Diệp Chi
(VNTB) – Ít ai còn nhớ rằng ông Vũ Đức Đam từng được Đảng và Nhà nước phân công làm thư ký cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt…
Lý lịch trích ngang của Vũ Đức Đam viết: “Chuyên môn nghiệp vụ: Điện cơ, Luật, Kinh tế/ Học hàm, học vị: Phó Tiến sỹ Kinh tế thế giới và Quan hệ kinh tế quốc tế”.
Trong suốt thời gian ông đi làm, cũng theo lý lịch được viện dẫn, trước khi vào văn phòng chính phủ, Vũ Đức Đam làm ở Tổng cục Bưu điện. Từ kỹ sư, Công ty xuất nhập khẩu và kỹ thuật Bưu điện cho đến Chuyên viên Ban Phát triển kỹ thuật và Quan hệ đối ngoại, Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam rồi Chuyên viên, Văn phòng Tổng cục Bưu điện. Sau đó là Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Bưu điện.
Với một lý lịch trích ngang như vậy, Vũ Đức Đam là người có kiến thức ít nhiều về kinh tế, thậm chí là cả kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế cũng như những cọ xát thực tế về điện, xuất nhập khẩu, bưu chính viễn thông… trong suốt thời gian ông làm ở Tổng cục Bưu điện.
Tuy nhiên, một thực tế quá rõ ràng, không biết rằng ông phó tiến sỹ kinh tế Vũ Đức Đam đã áp dụng kiến thức lý thuyết cũng như kinh nghiệm thực tế của mình như thế nào, mà thời gian qua, kinh tế của cả miền Nam phải khốn đốn.
“Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”, một phương châm mà ngày xưa Vũ Đức Đam ủng hộ. Tuy nhiên, với TP.HCM, ông lại làm ngược lại. Chuỗi hàng hóa đứt gãy, chi phí vận chuyển tăng lên, đi lại khó khăn, người dân thiếu thốn, doanh nghiệp “gồng mình” chịu trận… là một loạt những hậu quả do quy định siết chặt chỉ thị 16, không cho người dân ra đường do Vũ Đức Đam đưa ra.
“Nhiều người lên tiếng phản ứng 3 tại chỗ, đúng là còn nhiều bất cập, nhưng tui thấy, dù sao đi chăng nữa, vẫn còn hơn mấy cái ông Đam đưa ra. Nếu không tra cứu, tui không nghĩ ông Đam là dân có kiến thức về xuất nhập khẩu và kinh tế cũng như bưu chính. Quá rõ ràng, không thấy bất kỳ một biện pháp nào đưa ra để cải thiện tình hình kinh tế. Toàn đi thị sát rồi nói những cái người khác đã biết, thậm chí còn rành hơn cả ông.
Nếu là người có kiến thức, có kinh nghiệm cũng như tấm lòng yêu thương người dân, nhất là dân nghèo, thiết nghĩ, ông Đam nên đưa ra biện pháp nào cải thiện kinh tế một cách hài hòa, hợp lý. Nên tạo điều kiện cho người lao động được tự do, dễ dàng trong đi lại. Đặc biệt, ông nên tập trung vào công việc được phân công trong lần bùng dịch lần này, ứng dụng, vaccine và giáo dục. Đừng có ‘hà rứa’ vào chuyện người ta.
Không biết rằng, với những biện pháp, chính sách, yêu cầu của Vũ Đức Đam đưa ra đối với thành phố nói riêng cũng như các tỉnh miền Nam nói chung xuất phát từ việc kiến thức, chuyên môn có vấn đề hay do có học thức tốt (dù sao cũng là phó tiến sỹ) nhưng ông vẫn “cố tình” làm vậy, để rồi thiệt hại về kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải tự gánh chịu, người dân là chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Dù là vô tình hay hữu ý, cũng không thể chấp nhận được, nhất là tình trạng đó vẫn còn ảnh hưởng dai dẳng đến tận thời điểm hiện tại (nhiều lao động bỏ về quê, doanh nghiệp đóng cửa, một số “ông chủ lớn” tạm rời Việt Nam), thì nên chăng, có nên xem xét lại vai trò và trách nhiệm của Vũ Đức Đam trong đợt bùng dịch lần này?
Nếu không làm cho “ra ngô ra khoai”, xem ra, quá bất công đối với doanh nghiệp cũng như lao động tại miền Nam. Nhất là Việt Nam lại là đất nước của dân, do dân, vì dân…
1 comment
Rất đồng ý . Đảng cần xem xét ô Vũ Đức Đam đã tắc trách, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng trong phong trào chống dịch như sống chung với giặc này .