Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phạm Minh Chính chỉ đóng trò Nói vậy mà không là vậy thay cho Nguyễn Phú Trọng! (Bài 3)

Quốc tang Lê Khả Phiêu

Âu Dương Thệ

 

Phần II: Ba ông „cố vấn“ và giải pháp Lê Khả Phiêu

 

Cuộc tranh chấp quyền lực giữa cánh Đỗ Mười-Lê Đức Anh với Võ Văn Kiệt dẫn tới khủng hoảng trầm trọng về nhân sự trong ĐH 8 qua việc mô hình nhân sự Đào Duy Tùng-Nguyễn Hà Phan bị tan vỡ ngoài dự tính của Đỗ Mười-Lê Đức Anh. Việc này tạo ra một lỗ hổng chính trị rất lớn ở cấp cao nhất. Vì cả hai người này đều đã quá già không thể đảm nhiệm chức vụ lâu được nữa, đặc biệt sức khỏe của Lê Đức Anh rất sa sút, nhưng mặt khác chưa có những người có thể thay thế họ ngay. Chính lỗ hổng chính trị này cũng gây nên những giành giật quyền hành ngay trong nội bộ cánh bảo thủ. Liền sau ĐH 8 kết thúc có những tín hiệu cho thấy chiều hướng này. Mô hình Ban thường vụ BCT và chính phủ mới do Đào Duy Tùng và Nguyễn Hà Phan dự tính đã tan vỡ nên giải pháp vá víu vào phút chót phải đưa Lê Khả Phiêu làm người chính trong Ban thường vụ BCT chưa thuyết phục được ở trung ương. Trong dịp lễ Quốc khánh 2.9.1996 tuy Lê Khả Phiêu được xếp ngồi cạnh Đỗ Mười để muốn bắn tin cho dư luận biết là ai sẽ là người kế vị Đỗ Mười.(1) Nhưng chính vào thời điểm đó lại cho thấy, Lê Khả Phiêu cũng còn phải tranh giành với một số nhân vật ngay trong Quân đội. Cuối tháng 9 đầu tháng 10.96 đoàn cán bộ lãnh đạo Tổng cục Chính trị quân đội Lào thăm VN do Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Lào cầm đầu, một nước CS có quan hệ đặc biệt với CSVN. Theo nguyên tắc ngoại giao vẫn được HN đặt trọng là, người trưởng phái đoàn phía VN phải là người có chức vụ tương đương với trưởng phái đoàn ngoại quốc tới thăm. Nhưng khi tường thuật cuộc hội đàm của hai phái đoàn thì tờ Nhân dân chỉ ghi là đã hội đàm với „Tổng cục Chính trị“ QĐND VN và không nêu tên Lê Khả Phiêu hoặc các phụ tá của ông. Mặc dầu trước đó đoàn này đã được cả Đỗ Mười và Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê tiếp.(2) Lí do nào khiến cho Lê Khả Phiêu vắng mặt, vì đau ốm hay vì vào lúc đó Lê Khả Phiêu không còn nắm chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị? 

 

Sự kiện thứ hai quan trọng hơn: Quân ủy Trung ương và bộ Quốc phòng họp „Hội nghị quân chính toàn quân“ trong ba ngày từ 9.-11.10.96 cho gần 400 sĩ quan cao cấp lãnh đạo quân khu, quân chủng, binh đoàn, học viện và các cơ quan của bộ Quốc phòng để truyền đạt các Nghị quyết ĐH 8. Nhưng chỉ một mình Đoàn Khuê, UVBCT và bộ trưởng Quốc phòng, chủ trì hội nghị. Trong khi đó UVBCT kiêm Thường trực BCT và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Khả Phiêu lại vắng mặt. Hội nghị quan trọng như thế nhưng TBT Đỗ Mười với tư cách là Bí thư Quân ủy trung ương (QUTU) và Chủ tịch nước Lê Đức Anh kiêm Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng cũng không dự và cũng không gởi điện chúc mừng. Trong diễn văn Đoàn Khuê đã cho biết „Hội nghị này nhằm thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động trong toàn quân để nhanh chóng đưa Nghị quyết ĐH lần thứ 8 của đảng vào cuộc sống“.(3) Gián tiếp Đoàn Khuê đã cho thấy, trước và sau ĐH 8 đang có rạn nứt trong quân đội, đang có tranh chấp quyền hành giữa một số tướng lãnh. Vào thời điểm đó có những tin cho biết, Đoàn Khuê đang nhòm ngó chức CTN của Lê Đức Anh. Trước ĐH 8 ít tuần Thượng tướng Trần Văn Trà -nguyên thứ trưởng bộ Quốc phòng, phó tư lệnh quân Giải phóng miền Nam và Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Sài gòn (sau 1975)- mất ngày 20.4.1996, nhưng không thành lập ban tang lễ như thường lệ. Chỉ có Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Văn Linh viếng ông tại thành phố HCM.(4) 

 

Sự tranh giành quyền lực giữa hai tướng Đoàn Khuê và Lê Khả Phiêu vẫn tiếp tục tới đầu 1997. Hai ngày trước dịp kỉ niệm „50 năm ngày truyền thống ngành chính sách quân đội“ (26.2. 47 -26.2.97) Cục Chính sách bộ Quốc phòng tổ chức lễ long trọng. Đoàn Khuê vắng mặt, nhưng Lê Khả Phiêu tham dự một mình và đọc thư chúc mừng của Chủ tịch nước (CTN) Lê Đức Anh, người đỡ đầu Lê Khả Phiêu. Vào chính ngày kỉ niệm  Đoàn Khuê cũng cho tổ chức một buổi lễ long trọng và chính Đoàn Khuê trao huân chương Quân công cho ngành này. Đặc biệt đáng lưu ý là nhân dịp đó Đoàn Khuê đã mời  các cựu bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng và cựu Chủ nhiệm Tổng cục chính trị  Chu Huy Mân tới dự. Ai cũng biết, Lê Đức Anh không thích Võ Nguyên Giáp và vài năm trước chính Lê Đức Anh đã tìm cách loại Văn Tiến Dũng và Chu Huy Mân để chiếm bộ Quốc phòng và để Lê Khả Phiêu thay Chu Huy Mân làm Chủ nhiệm Tổng cục chính trị.(5) 

 

***

Mặt trận thứ hai phe Đỗ Mười và Lê Đức Anh phải đối phó tiếp tục trong lúc này là Võ Văn Kiệt. Đặc biệt  sau khi Võ Văn Kiệt bẽ gẫy bất ngờ giải pháp nhân sự Đào Duy Tùng-Nguyễn Hà Phan vào phút chót đã làm Đỗ Mười và cánh bảo thủ rất cay cú. Đối với họ, Võ Văn Kiệt vẫn là cái gai nguy hiểm cần phải nhổ đi. Vì thế liền sau ĐH 8 một số nhân vật đã liên tục tung ra nhiều bài trên cơ quan lí tuận và tư tưởng của TUĐ, tờ TCCS, luân phiên tấn công Võ Văn Kiệt. Liền sau khi ĐH 8 kết thúc ít ngày Phó Tổng biên tập TCCS Tiến Hải (một bút hiệu) đã mở màn hiệp hai tấn công Võ Văn Kiệt. Trong TCCS số 14, tháng 7.96 Tiến Hải lại chĩa mũi chỉ trích với những ngôn ngữ kết án mạnh việc ông Kiệt trong Thư gởi BCT 9.8.95 đề nghị từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ:

 

„Đảng ta đã nhiều lần khẳng định, tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức sinh hoạt đảng, nằm ngay trong bản chất của đảng, là một tiêu chí để phân biệt đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, đảng cách mạng chân chính với các đảng khác. Phủ nhận nguyên tắc này là phủ nhận đảng từ bản chất. Xóa bỏ nguyên tắc này là phá hoại sức mạnh của đảng từ gốc. Kinh nghiệm cho thấy, ở đâu và lúc nào đảng xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ thì đảng không còn sức mạnh (hoặc rơi vào độc đoán chuyên quyền, hoặc trở thành câu lạc bộ mở đường cho chủ nghĩa cơ hội, bè phái vô chính phủ đủ loại hoạt động, cuối cùng làm tan rã đảng về tổ chức, cũng tức là thủ tiêu bản thân đảng). Kẻ địch đang rất muốn và thường xuyên kích động chúng ta làm điều đó. Thực tế đã có không ít ĐCS bị rối loạn hoặc tan rã chỉ vì hạ thấp nguyên tắc tập trung dân chủ, sa vào cái bẫy „đa nguyên, đa đảng“. (6)

 

Trong TCCS số 20 (10.96) Tiến Hải còn kết án rõ hơn nữa, nêu ra câu hỏi ai là người tung luận điệu chống tập trung dân chủ và phá hoại đoàn kết trong đảng? Theo ông, đó là „những cán bộ lãnh đạo chủ chốt“. Vì thế Phó Tổng biên tập Tạp chí tư tưởng và lí luận của TUĐ đã đòi „phải xử lí kịp thời, nghiêm khắc“ nghĩa là „phải thay đổi ngay những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu“.(7) Dùng ngôn ngữ chỉ trích gay gắt và lối lí luận kết tội Võ Văn Kiệt như thế có khác nào khuyến cáo ông Kiệt nên ra khỏi đảng bằng cách này hay cách khác, đồng thời ủng hộ cho giải pháp để Võ Văn Kiệt thôi làm TT. 

 

Cũng trên TCCS số 19 (10.96) Trung tướng GS Trần Xuân Trường, Giám đốc Học viện Chính trị Quân sự, cơ quan đào tạo sĩ quan cấp cao về chính trị của QĐND và trực tiếp dưới quyền Tổng cục Chính trị của Lê Khả Phiêu, cho biết có những khác biệt lập trường trong nhiều vấn đề cơ bản:

„Những sự khác nhau đó không chỉ trên những vấn đề cụ thể, mà trên cả một số vấn đề cơ bản có ảnh hưởng đến việc hiểu và thực hiện đường lối của đảng, liên quan tới định hướng phát triển của đất nước.“ (tr.21)

Tiếp theo tướng Trường nói rõ hơn, khác biệt nằm ở lãnh vực nào:

„Trong khi quan điểm của đảng là phát triển kinh tế nhiều thành phần, nhưng phải coi trọng xây dựng  kinh tế quốc doanh và hợp tác xã để quốc doanh đóng vai trò chủ đạo và cùng với kinh tế hợp tác xã là nền tảng nền kinh tế quốc dân, thì không thể truyền bá quan điểm cho rằng, chỉ có mở rộng tối đa kinh tế tư nhân tư bản chủ nghĩa, thu hẹp kinh tế quốc doanh đến mức tối thiểu thì mới hòa nhập được vào kinh tế thế giới, khắc phục được sự tụt hậu của mình“ (tr. 22)

Rõ ràng những chỉ trích trên đây là nhắm vào nội dung Thư gởi BCT của Võ Văn Kiệt. Vì vậy Trần Xuân Trường đòi:

„Về những vấn đề lí luận có liên quan trực tiếp đến sự thống nhất ý chí và hành động thực hiện đường lối của đảng thì cần phải có cách xử sự khác. Nếu không chúng ta sẽ rơi vào chủ nghĩa vô nguyên tắc. Cơ quan lãnh đạo của đảng cần chỉ ra những vấn đề gì được tiếp tục thảo luận rộng rãi, những vấn đề gì phải nói và làm thống nhất theo một định hướng tư tưởng chính trị đã được xác định (tr.21)

Cuối cùng Giám đốc Học viện Chính trị Quân đội đã đi đến kết luận đanh thép:

„Thực tiễn chứng tỏ, trên vấn đề hệ tư tưởng, không thể có bất cứ sự thỏa hiệp nào. Chúng ta cần và có thể tiếp thu một cách có phê phán những yếu tố tiến bộ đúng đắn của những trào lưu  ngoài Ma-xit để làm giầu cho mình, nhưng không thể có nhượng bộ thỏa hiệp về quan điểm và lập trường tư tưởng, không thể dung hòa quan điểm đúng với quan điểm sai trái. Sự dung hòa và thỏa hiệp đó chỉ có hại, làm hỗn loạn chính trị, tư tưởng và tổ chức của đảng“ (tr.22)(8)

 

Trên tạp chí QPTD số 11.96 Thượng tướng Đặng Vũ hiệp, phụ tá của Lê Khả Phiêu, tuy không nêu đích danh cũng kết án Võ Văn Kiệt có „quan điểm thù địch phủ nhận và hạ thấp vai trò lãnh đạo của đảng“.(9) Cả Vũ ngọc Lân, bút hiệu của một cán bộ cấp cao, đã viết bài „Nguyên tắc tập trung dân chủ-một biểu hiện sức sống của đảng“ trên TCCS số cuối năm 1996, còn kết án Võ Văn Kiệt thẳng hơn nữa về việc ông Kiệt trong Thư gởi BCT đòi bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ:

 

„Lâu nay các thế lực thù địch luôn luôn tập trung sức tấn công nhằm phủ nhận, phê phán, xuyên tác nguyên tắc tập trung dân chủ, một nguyên tắc rất cơ bản của ĐCS. Bọn chúng thường cho rằng: Nguyên tắc tập trung dân chủ đến nay đã lỗi thời; cái gọi là „dân chủ“ chỉ là „hình thức và lí thuyết“, còn thực tế là „độc đoán“, „chuyên quyền“ của một trung tâm; trong nguyên tắc này, không thể có sự tồn tại, „chung sống“ giữa tập trung với dân chủ, „nhốt“ chung vào một „rọ“ chúng sẽ „giết chết“ lẫn nhau, mà cụ thể là cái tập trung sẽ „giết chết“ cái dân chủ.“(10)

 

Việc để một số tướng và một số nhà lí luận cấp cao viết nhiều bài liên tiếp trong nhiều tháng liền sau ĐH 8 trên hai tạp chí hàng đầu của đảng là TCCS và QPTD đã chứng tỏ Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Lê Khả Phiêu đã có chủ ý rất rõ ràng là hạ uy thế của Võ Văn Kiệt và cô lập vây cánh của ông trong đảng với mục tiêu là cưỡng bức ông phải rời vai trò làm TT.

 

Việc đánh thành phần cấp tiến chung quanh Võ Văn Kiệt và tranh giành quyền lực ngay trong cánh bảo thủ giữa Đoàn Khuê và Lê Khả Phiêu diễn ra đúng vào lúc Lê Đức Anh đau nặng và cuộc nổi dậy của nông dân cũng như cán bộ về hưu ở Thái bình cùng nạn đói lại xuất hiện ít nhất trên 15 tỉnh vào đầu năm 1997, do hậu quả của nạn lũ lụt ở đồng bằng Cửu long và cả miền Bắc vào hè-thu năm trước. Từ sau ĐH 8 hầu như Lê Đức Anh đã không xuất hiện. Trong dịp đón tiếp Tổng thống Nam Hàn Đỗ Mười đã phải đóng vai CTN  vì Lê Đức Anh đau.(11) Nhiều dịp quan trọng khác cũng không thấy Lê Đức Anh xuất hiện, như lễ Kỉ niệm 50 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (12.1946-12.1996) và dịp Nguyễn Hữu Thọ mất cuối 12.1996.(12) Mãi tới đầu tháng 2.1997 vào dịp sinh nhật bát tuần của Đỗ Mười mới đưa tin và ảnh là „Lê Đức Anh đang bình phục“ và Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Lê Khả Phiêu thăm.(13) Cũng vào dịp này Đào Duy Tùng được trao tặng Huy hiệu 50 tuổi đảng, nhưng không đưa hình và cũng không phát biểu, có lẽ ốm nặng.(14) Mãi tới kì họp thứ 11 của QH vào đầu tháng 4.97 mới thấy Lê Đức Anh xuất hiện bên cạnh Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt và Nông Đức Mạnh.(15) 

 

Đáng chú ý là, trong dịp này Võ Văn Kiệt đã không đọc báo cáo trước QH với tư cách là TT như thường lệ, Phan Văn Khải đã đọc thay. Tiếp theo đó trong cuộc họp nội các vào 28-29.5 Võ Văn Kiệt vừa từ Hung trở về sáng 29.5 nhưng không dự, trong khi đó Trần Xuân Giá trong phái đoàn của Võ Văn Kiệt trở về đã tham dự ngày chót họp nội các.(16) Giữa tháng 6 HNTU 3 đã họp trong 10 ngày để bàn về „công tác cán bộ“.(17) Vài ngày sau công bố danh sách 664 ứng cử viên QH khóa 10, nhưng cả ba Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt không có tên trong danh sách. Như vậy có nghĩa là, theo Hiến pháp Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt sẽ không ra tái tranh cử Chủ tịch nước và Thủ tướng trong nhiệm kỳ tới.(18) Theo Hiến pháp, CTN và TT được bầu từ các đại biểu của QH.

 

Cùng với việc thoái lui của ba nhân vật trên, người ta thấy cũng trong thời gian này vị thế và vai trò của Lê Khả Phiêu lên cao rất mạnh. Rõ rệt nhất tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc về công tác chính trị nội bộ và nghiên cứu NQ 8 họp ngày 26.-29.12.96 cho 330 bí thư, phó bí thư tỉnh-thành, ban cán sự, đảng ủy khối, trưởng và phó các ban trung ương đã do một mình Lê Khả Phiêu chủ trì, Đỗ Mười tới phát biểu ý kiến, trong đó ghi thêm chức vụ mới của Lê Khả Phiêu là Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ.(19) Đặc biệt tờ Nhân dân xếp phần nói của Lê Khả Phiêu trước Đỗ Mười và dùng các từ ngữ „phân tích sâu sắc“ cho Lê Khả Phiêu, trong khi ấy chỉ dùng từ „biểu dương“ khi nói tới phát biểu của Đỗ Mười. Tiếp đó, sau Tết Đinh Sửu Lớp nghiên cứu NQ ĐH 8 được các ban Tư tưởng Văn hóa, Tổ chức và Học viện chính trị quốc gia HCM tổ chức cho gần 700 cán bộ lãnh đạo các ban, ngành ở trung ương, các tỉnh-thành trên toàn quốc. Nguyễn Đức Bình, phụ trách „công tác tư tưởng văn hóa và khoa giáo trung ương“ và tân Trưởng ban Tổ chức trung ương Nguyễn Văn An đồng chủ trì hội nghị, nhưng Lê Khả Phiêu là người phát biểu chính. 

 

Đây có lẽ là việc chuẩn bị cho HNTU 3 sắp tới về công tác cán bộ ở cấp cao, đồng thời để cho dư luận trong và ngoài đảng hiểu là, Lê Khả Phiêu đã nắm chủ động. Điều này cho thấy, sau một số tháng tranh giành quyền lực thì vào thời điểm đó Lê Khả Phiêu đã thắng các đối thủ chính trị trong đảng, không chỉ với phe cấp tiến mà ngay trong nội bộ phe bảo thủ, do sự ủng hộ của Lê Đức Anh và Đỗ Mười. Để chứng tỏ là người có uy quyền nên trong diễn văn quan trọng này Lê Khả Phiêu đã dùng cả ngôn ngữ kẻ cả, ra lệnh chấm dứt các tranh cãi trong nội bộ và phải thi hành các NQ của ĐH 8:

 

„Đối với cán bộ lãnh đạo của đảng, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cao, yêu cầu đó đặt ra càng cao [ý ở đây là „thống nhất tư tưởng và hành động“]. Vì vậy BCT quyết định bồi dưỡng cho các đồng chí tại lớp học này một số vấn đề mấu chốt nhất, về tri thức lí luận cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng HCM, về truyền thống tốt đẹp của dân tộc… để giúp hiểu sâu thêm cơ sở lí luận của đường lối, đồng thời với việc nghiên cứu có hệ thống đường lối, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ do ĐH đề ra. Qua đó nâng cao bản chất chính trị, sự vững vàng về quan điểm lập trường, nâng cao niềm tin có cơ sở khoa học, đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng và đường lối của đảng.“(20) 

 

Nếu theo dõi quan lộ của Lê Khả Phiêu thì thấy, chỉ trong một vài năm từ một tiểu tướng vô danh ông đã trở thành một người có quyền lực lớn nhất từ đầu 1997. Cho tới giữa thập niên 80 Lê Khả Phiêu mới chỉ có quân hàm Thiếu tướng và phụ tá của tướng Lê Đức Anh trong chiến trường Campuchia. Nhưng từ khi Lê Đức Anh có quyền lực mạnh thì Lê Khả Phiêu cũng được giao cho những vai trò quan trọng. Đáng để ý là trong thời gian quyền hành của cặp Lê Đức Anh-Lê Khả Phiêu vươn lên thì cũng xẩy ra những cái chết bí hiểm và nhiều biến động trong quân đội. Sau cái chết đột ngột và đầy bí ẩn của hai đại tướng  có uy tín cao trong quân đội lúc đó là Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn, tới việc hai đại tướng Văn Tiến Dũng và Chu Huy Mân, đương kim bộ trưởng Quốc phòng và Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, không được cử làm đại biểu dự ĐH 6 (12.86). Sau nhờ sự vận động của một số UVBCT  nên ông Dũng được cử làm đại biểu dự khuyết. Lê Đức Anh đã được bầu vào BCT và thay Văn Tiến Dũng làm bộ trưởng Quốc phòng. Lê Khả Phiêu được chỉ định làm Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị, rồi được bầu làm Ủy viên Trung ương tại ĐH 7 (1991) và Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, một chức vụ rất quan trọng trong quân đội. Chỉ một năm sau Lê Khả Phiêu được cử vào BBT và phụ trách lãnh vực an ninh nội chính. Đây là lãnh vực rất quan trọng, nó kiểm soát an ninh ở cấp cao nhất (BCT, BBT, TUĐ). Cũng vào thời gian này Lê Đức Anh nắm chức CTN. Tại HNTU 6 chuẩn bị cho Hội nghị Đại biểu toàn quốc (1.94) Lê Khả Phiêu được bầu bổ túc vào BCT. Như vậy chỉ nội ba năm Lê Khả Phiêu đã từ một tiểu tướng trở thành một người có quyền lực rất lớn cùng với quyền bính lên cao của Lê Đức Anh, người phù trợ Lê Khả Phiêu.(21) 

 

Vào thời điểm đầu 1997 một mình Lê Khả Phiêu nắm rất nhiều chức vụ: Ủy viên BCT, Thường trực BCT, Ủy viên thường vụ Đảng ủy QSTU –cơ quan tối cao của QĐND, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ trung ương (các ngành nội chính, nội vụ, thanh tra, kiểm sát, tư pháp, tòa án và hải quan). Có thể nói từ trước tới nay trong ĐCSVN chưa có một nhân vật nào –kể cả HCM, Trường Chinh, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ- cùng một lúc lại nắm nhiều chức vụ quan trọng như Lê Khả Phiêu.  Điều này phản ảnh sự tham quyền và tính đa nghi của Lê Khả Phiêu và Lê Đức Anh.

 

***

 

Tại kỳ họp đầu tiên của QH Khóa 10 vào cuối tháng 9.97 đã bầu lại các cơ quan nhà nước. Trần Đức Lương thay Lê Đức Anh làm CTN, Nông Đức Mạnh thân tín của Đỗ Mười vẫn tiếp tục làm Chủ tịch QH, Phan Văn Khải thay Võ Văn Kiệt làm TT và thành lập chính phủ mới, trong đó số PTT từ 3 tăng lên 5. Đây là cách giảm quyền hành của Phan Văn Khải.(22) Cũng vào thời điểm này một số nguồn tin cho biết, có thể Nguyễn Văn An hoặc Nông Đức Mạnh sẽ thay Đỗ Mười làm TBT.(23) Nhưng tại HNTU 4 vào cuối tháng 12.97 (22-29.12. 1997) thì Lê Khả Phiêu đã chính thức trở thành TBT. Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng và Võ Chí Công thôi „cố vấn BCHTU“ và Đỗ Mười, Lê Đức Anh,Võ Văn Kiệt thay. Nhân dịp này ba cựu Cố vấn được trao huy chương Sao vàng! Đồng thời bầu bổ túc 4 người vào BCT là Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, Trưởng ban Dân vận Nguyễn Minh Triết, Chánh Văn phòng trung ương đảng Phan Diễn và Phó Bí thư thành ủy Hà nội Nguyễn Phú Trọng. 

 

Đáng để ý là, trong diễn văn khai mạc khá dài ngày 22.12 –mãi khi Hội nghị kết thúc mới được công bố- Đỗ Mười không giành một chữ nào cho thấy là HNTU 4 sẽ đưa ra quyết định nhân sự cao nhất, chỉ nói về kinh tế, đặc biệt cả việc nông dân tỉnh Thái bình nổi dậy chống chính quyền địa phương.(24)   Vì thế cho tới những ngày đầu của HNTU 4 ngay cả  đại đa số các UVTU cũng không biết Đỗ Mười sẽ rút lui và Lê Khả Phiêu sẽ thay thế. Việc này cho thấy tác phong gia trưởng đối với ngay cả các UVTU của một số người có quyền lực cao nhất. Còn nhân dân thì càng bị mù tịt. Điều này chứng minh một số người cầm đầu chế độ toàn trị đã coi công việc của đảng và đất nước như chuyện riêng của họ, không cần bàn bạc trước trong nội bộ đảng và cũng không thèm thông tin cho nhân dân! Đây chính là cách thể hiện trong thực tế về „dân chủ XHCN“ và „nguyên tắc lãnh đạo tập thể“ của ĐCSVN.

______________

Chú thích:

1. ND 1.9.96

2. ND 1-2.10.96

3. D 12.10.96

4. ND 23-24.4.96. Sau khi sách của Trần Văn Trà „Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm“ xuất bản liền bị nhiều UVBCT chỉ trích, đặc biệt là Lê Đức Thọ và Văn Tiến Dũng. Sau đó sách của ông bị tịch thu.

5. ND 25., 27.2.96

6. Tiến Hải, xây dựng đảng là nhiệm vụ then chốt, TCCS số 14, 7.96, tr.12

7. TCCS số 20, 10.96, tr 15-18

8. TCCS số 19, 10.96

9. QPTD số 11.96, tr-20-23

10. TCCS số 24.96, tr.9

11. ND 21.11.96

12. ND 18.12.96;  30-31.12.96

13. ND 1.2.97

14. ND 1.2.97. Đào Duy Tùng mất giữa tháng 6.98, ND 14.6.98

15. D 3.4.97

16. ND 30.5.97

17. ND 11, 19.6.97

18. ND 23.6.97

19. ND 2.1.97.

20. ND 18.2.97

21. Nguyễn Nam, Phe Lê Khả Phiêu tấn công Võ Văn Kiệt; Lê Thanh Duy, nội tình phe bảo thủ: Đồng sàng dị mộng; Nguyễn Thế An, thế của Võ Văn Kiệt, DC&PT số 9, 5.97

22. ND 21, 25, 26, 30.97

23. FEER 29.9.97, tr.16

24. ND 23, 30.12.97


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Công an và chính trị trấn áp từ giai cấp quyền lực

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Khi nào Việt Nam bước vào đỉnh dịch Covid lần 2?

Phan Thanh Hung

VNTB – Ngày Độc Lập 2/9/1945

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo