Hiền Lương
(VNTB) – Khi nào dân mới hết khổ khi đổ xăng, phải có ai chịu trách nhiệm đi chứ?
Xăng dầu trong nước tiếp tục tình trạng đứt đoạn cung ứng, nhất là ở khu vực phía Nam, khi một số cửa hàng đóng cửa, bán hạn chế, còn doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ than lỗ do chiết khấu (phần chi phí để lại của doanh nghiệp đầu mối, phân phối cho đơn vị bán lẻ) xuống thấp, thậm chí bằng 0.
Theo báo cáo mới đây của Sở Công thương TP.HCM, tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố đã dần ổn định. Cụ thể, tính đến ngày 25/10, trên địa bàn TP.HCM có 15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, 60 thương nhân phân phối, 01 thương nhân làm tổng đại lý, 29 đại lý bán lẻ và 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Hệ thống kho dự trữ xăng dầu hiện nay trên địa bàn TP.HCM có công suất chứa khoảng 1,2 triệu m3. Trong khi đó, tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu bình quân trên địa bàn Thành phố đạt 6.880 m3/ngày (tương đương 206.404 m3/tháng).
“Hiện nay, thị trường xăng dầu thành phố cơ bản ổn, việc thiếu hụt xăng dầu so với những ngày trước đã giảm. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có đăng ký mua xăng nhưng đơn vị cung cấp cũng thiếu hoặc không còn xăng để cung cấp. Tính đến 15 giờ 00 ngày 25/10/2022, trên địa bàn thành phố có 49/550 cửa hàng tạm hết mặt hàng xăng”, văn bản báo cáo của Sở Công thương TP.HCM nêu.
Một thương nhân phân phối tại Đông Nam Bộ cho hay theo báo giá của Công ty Phúc Lâm Petro cho các đại lý tại kho Nhà Bè, chiết khấu cho dầu DO là 200 đồng/lít, xăng RON95 là 100 đồng/lít. Với mức chiết khấu này, các đại lý phải chịu lỗ cước vận chuyển, tiếp tục thua lỗ, chưa kể nguồn hàng cấp ra nhỏ giọt khiến nhiều cửa hàng bán lẻ rơi vào tình trạng hết hàng.
Nhiều doanh nghiệp xăng dầu miền Bắc cũng cho biết không thể mua được hàng mặc dù chấp nhận mức chiết khấu 0 đồng. Theo một thương nhân phân phối xăng dầu tại Hà Nội, dù giá xăng dầu được tăng tiếp từ phiên điều hành ngày 21-10, nhưng các đầu mối vẫn bán ra nhỏ giọt. Các kho đều báo mức chiết khấu 0 đồng nhưng cũng không lấy được hàng.
“Tình trạng này cứ diễn ra dai dẳng suốt mấy ngày nay mà không thể chấm dứt mặc dù các bộ ngành đều khẳng định đủ hàng, không thiếu hàng. Bộ Công Thương đã họp với các doanh nghiệp đầu mối, cung cấp thông tin đủ hàng, doanh nghiệp sẽ cấp hàng ra, nhưng không hiểu sao nguồn trên thị trường vẫn thiếu, chúng tôi chỉ cầm cự được một thời gian chứ tình trạng này doanh nghiệp bán lẻ khó khăn quá”, vị này cho biết.
Nói một cách hoa mỹ thay cho sự bực bội, thì nghịch cảnh của thị trường xăng dầu hiện tại là mặc dù người dân trả tiền mua hàng sòng phẳng, nhưng phải gánh chịu mọi buồn vui lỗ lãi từ doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối cho tới cửa hàng bán lẻ. Họ cũng gánh luôn cả sự bối rối, loay hoay của cơ quan quản lý, thậm chí có lúc còn bị “đổ lỗi” góp phần gây nên tình trạng lộn xộn trên thị trường này.
Do chưa tìm ra trúng những nút thắt ở đâu nên các giải pháp ứng xử của quản lý nhà nước chuyên trách cho đến lúc này vẫn loay hoay các biện pháp can thiệp nhiều hơn, vẫn chủ yếu xoay quanh giải pháp mang tính mệnh lệnh hành chính như hô hào, kiểm tra, xử phạt, rút giấy phép…
Những giải pháp điều tiết kinh tế cốt lõi ra sao thì các vị bộ trưởng vẫn không nêu ra được. Tệ hơn, khi đọc các phát biểu của những vị bộ trưởng này, người ta thấy họ đổ lỗi qua lại cho nhau, và ‘bề trên tối thượng’ ở đây theo Điều 4 của Hiến pháp là Bộ Chính trị thì vẫn chọn im lặng – một sự im lặng của bất lực, khi mà nhân sự điều hành dường như cũng ‘kém tài’ (!?).
Minh chứng cho nhận xét có phần nặng lời ở trên, đó là tại văn bản số 7220/VPCP-KTTH ngày 27/10/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính “đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất giải pháp điều hành xăng dầu để trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp, tích cực xử lý, bảo đảm kịp thời, hiệu quả (đây là vấn đề dư luận quan tâm và liên quan trực tiếp đến người dân)”.
Trước mắt cho thấy nhìn lại thì có lẽ không ở lĩnh vực nào mà khách hàng, vốn được mệnh danh là “thượng đế”, lại khổ như thị trường xăng dầu. Nơi mà trăm dâu đổ đầu… thượng đế, nhưng rồi họ chỉ còn biết chờ đợi giống như Thủ tướng Chính phủ cũng đang chờ đợi như nội dung của văn bản 7220/VPCP-KTTH.