tay lịch sử, cuộc gặp lịch sử và… lời xin lỗi lịch sử đầy đáng giá.

Trong cuộc đàm phán cấp cao nhất giữa Mỹ và Cuba trong gần 60 năm tại Panama, Tổng thống Obama nhận định: “Điều cả hai chúng tôi kết luận là chúng tôi có thể bất đồng ý kiến, nhưng với tinh thần tôn trọng và lịch sự”.

Tinh thần tôn trọng và lịch sử đó được hiểu như việc Chủ tịch Cuba Raul Castro khẳng định không thay đổi hệ thống chính trị lâu nay của nước ngoài nhưng Tổng Thống Hoa Kỳ Obama tự tin khẳng định Cuba sẽ có những thay đổi nhờ chính sách mới, trong đó bỏ lệnh cấm vận, hoán đổi tù bình, và nó cần có thời gian để chứng nghiệm.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ, John Kerry cho rằng, động thái giữa Cuba-Hoa Kỳ tương đồng với cách mà nước này bình thường hóa quan hệ với Việt Nam cách đây 20 năm, có lẽ nằm ở sự nỗ lực không mệt mỏi về mặt thời gian, sức lực và tài lực từ phía Hoa Kỳ. Đó được xem như bước đi xây dựng niềm tin mà phía Hoa Kỳ vẫn đang áp dụng với các nước.

Nhưng có một điểm son đáng ghi nhận về phía Cuba, là sự nhạy bén và mềm dẻo về mặt đối ngoại của Chủ tịch Cuba Raoul Castro (so với sự cứng nhắc, bảo thù về mặt quan điểm của người anh), đó là khi ông đặt lợi ích hiện tại và tương lai của dân tộc nằm lên trên những thành tích của quá khứ, và ông nhận ra sự đi quá đà về mặt âm hưởng quá khứ sẽ khiến cho mối quan hệ trở nên xấu đi không cần thiết.

Thông qua lời xin lỗi của Chủ tịch Cuba đến Tổng thống Hoa Kỳ tại hội nghị Thượng đỉnh các Quốc gia châu Mỹ tại Panama, khi chủ tịch Cuba Raul Castro sau khi say sưa kể về lịch sử và những bất bình của Cuba đối với Hoa Kỳ, nhưng sau đó, ông đã ngưng lại để xin lỗi nhà lãnh đạo Mỹ.

“Tôi xin lỗi Tổng thống Obama và những người khác tham dự hội nghị này vì đã bày tỏ như thế. Tôi đã nói với Tổng thống Obama là tôi quá xúc động khi nói đến cuộc cách mạng. Tôi xin lỗi vì Tổng thống Obama không có tránh nhiệm trong việc này.”

Lời xin lỗi về hành vi “xúc động khi nói đến cuộc cách mạng” là đáng giá, bởi nó không phủ nhận quá khứ đấu tranh cách mạng mà Cuba làm được, nhưng không để cho quá khứ đó ảnh hưởng đến cánh cửa đang mở trong quan hệ hai nước, ngoài ra, lời xin lỗi đáng giá đó gián tiếp củng cố thêm niềm tin của hai nước, hai nhà lãnh đạo về một sự thay đổi theo chiều sâu trong mối quan hệ, mở ra những kỳ vọng mới, và nỗ lực mới, bấp chấp các hoài nghi của không ít nghị sĩ, lãnh đạo hai bên.

Đối với Việt Nam, quan hệ 20 năm sau bình thường hóa với Hoa Kỳ, lời xin lỗi của người anh em Cuba lại càng đáng để suy ngẫm, bởi đến nay, quá khứ vẫn là một phần không thể thiếu trong cách nhìn về Hoa Kỳ của không ít các lãnh đạo Việt Nam, nó không phải là cái nhìn theo lời hoa mỹ “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, mà đó là cách nhìn của sự thụ hưởng quá lâu về mặt “thắng 2 đế quốc to”.

Việt Nam, từ sau “giải phóng” đến nay, vẫn thiếu một người lãnh đạo đủ tâm, và tầm để nói ra lời xin lỗi đáng giá đó đối với cựu thù Hoa Kỳ, nhất là trong bối cảnh 20 năm quan hệ Việt Mỹ và 40 năm “giải phóng miền Nam”.

Tin liên quan: AFP đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 12/4 cho biết trong “những ngày tới”, Tổng thống Barack Obama sẽ quyết định về việc liệu có đưa Cuba ra khỏi danh sách đen những nước bảo trợ khủng bố hay không, song từ chối tiết lộ những gì ông đã khuyến nghị.

Phát biểu trên chương trình Face the Nation của kênh truyền hình CBS (Mỹ), ông Kerry nói: “Tôi sẽ để Tổng thống Obama quyền rộng rãi mà ông ấy có để ra quyết định dựa trên sự khuyến nghị mà chúng tôi đưa ra. Ông Obama sẽ đưa ra quyết định trong những ngày tới.”

Bất chấp nhiều suy đoán, Tổng thống Obama hiện vẫn chưa đưa ra thông báo về việc liệu ông đã quyết định đáp ứng yêu cầu của La Habana về việc xóa tên quốc gia Caribe này khỏi bản danh sách đen các nước bảo trợ khủng bố hay không./.

Theo Vietnamplus

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)