Nguyễn Nam
(VNTB) – Diễn biến dịch virus Corona ở Việt Nam đang mang đến cảm giác Chính phủ Việt Nam – lưu ý, ở đây chưa thấy vai trò của cơ quan đảng – bắt đầu minh bạch hơn. Và chờ đợi tiếp theo là những công dân đang phải chịu cảnh tù đày (bao gồm có án và chưa có án) vì ‘bất đồng chính kiến’ với đảng cộng sản Việt Nam, liệu có được ‘minh bạch’ qua việc Chính phủ sẽ trao trả họ lại đời sống với tất cả các quyền dân sự hiến định?
Sở dĩ dùng từ ‘minh bạch’ với những người được gọi là bất đồng chính kiến, vì trên thực tế họ phản đối các chính sách, quyết sách do đảng cộng sản đưa ra. Họ không chống đối Chính phủ Việt Nam. Luật pháp hình sự cũng không có điều khoản nào về tội danh bất đồng chính kiến với đảng cộng sản.
Mặc dù vấp nhiều chê trách, nhưng Việt Nam đã khá nhanh trong ban bố chống dịch
Trở lại câu chuyện về dịch virus đến từ Trung Quốc đại lục. WHO ngày 30-1 đã tuyên bố đợt bùng phát virus Corona mới gây viêm phổi Vũ Hán là “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu” (PHEIC). Hơn 24 tiếng sau đó, ngày 1-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra.
Lúc tuyên bố “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu” (PHEIC), Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng ở hiện tại không cần thiết đến việc áp dụng các biện pháp ngăn trở người dân đi lại và giao thương, dù rằng nhiều chính phủ, hãng hàng không và doanh nghiệp các nước đã đưa ra những chính sách như vậy.
Ngày 30-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngừng cấp visa cho khách du lịch Trung Quốc, trừ visa công vụ, không khuyến khích giao thương, buôn bán, qua lại cửa khẩu trong lúc này. Khuyến cáo hạn chế đến Trung Quốc trừ trường hợp đặc biệt. Có biện pháp kiểm soát y tế tại các cửa khẩu. Ngành y tế theo dõi sát sao sức khỏe công dân, lưu học sinh, khách du lịch từ Trung Quốc khi nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 15 ngày với tinh thần hạn chế đi lại.
Sau khi có Quyết định số 173/QĐ-TTg do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành, về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, Cục Hàng không Việt Nam thông báo hủy toàn bộ các phép bay đã cấp và dừng cấp phép chuyến bay mới cho các hãng hàng không khai thác giữa Việt Nam và Trung Quốc từ 13g ngày 1-2. Với quyết định “đóng cửa” đường hàng không từ Việt Nam tới Trung Quốc, các chuyến bay từ “tâm dịch” corona Trung Quốc tới Việt Nam bị từ chối tiếp nhận.
Khi đảng cộng sản chỉ còn là cái bóng mờ nhạt trong chống dịch
Dồn dập diễn biến cho thấy dường như người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đang chứng tỏ với quốc dân rằng ông đang dốc toàn lực trong quyền hạn, và cả ‘vượt thẩm quyền’ trong ngăn chặn dịch virus Corona từ Trung Quốc đại lục tràn sang.
Gọi là ‘vượt thẩm quyền’, vì ở Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Chương 4 “Chống dịch”, Mục 1 “Công bố dịch”, Điều 38. Nguyên tắc, thẩm quyền, thời hạn và điều kiện công bố dịch, cho biết, “Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người”.
Cụ thể về nhóm A, được quy định ở Điều 3 “Phân loại bệnh truyền nhiễm”. Theo đó, nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê – bô – la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh”.
Khi các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A lây từ tỉnh này sang tỉnh khác trong phạm vi Việt Nam, thì thẩm quyền công bố dịch là thuộc Thủ tướng Chính phủ. Ở trường hợp dịch virus đến từ Trung Quốc đại lục, và WHO đã tuyên bố đợt bùng phát virus Corona mới gây viêm phổi Vũ Hán là “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu” (PHEIC), thì tương ứng trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch ở đây phải là Chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng.
Mục 2 của Chương 4, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Điều 42 ‘Nguyên tắc và thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch’: “1. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch được thực hiện theo nguyên tắc sau đây: a) Khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế – xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp; b) Việc ban bố tình trạng khẩn cấp phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.
2. Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp”.
Ở Việt Nam thì Chủ tịch nước và Tổng bí thư là một. Sự im lặng của Chủ tịch nước trong chuyện dịch bệnh, cũng đồng nghĩa sự im lặng của đảng cộng sản ở vấn nạn đến từ Trung Quốc này. Còn vì sao lại im lặng thì đó là điều mà nếu ai đó lại ‘ý kiến’, dễ bị ‘chụp mũ’ như nhiều tù nhân chính trị khác đang thụ hình, lẫn chưa có án.
Chính phủ Việt Nam sẽ ‘vượt rào’ để chấm dứt việc dưới quyền Bộ Chính trị?
Câu hỏi đặt ra: trước thềm ký kết EVFTA, liệu bằng quyền lực của Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc có thể yêu cầu trả tự do cho tất cả những công dân bị kết án vì ‘bất đồng chính kiến’ với đảng cộng sản Việt Nam? Lưu ý, ở đây không đề cập trường hợp vừa bất đồng chính kiến với đảng cộng sản, vừa chống Chính phủ Việt Nam.
Ở Việt Nam, Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, với tính cách là cơ quan hành pháp, đồng thời phải thực hiện chức năng quản lý điều hành tất cả các mặt của đời sống xã hội.
Như vậy, xem ra câu trả lời ở đây hoàn toàn phụ thuộc vào việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn chứng minh với thế giới rằng Việt Nam minh bạch và dân chủ đến đâu, thông qua việc xem xét trả lại quyền tự do cho tất cả các công dân vì bất đồng chính kiến với đảng cộng sản Việt Nam mà phải chịu cảnh lao tù.