Tiên Thủy
(VNTB) – Sự tích “Ông Cả Cọp” là một trong những giai thoại đặc sắc, được truyền tụng trong quá trình ông cha ta khai hoang, di dân lập ấp tại vùng đất Bến Tre khi xưa.
Bất cứ ai là dân ở Giồng Trôm thuộc tỉnh Bến Tre đều biết một địa danh nổi tiếng là Ba Châu, gồm ba làng Châu Bình, Châu Hòa và Châu Phú. Hai làng Châu Bình và Châu Hòa tiếp giáp với nhau và cũng nằm cạnh con sông Ba Lai.
Câu chuyện Hương Cả Cọp hay còn có tên Ông Cả Cọp do chị hai của tôi kể cho nghe lúc còn nhỏ, cách đây lâu lắm nhưng tôi vẫn còn nhớ. Đó là chuyện của một con cọp làm hương cả của làng Châu Bình.
Chuyện kể, thời đó, cọp được mệnh danh là ông “Ba Mươi”, vì thuở ấy quan trên đặt ra giải thưởng “Ai giết cọp, đem xác cho quan trên thấy, thì được thưởng 30 quan tiền”.
Sau khi giết cọp, người dân vẫn sợ, cất miễu thờ để tỏ lòng tôn kính và cũng để hăm dọa.
Chức Đại Hương Cả (người đứng đầu ban hội tề, cai quản một làng) ai cũng ham vì Đại Hương Cả được hưởng xôi thịt khi cúng Kỳ yên và được quyền quyết định tối hậu trong mọi vụ xử kiện. Riêng làng Châu Bình cử người nào vào chức Đại Hương Cả thì ngay đêm hôm sau, cọp đến nhà cõng người ấy vào rừng, bỏ lại cái xác máu me lênh láng. Chức vụ Đại Hương Cả mặc nhiên để trống, chẳng ai dám nhận lãnh.
Các hương chức suy luận: “Phải chăng vì cọp là chúa sơn lâm nên muốn lãnh phần xôi thịt ấy? Bây giờ muốn biết thì phải thí nghiệm một lần cho biết”.
Ở đầu làng có cây đa cổ thụ rất linh thiêng, hàng chục kỳ lão trong làng ăn mặc chỉnh tề mang theo đầu heo và tờ cử viết trên giấy cuốn tròn trong ống tre nhỏ để dưới gốc đa, các kỳ lão đến trước cây đa khấn vái, yêu cầu “ông Cọp” nhận lãnh phần xôi thịt. Nếu quả thật ông Cọp muốn đòi chức Đại Hương Cả thì dân làng sẵn sàng dành cho cái danh dự tối cao ấy. Xong, các kỳ lão rút lui, ai về nhà nấy. Sáng hôm sau, cái đầu heo và cả tờ cử đã mất, dưới đất hãy còn rành rành móng cọp, đủ móng trước, móng sau.
Thế là, trong mỗi cuộc nhóm họp tại công sở, hương chức làng luôn dành một cái ghế bỏ trống, rót dư một chung rượu, gọi là dành riêng cho ông Hương Cả Cọp.
Năm sau, vào đúng ngày tái nhóm để bầu cử hương chức hội tề, hiện tượng lạ lùng là cái đầu heo và tờ cử cũng biến mất, có nghĩa là Hương Cả Cọp đồng ý lãnh trách nhiệm thêm một nhiệm kỳ nữa. Gốc đa trở nên linh thiêng, dân làng đã hùn tiền, xây miễu nhỏ ngay dưới gốc đa đề thờ cúng Cả Cọp, họ cúng cho miễu một cái trống chầu thật to.
Một câu chuyện khác về tích Hương Cả Cọp cũng ở làng Châu Bình thì nhuốm sắc màu lịch sử hơn, cũng do chị hai của tôi kể lại.
