Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ông Chủ tịch nước đang ‘tự diễn biến’?

Nguyễn Nam

 

(VNTB) –  “Cấp dưới cứ lựa nói đúng ý cấp trên thì nguy hiểm cho Đảng, đất nước”…

 

Sáng 4-12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII.

Tại Hội nghị này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có diễn giải trước đám đông rằng, “Cán bộ cấp dưới mà cứ lựa theo, coi ông cấp trên ông nghĩ gì để mà nói thì tôi nghĩ cái đó nguy hiểm cho Đảng, cho đất nước. Và người ta nói đó là đoàn kết một chiều, đoàn kết xuôi chiều, đoàn kết trên sự bưng bít và không lắng nghe sự thật”

(…) “Chỗ nào không có dân chủ, chỗ đó không có đoàn kết thực sự. Tôi dám khẳng định với các đồng chí như thế. Mà cái này nói các đồng chí đừng buồn, chắc chỗ này chỗ kia cũng có chứ không phải không đâu, thậm chí còn nặng nề. Bàn chuyện gì cứ đi hỏi thủ trưởng nghĩ cái này thế nào để vô phát biểu cho trúng ý thủ trưởng. Dự cuộc họp mà không thẳng thắn, không trao đổi một cách chân thành, lắng nghe, phân tích, mổ xẻ. Cái đó không nên”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ‘nói vo’ theo đúng cách quen thuộc của một cán bộ tuyên giáo Đảng.

Cá nhân người viết cho rằng bản thân ông Chủ tịch nước ở thời gian tới, giả dụ như lại nói về vấn đề trên, thì rất cần thêm vào một ý đại khái, “Nói đi cũng nên nói lại, rất nhiều ông cán bộ cấp trên lại rất thích cấp dưới anh nào đoán được ý mình, biết mình thích gì, cần gì, sở thích gì… để nói, để làm, để chu đáo… Đây cũng là những cán bộ gây nên những hệ lụy nguy hiểm”.

Trở lại với chuyện lúc ông Võ Văn Thưởng còn là Thường trực Ban Bí thư, khi ấy ông cũng thuộc nhóm đảng viên “phát biểu trúng ý thủ trưởng”.

Đơn cử, tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng sáng 26-1-2021, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Văn kiện trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII. Trong báo cáo này có đoạn mà từ đó về sau thường xuyên được ông Nguyễn Phú Trọng rất thích nhắc đến như kiểu thành tích báo công trạng: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Tại Hội thảo khoa học tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh (Nghị quyết số 23), diễn ra ngày 24-2-2023, tại Hà Nội, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đăng đàn với nhấn mạnh: “Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23, kinh tế đất nước có bước phát triển vượt bậc và quan trọng. Những kết quả thực hiện Nghị quyết đã đóng góp rất quan trọng vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của thời kỳ đổi mới, góp phần để “đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị trí và uy tín quốc tế như ngày nay” – như khẳng định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng…”.

Tuần lễ sau đó, trong bản tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước, ông Võ Văn Thưởng có đoạn mà chỉ cần thoáng qua thì ai cũng hiểu ông đang nịnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến mức độ nào:

“Nguyện không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; mãi mãi ghi ơn những hy sinh công lao to lớn của các bậc lãnh đạo tiền bối, của các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và người Việt Nam yêu nước để “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”.

Tự hào về cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, càng nhận thức sâu sắc về yêu cầu, nhiệm vụ khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, càng quyết tâm để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta trở thành nước phát triển thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Quan sát trên báo chí, chưa thấy đảng viên Võ Văn Thưởng có ý kiến băn khoăn, rằng nếu đúng như đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, vậy thì vì sao nợ công quốc gia theo ghi nhận của trang đồng hồ nợ công trên thế giới, bình quân mỗi người dân Việt Nam đang phải nợ tương đương 4.521 USD, quy đổi vào khoảng 105.759 đồng Việt Nam theo tỷ giá chiều ngày 4-12-2023.

Hay là lại giải thích nhờ “uy tín quốc tế” nên mới có thể vay nợ khẳm đến vậy trong “gầy dựng cơ đồ”?


Tin bài liên quan:

VNTB – Đảng cộng sản Việt Nam kêu gọi tôn trọng ý kiến phản biện trái chiều

Do Van Tien

VNTB – “Ngày hội non sông”: cơ hội phát tán Covid

Phan Thanh Hung

VNTB – Học tập làm theo gương bác Thưởng, bác Vân

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo