Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ông Đinh Văn Hải: Đổ thải xuống biển Bình Thuận phạm vào tội ác chống lại nhân loại

Hàn Giang (VNTB) “…Khi được tin hệ thống nhiệt điện Vĩnh Tân xin xả thải nhiều triệu mét khối chất thải độc hại mà họ nói chỉ là bùn, cát nạo vét gần nhiệt điện Vĩnh Tân xuống vùng biển Bình Thuận, mọi người ý thức được rằng tội ác chống lại nhân loại đang tiếp tục diễn ra…”

Nhóm người ở Sài Gòn tuần hành ra biển Bình Thuận. Ảnh:  Facebook Ngo Thu
Dư luận còn chưa hết bức xúc việc Bộ Tài nguyên- Môi trường cấp phép cho nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm 1triệu m3 chất thải ra biển Bình Thuận thì mới đây Tổng công ty phát điện 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho báo chí biết là đang xúc tiến xin giấy phép đổ xuống biển xã Vĩnh Tân 2,4 triệu m3 bùn cát thải sau nạo vét đã làm tăng thêm bức xúc của dư luận. Trong khi đó, thảm họa môi trường biển do Công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải độc hại ra biển vào năm 2016 khiến cá, hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt ở 04 tỉnh miền Trung hậu quả đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hơn bao giờ hết, ô nhiễm môi trường hiện đang là vấn nạn nóng bỏng đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống người dân Việt Nam. Ngày 15/07/2017 vừa qua, một nhóm người sinh sống tại Sài Gòn đã tiến hành chuyến đi bộ từ Sài Gòn ra Bình Thuận nhằm đánh động thêm nữa sự quan tâm của dư luận hướng về vùng biển Bình Thuận, bảo vệ vùng biển Bình Thuận. Thế nhưng, chuyến tuần hành của mọi người diễn ra bất thành khi có sự can thiệp “nặng tay” của các lực lượng chức năng ở quận 9 Sài Gòn đặc biệt là lực lượng công an.

Việt Nam Thời Báo (VNTB) có cuộc phỏng vấn anh Đinh Văn Hải, một trong những người tham gia tuần hành vào hôm 15/07 để chia sẻ được rõ hơn.

PV.VNTB: Thưa ông! Ông có thể chia sẻ mục đích của chuyến tuần hành do ông và những người bạn tổ chức ra vùng biển Bình Thuận vào hôm 15/07/2017 vừa qua. Ý nghĩa của chuyến tuần hành này là gì?

Ô.Đinh Văn Hải: Thứ nhất, tôi không có tổ chức mà chỉ ủng hộ và quyết tâm chuẩn bị tham gia cuộc tuần hành đường dài với cô giáo Ngô Thị Thứ. Thứ hai, như tôi đã chia sẻ thông tin về cuộc tuần hành của tôi và cô Ngô Thị Thứ rộng rãi trên trang facebook cá nhân về nguyên nhân, mục đích của cuộc tuần hành là: Khi hàng triệu lít vật chất lỏng có màu được khu công nghiệp Vung Áng Formosa lén lút xả thải xuống biển, giết chết biển miền Trung một năm trước. Rất nhiều người dân ý thức về thảm họa môi trường đã và vẫn sẽ đang diễn ra. Thảm họa môi trường đó đã phạm vào tội ác chống lại nhân loại. Khi được tin hệ thống nhiệt điện Vĩnh Tân xin xả thải nhiều triệu mét khối chất thải độc hại mà họ nói chỉ là bùn, cát nạo vét gần nhiệt điện Vĩnh Tân xuống vùng biển Bình Thuận, mọi người ý thức được rằng tội ác chống lại nhân loại đang tiếp tục diễn ra. Trước thực tế hành động xả thải hủy diệt môi trường, phạm vào tội ác chống lại nhân loại, tôi cùng cô giáo Ngô Thị Thứ đã lựa chọn hành động tuần hành từ Sài Gòn về biển Bình Thuận để đánh động nhân tâm và để tố cáo tội ác chống lại nhân loại đang diễn ra một cách có chủ ý. Khi thông tin cuộc tuần hành của tôi và cô Ngô Thị Thứ được thông báo trên trang facebook cá nhân thì có một vài bạn trẻ phản hồi là họ sẽ cùng với chúng tôi đi một đoạn đầu để chia sẻ và ủng hộ tinh thần chúng tôi.
PV.VNTB: Và diễn biến chuyến tuần hành vào ngày 15/07/2017 sau đó là như thế nào thưa ông?
Nhóm người tuần hành bị bắt lên xe Cảnh sát giao thông. Ảnh: facebook Vuong Hoang
Ô.Đinh Văn Hải: Lúc 6h30 sáng tôi bắt đầu đi. Sau khi đi được 200m, tôi quay lại và thấy có vài bạn trẻ mà tôi chưa từng gặp vừa đến và đứng cùng cô Ngô Thị Thứ, tôi quay lại lấy những tờ giấy mà tôi đã chuẩn bị, phát cho mỗi người 2 tờ và giục họ cùng đi. Khi chúng tôi đi tới gần cầu vượt Thủ Đức thì có thêm vài người nữa tham gia. Lúc này nhóm khoảng 7 người. Sau đó vài phút thì xuất hiện xe của Cảnh sát Giao thông công an quận 9, cùng nhiều xe máy của lực lượng dân phòng đuổi theo chặn đầu. Một tai nạn xẩy ra khi xe của công an phường Tân Phú, quận 9 Sài Gòn dừng xe trái phép giữa đường gần khúc cua cầu vượt, cản trở lưu thông, làm một phụ nữ đi xe máy bị tại nạn do không tránh kịp xe họ, họ tiếp tục đuổi theo mấy người đi tuần hành và dùng bạo lực cưỡng ép họ lên xe đưa về đồn.

