Triệu Tử Long
(VNTB) – Công an giờ đây thậm chí còn không tôn trọng các quy tắc của chính họ trong việc quyết định sẽ làm gì với ông Đường Văn Thái.
Nhà chức trách nói rằng một người đàn ông xưng tên Đường Văn Thái bị bắt giữ khi xâm nhập trái phép vào Việt Nam qua biên giới đường bộ Lào – Hà Tĩnh.
Xâm nhập trái phép hay bị bắt cóc?
“Chúng tôi muốn chính phủ Việt Nam trả lời một câu hỏi cực kỳ đơn giản: Đường Văn Thái đang ở đâu? Một mặt, mọi thứ cho thấy ông đã bị bắt cóc ở Thái Lan bởi các đặc vụ Việt Nam. Mặt khác, việc ông bị bắt vì nhập cảnh trái phép từ Lào có tất cả các dấu hiệu của một nỗ lực thô thiển nhằm gây nhầm lẫn vấn đề. Và giờ đây, công an thậm chí còn không tôn trọng các quy tắc của chính họ trong việc quyết định sẽ làm gì với ông ấy.
Trường hợp này là một ví dụ đáng buồn về mức độ coi thường khủng khiếp của một chính phủ nắm giữ pháp quyền và tự do báo chí”, ông Daniel Bastard, Trưởng ban châu Á-Thái Bình Dương của RSF, nói trong thông cáo hôm 27/4 kêu gọi chính phủ Việt Nam làm rõ về tình trạng mất tích của một blogger Việt Nam cách đây hai tuần tại Thái Lan liệu có liên quan đến cái gọi là ‘xâm nhập trái phép’ qua đường biên giới.
Tạm gác qua đồn đoán việc vào năm 2019, khi còn ở Việt Nam, ông Đường Văn Thái đã bị cơ quan chức năng mời lên làm việc liên quan về điều luật hình sự 117. Ngay sau đó, đồn đoán này cho rằng ông Thái đã rời Việt Nam…
Ông Đường Văn Thái không có tên trong vai trò ‘nghi phạm – đồng phạm’ ở vụ án Hội Anh em dân chủ, liên quan điều luật 79 của Bộ luật hình sự. Ông Đường Văn Thái cũng không thấy được ‘xướng tên’ trong bản kết luận điều tra liên quan điều luật hình sự 117 ở vụ án Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.
Ông Đường Văn Thái cũng không có lệnh truy nã về tội danh hình sự nào từ cơ quan hữu trách ở Việt Nam. Vậy thì vì sao ông Thái đã rời Việt Nam và ‘động cơ’ nào khiến ông tự quay trở lại quê hương mình?
Từ nguyên tắc của suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự, vì sao nhà chức trách không nghĩ rằng sở dĩ ông ‘xâm nhập’ qua cửa ngõ biên giới Lào – Hà Tĩnh vì đơn giản của nỗi nhớ nhà ‘hoài cố hương’?
Cũng theo nguyên tắc suy đoán vô tội, người viết tạm tin rằng không có nghi vấn là mật vụ Việt Nam sang tận Thái Lan để bắt cóc ông Đường Văn Thái, vì như diễn biến kể trên, lâu nay lý lịch chính trị của ông Thái không thấy có khả năng ảnh hưởng đến nhà nước Việt Nam, hay liên quan đường dây tham nhũng nào tương tự như Trịnh Xuân Thanh.
Mặc định ‘luôn có tội’ với những tiếng nói phản biện trái chiều?
Như vậy nếu đặt trong nguyên tắc suy đoán vô tội, rõ ràng là có căn cứ để ông Daniel Bastard, Trưởng ban châu Á-Thái Bình Dương của RSF, nói trong thông cáo hôm 27/4 kêu gọi chính phủ Việt Nam làm rõ về tình trạng mất tích của một blogger Việt Nam cách đây hai tuần tại Thái Lan.
Nguyên tắc suy đoán vô tội được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế như Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966.
Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013 tại khoản 1, Điều 31 như sau: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Nguyên tắc này bao gồm 05 nội dung sau:
Một là, người bị buộc tội được coi là không có tội cho tới khi bị kết tội bởi một bản án có hiệu lực pháp luật. Toà án là cơ quan duy nhất có quyền xét xử và kết tội một người, không một cá nhân, cơ quan, tổ chức nào có thể phán quyết một người phạm tội, kể cả cơ quan điều tra, truy tố.
Hai là, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không được đối xử với người bị buộc tội như người phạm tội, không được định kiến, thiên lệch khi giải quyết vụ án. Mọi quyền con người của người bị buộc tội phải được tôn trọng ngay cả khi bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế, ngăn chặn, người bị buộc tội chỉ bị hạn chế một phần quyền con người trong giới hạn luật định.
Ba là, việc chứng minh tội phạm phải được thực hiện theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt do luật tố tụng hình sự quy định. Các cơ quan điều tra trong quá trình thu thập các tài liệu, chứng cứ phải khách quan và đúng pháp luật. Nghiêm cấm các hình thức bức cung, nhục hình, “mớm cung”,… và các phương pháp thu thập tài liệu, chứng cứ trái pháp luật.
Bốn là, việc kết tội một người phải dựa trên những chứng cứ xác thực đã được kiểm tra, xác minh công khai tại phiên toà và không còn bất cứ sự nghi ngờ nào. Mọi sự nghi ngờ không chứng minh được theo trình tự, thủ tục luật định phải được xử lý theo hướng có lợi cho người bị buộc tội. Khi không đủ căn cứ chứng minh tội phạm theo trình tự, thủ tục luật định thì phải kết luận người bị buộc tội không có tội, các quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải được khôi phục theo quy định của pháp luật.
Năm là, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về bên buộc tội, người bị buộc tội có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh. Người bị buộc tội không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình và có quyền giữ im lặng, không trả lời các câu hỏi của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.
Hãy ủng hộ kêu gọi minh bạch pháp lý
Nguyên tắc suy đoán vô tội thể hiện tính nhân đạo trong tố tụng hình sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội với vị thế là bên yếu hơn trong quan hệ với Nhà nước cùng bộ máy điều tra, truy tố xét xử hùng mạnh được thực hiện bằng quyền lực nhà nước.
Từ góc nhìn thuần pháp lý như trên, thiết nghĩ việc phát lời kêu gọi của RSF trong thông cáo hôm 27/4 về việc chính phủ Việt Nam cần làm rõ về tình trạng pháp lý của ông Đường Văn Thái, là rất cần sự hưởng ứng của đông tay vỗ nên kêu của các tổ chức xã hội dân sự, trong đó có Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.
1 comment
THÁI VĂN ĐƯỜNG có tội rất lớn với đảng cộng sản việt nam: sinh ra trong một cái trại súc vật mà lại nói tiếng người