Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ông Chu Ngọc Anh là một nghi phạm

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Ông Chu Ngọc Anh có thể được coi là tội phạm, nhưng hiện tại ông vẫn là một công dân “không có tội”.

 

Khái niệm tội phạm được định nghĩa cụ thể tại điều 8, Bộ luật hình sự 2015: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”.

Cố ý phạm tội được quy định tại điều 10 của Bộ luật hình sự 2015. Theo đó, việc phạm tội trong những trường hợp sau đây được coi là cố ý: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Còn vô ý phạm tội được quy định tại điều 11 của Bộ luật hình sự 2015: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Hiến pháp 2013, Điều 31.1 quy định “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Như vậy về nguyên tắc pháp lý cho thấy tính đến thời điểm này thì ông Chu Ngọc Anh là “nghi phạm”.

Bộ luật hình sự hiện hành quy định rõ người bị buộc tội chỉ được coi là người bị kết án khi bản án của tòa án có hiệu lực. Tuy nhiên, việc buộc tội phải trải qua các giai đoạn tố tụng khác nhau và có nhiều cách gọi khác nhau đối với người bị buộc tội.

Cụ thể, từ trước giai đoạn khởi tố vụ án hình sự và trong giai đoạn xác minh tin báo tố giác tội phạm thì đối với những người bị người khác tố giác được gọi là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.

Còn đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ thì được gọi là người bị tạm giữ theo điều 59 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành.

Nghi can và nghi phạm là hai thuật ngữ khá phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Tuy nhiên, trong Hiến pháp, Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản pháp lý liên quan khác lại không có quy định về hai thuật ngữ này.

Ở góc độ ngữ nghĩa, “nghi can” được hiểu là người bị nghi là có liên quan đến vụ án và thuộc trường hợp chưa bị bắt. Còn “nghi phạm” được hiểu là người bị nghi là tội phạm, có dấu hiệu của một tội phạm và đã bị lệnh bắt.

Quy định tại khoản 1 điều 60 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì “Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này”.

Theo khoản 1 điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này. Như vậy, trong giai đoạn xét xử, khi có quyết định của toà án đưa bị can ra xét xử thì người hoặc pháp nhân mới được gọi là bị cáo.

Nếu chưa có quyết định của toà án đưa ra xét xử thì vẫn chưa được gọi là bị cáo, cho dù hồ sơ vụ án cùng bản cáo trạng quyết định truy tố đã được gửi cho toà án.

Như vậy việc báo chí đưa tin dạng mặc định về “phạm tội” ở giai đoạn điều tra, không riêng trường hợp của ông Chu Ngọc Anh như phân tích nêu trên, mà tất cả các vụ án khác lâu nay, đặc biệt là ở án thuộc nhóm an ninh quốc gia, cho thấy nhân quyền đã bị vi phạm công khai và đầy thách thức.


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Hồ sơ: Sắp kết thúc đại án Việt Á? ( kỳ 4)

Trương Thế Tử

VNTB – Xung đột chính trị?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tòa án và Đảng lãnh đạo toàn diện

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo