Cũng giống như hành tím ở Sóc Trăng gần đây, giá ổi rớt giá trầm trọng và bị thương lái ép xuống mức 300-400 đồng/kg.
Bộ Công thương liệu lại có ra công văn cho các tỉnh, thành, Hiệp hội bán lẻ, Hiệp hội rau quả, hay các doanh nghiệp nhằm “thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng” như cách Bộ đã làm với dưa hấu, hành tím, vải thiệu?
Trong tọa đàm về xuất khẩu nông sản, thủy sản do Bộ Công Thương trong ngày 17/04, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chia sẻ rằng: “Tuy nhiên, vẫn có một nguyên nhân là do sức hút của thị trường nên việc tổ chức sản xuất của người nông dân vẫn không đáp ứng được yêu cầu và mang tính tự phát nhiều hơn.”
Điều này không phải là sai, khi mà người nông dân vẫn chưa thực sự thoát ra khỏi tư duy hám lợi trước mắt, khi họ trồng cây theo kiểu “giá cao vụ này, dồn sức cho vụ sau”, khiến thực trạng được mùa mất giá liên tiếp xảy ra trong nhiều năm liền.
Trang Cafef đưa tin, sau khi được các hội đoàn tổ chức giải cứu dưa sau vụ lũ trái mùa tháng 3, Nhiều người dân Quảng Ngãi vẫn tiếp tục xuống giống vụ dưa mới với hi vọng “lấy lại những gì đã mất”.
Một trong số nông dân hăng hái trồng dưa là ông Huỳnh Danh (thôn An Điềm, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn), cũng là một trong những hộ thiệt hại nặng nề nhất trong số người trồng dưa ở bãi bồi sông Trà Khúc cho biết, đang gieo trồng 7.000m2 dưa, và theo ông, “trong hai tháng không có cây nào thu lợi cao như thế. Làm dưa phải chấp nhận vụ lỗ vụ lời. Khi mất thì cả làng trắng tay, khi trúng thì thắng rất lớn.”
Trong khi đó, Các tổ chức từ thiện, đoàn thể vẫn đang cố sức tìm cách tiêu thụ dưa cho người dân. Còn chính quyền thì không thể nắm hết được diện tích trồng dưa trở lại của bà con, ông Huỳnh Thuận, chủ tịch UBND xã Tịnh Trà, cho biết ngay sau khi tiêu thụ hết dưa, xã đã dùng loa phát thanh khuyến cáo người dân không nên tiếp tục trồng dưa bởi những người “ra tay nghĩa hiệp” thời gian qua không thể tiếp tục giải cứu nếu trồng quá nhiều mà không có đầu ra.
Sự hám lợi của người nông dân Quảng Ngãi cũng khiến ông Đào Minh Hường, phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi phải than: “Năm nào ngành cũng khuyến cáo nhưng người dân không chịu nghe. Như hiện tại nếu không được các tổ chức mua, họ sẽ mất trắng nhưng có ai sợ đâu”.
Trong bài viết “Dưa hấu cho trâu bò ăn – vì đâu nên nỗi?”, đăng tải trên VNTB, đã có nhận định xác thực tế rằng: “Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến liên kết 4 nhà lỏng lẻo có phần không nhỏ từ phía người nông dân, khi mà sự hạn chế về thị trường tiêu thụ, cũng như hạn chế về trình độ học vấn khiến đa số nông dân chưa gạt bỏ được tư tưởng hám lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài.”
Hám lợi trước mắt theo kiểu “Ai tụi tui cũng bán, miễn là giá cao” đã khiến cho nông dân phải trả giá.
Do đó, để tránh tình trạng “được mùa mất giá” trong nông sản, thì ngoài những chính sách vĩ mô về quy trình sản xuất khép kín, đạt chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc như châu Âu hay bao tiêu sản phẩm qua liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân. Thì bản thân chính quyền cần phải kiến quyết cắt đứt tư duy “hám lợi” thông qua tự phát nuôi trồng cây hàng loạt của người nông dân qua hình thức tuyên truyền, bên cạnh đó là cần kiên quyết cắt bỏ khoản tiêu thụ giúp cho nông dân thông qua phát động hay vận động doanh nghiệp, các hội đoàn… nếu như người nông dân không chịu ngheo theo lời khuyến cáo qui hoạch trong trồng “cây gì, con gì.”