Số là trong những năm chúa Nguyễn Ánh lưu lạc về tận miệt Bến Tre rồi sau đó mới theo cửa Hàm Luông chạy ra Côn Sơn. Một số binh lính rời ngũ đã lần mò về vùng Châu Bình để khai khẩn. Về sau, trong số đó có một người tên Nhẫn giỏi võ nghệ và giàu có nên được dân chúng tôn làm hương cả.
Muốn danh chính ngôn thuận người ta phải làm đơn xin trên quận, quận chuyển lên tỉnh rồi sau đó chuyển ra Huế. Sau khi được vua chuẩn chi cái giấy chứng nhận mà người ta gọi là bằng sắc từ Huế chuyển vào cho tới tận làng và ông hương cả Nhẫn cùng với dân làng đi đón bằng sắc đem về tận nhà ông ta.
Chuyện đó êm xuôi cho tới một năm khi đón bằng sắc từ đình về nhà thời rắc rối xảy ra. Con đường từ đình về nhà khoảng chừng hai cây số. Khi về tới nửa đường thì đám rước bị cọp chặn đường. Thoạt đầu là một con cọp vằn to lớn chặn đánh đám thủ hạ của ông hương cả Nhẫn chạy tán loạn và cả ông ta cũng bị hổ vồ suýt toi mạng.
Lũ cọp chặn đường không ăn thịt một ai hết mà chỉ cắp cái bằng sắc đi mất. Hương cả Nhẫn bị mất bằng sắc thì giận ít mà mất mặt với láng giềng mới giận nhiều. Ông ta dẫn thủ hạ lùng bắt cọp nhưng lần nào cũng bị cọp đánh cho tơi tả song cũng không tìm ra cái bằng sắc của vua ban con cọp giấu ở đâu.
Trong ba năm dài làng Châu Bình bị các làng khác chê cười vì để cho cọp làm hương cả. Khi tới hạn lãnh bằng sắc mới về ông cả Nhẫn biết thế nào cũng bị cọp chận đường nữa nên đành phải nhường chức hương cả cho một người khác trong làng. Ông này cũng biết khi nhận làm hương cả và đi đón bằng sắc của vua ban về nhà mình là ông phải đánh với cọp.
Rừng không dung lưỡng hổ. Đất không có hai vua. Hôm ấy người và thú gặp nhau, so tài với nhau vì hai chữ danh dự và sự sinh tồn của dòng họ. Người thắng thì cọp phải bị tiêu diệt, còn cọp thắng thì người phải bỏ đất đi kiếm nơi khác làm ăn.
Kể từ trận đấu sinh tử đó làng Châu Bình không còn bị cọp làm hương cả nữa. Người ta cũng không thấy bóng dáng cọp lảng vảng trong làng. Vị chúa tể sơn lâm đã bỏ đi nơi khác. Rừng không dung lưỡng hổ là như vậy. Dân làng mới phong tặng cho ông cái tên Hương Cả Cọp mà người ta gọi quen thành Cả Cọp.
Ở tích trong câu chuyện đầu, tương truyền số các lễ vật đầu heo và tờ cử có hũ rượu. Nếu như năm nào dân cúng rượu ngon: nếp rặt lên men hằng tháng mới kháp, rượu kháp xong phải ủ lâu ngày trong lòng đất (hạ thổ) thì ổng mới “nhậm”. Và năm nào ông Cả “nhậm” rượu của làng dâng cúng ắt năm đó mùa màng trúng mùa to.
Hiện nay, tại Châu Bình còn lăng thờ Cả Cọp. Hằng năm vào ngày mồng 7 tháng Giêng có lễ cúng Khai sơn, và mồng 10 tháng 5 âm lịch có lễ cúng ông Cả nhằm nhắc nhở lớp sau nhớ về một thời mở cõi khó nhọc của ông cha. Trong lễ đó có thứ rượu rất ngon được gọi là “rượu Cả Cọp”.