PV.VNTB: Phía công an quận 9 Sài Gòn nói chung đã hành xử như thế nào đối với những người tuần hành vì môi trường, vì bảo vệ vùng biển Bình Thuận mà họ bắt về?

Ô.Đinh Văn Hải: Như tôi đã chia sẻ trên trang facebook cá nhân, để bắt nhóm tuần hành này, họ xông vào dùng bạo lực thúc tôi và vài người lên xe. Một số người kẹp cổ bạn trẻ Trần Đình Châu muốn gãy cổ quẳng lên xe. Bạn Vương Hoàng cũng bị bạo hành một cách hung hãn để lôi lên xe. Các bạn gái thì không ai bị đánh. Họ đưa hết về công an phường Tân Phú quận 9, thành phố Sài Gòn. Về đến “đại bản doanh” của Công an Tân Phú quận 9, họ nhốt mỗi người một phòng. Tất cả mọi người đều bị họ sử dụng áp lực tước điện thoại và CMND. (Riêng tôi bị họ tước 2 chiếc điện thoại và xâm nhập bí mật thư tín, tin nhắn một cách bất hợp pháp, vi phạm trắng trợn điều 21 được hiến định trong Hiến Pháp).

PV.VNTB: Dư luận Việt Nam đang bức xúc việc xả hàng triệu m3 bùn thải xuống vùng biển xã Vĩnh Tân- Bình Thuận nhưng phía Bộ Tài nguyên & Môi trường nói việc xả thải này đúng theo quy định của Pháp luật. Bản thân ông là người quan tâm vậy quan điểm của ông là như thế nào về vụ việc này?

Ô.Đinh Văn Hải: Với tôi, việc các cơ quan thẩm quyền của Chính phủ viện dẫn lý do “đúng theo quy định của Pháp luật” là sự viện dẫn cả vú lấp miệng em. Pháp luật là do họ đặt ra để phục vụ ý đồ, mục đích chủ quan của họ chứ không phục vụ cho lợi ích của cộng đồng. Và quan trọng là không có gì bảo đảm rằng những cái gọi là “đúng theo quy định của Pháp luật” đó của họ giúp bảo vệ môi trường, nguồn sống của nhiều triệu cư dân.

Ông Đình Văn Hải với thông điệp bảo vệ môi trường dán sau lưng. Ảnh: facebook Đinh Văn Hải
PV.VNTB: Một thông điệp mà anh muốn gửi đến dư luận liên quan vụ đổ thải xuống biển Bình Thuận là gì?

Ô.Đinh Văn Hải: Thông điệp: Thảm họa môi trường là có thật. Khắp nơi, từ sông, hồ, ao biển, cá chết nổi trắng. Tôi nghĩ mình phải làm một cái gì đó để đánh động xã hội. Và thông điệp của tôi là kêu gọi cộng đồng chung tay lên án thảm họa môi trường được cố tình tạo ra một cách có chủ đích, và lên án việc gây ra thảm họa môi trường đó đã vi phạm Điều 342. Tội chống loài người và hành vi phá hủy nguồn sống, làm đảo lộn nền tảng của một xã hội nhằm phá hoại xã hội, những hành vi diệt sinh, diệt môi trường tự nhiên. Chúng tôi đề nghị các luật sư, các tổ chức thu thập chứng cứ, kiện những cá nhân, đơn vị ra tòa án Quốc Tế La Haye. Điều 342. Tội chống loài người theo Bộ luật hình sự 1999; Người nào trong thời bình hay trong chiến tranh mà có hành vi tiêu diệt hàng loạt dân cư của một khu vực, phá hủy nguồn sống, phá hoại cuộc sống văn hóa, tinh thần của một nước, làm đảo lộn nền tảng của một xã hội nhằm phá hoại xã hội đó, cũng như có những hành vi diệt chủng khác hoặc những hành vi diệt sinh, diệt môi trường tự nhiên, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

VNTB cám ơn những chia sẻ của ông Đinh Văn Hải !

Cũng xin được nói thêm, từ việc Bộ Tài nguyên- Môi trường cho phép nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm khoảng 1triệu m3 chất thải xuống biển Bình Thuận đến việc Tổng công ty phát điện 3 đang xúc tiến xin giấy phép đổ xuống biển xã Vĩnh Tân 2,4 triệu m3 bùn cát thải sau nạo vét, giới chuyên gia nghiên cứu về môi trường và biển đảo cho rằng; đây sẽ là một tiền lệ xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau và cả vùng biển Nam Trung Bộ giàu tài nguyên, dễ bị tổn thương. Không thể nói việc đổ thải hay nhận chìm thải đúng theo quy định của pháp luật bởi các Khu bảo tồn biển được thành lập theo quyết định của Chính phủ và việc tác động tiêu cực lên nó là đã vi phạm quy định của pháp luật. Ngoài ra, cũng chưa nói đến việc các vật, chất được phép nhận chìm thuộc Danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển theo Nghị định 40 của Chính phủ ban hành vào tháng 05/2016, nói nó không gây ô nhiễm môi trường nhưng khi đổ xuống biển nó tạo hiện tượng phủ chùm tầng đáy biển, làm thay đổi sự sống của các sinh vật ở tầng đáy, các rạn san hô sẽ chết…vậy ô nhiễm môi trường chỉ là một khía cạnh mà ở đây còn nói đến việc hủy hoại môi trường biển./.

Tin bài liên quan:

VNTB- Đồng Nai: Loại công an nào đánh đập hội đồng dã man phụ nữ?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tôm hùm chết hàng loạt ở Phú Yên do doanh nghiệp xả thải?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đoàn Thị Hương: Việt Nam bảo vệ công dân Việt Nam như thế nào?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo