Hoài Nguyễn
(VNTB) – Tin tức về người tù không được khám chữa bệnh về răng miệng như trường hợp của ông Phạm Chí Dũng, cho thấy dấu hiệu của việc Nhà nước Việt Nam đang vi phạm luật nhân quyền.
Quyền được chăm sóc sức khỏe, trước đây chưa được quan tâm thích đáng, chỉ nằm trong nội hàm của quyền được có mức sống thích đáng nêu ở Điều 25 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR, 1948), theo đó, mọi người có quyền được hưởng một mức sống thích đáng, đủ để bảo đảm sức khỏe và phúc lợi của bản thân và gia đình, về các khía cạnh ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết…
Điều 12 ICESCR (Công ước Quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, 1965) được coi là quy định pháp luật quốc tế toàn diện nhất về quyền được chăm sóc sức khỏe. Theo Điều này, mọi người có quyền được hưởng một tiêu chuẩn sức khoẻ về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể được.
Liên quan đến Điều 12 ICESCR, Ủy ban về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa đã giải thích một cách khá toàn diện và chi tiết về quyền này trong Bình luận chung số 14 thông qua tại phiên họp lần thứ 22 năm 2002 của Ủy ban, theo đó, nghĩa vụ tôn trọng đòi hỏi các quốc gia không được từ chối hay hạn chế tất cả mọi người, kể cả các tù nhân hoặc người bị giam giữ, người thiểu số, người xin tỵ nạn và người nhập cư bất hợp pháp, việc tiếp cận bình đẳng các dịch vụ y tế dự phòng, chữa trị và giảm đau.
Quyền được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm của những người bị tước tự do được quy định trong Điều 10 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR). Theo Điều này, những người bị tước tự do phải được đối xử nhân đạo với sự tôn trọng nhân phẩm vốn có của con người. Việc đối xử nhân đạo và với sự tôn trọng nhân phẩm của những người bị tước tự do là một nguyên tắc cơ bản về quyền con người trong tố tụng hình sự mà đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới.
Các quốc gia thành viên phải áp dụng nguyên tắc này như một yêu cầu tối thiểu, không phụ thuộc vào nguồn lực sẵn có của quốc gia và không mang tính phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào
Những nội dung trên được trích dẫn từ Giáo trình Lý luận và Pháp luật về Quyền con người, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà xuất bản Chính trị quốc gia 2009.
Điều 55 của Luật thi hành án hình sự 2019 quy định về chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân. Theo đó, phạm nhân bị ốm, bị thương tích thì được khám bệnh, chữa bệnh và điều trị tại cơ sở y tế của trại giam, trại tạm giam hoặc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước nơi gần nhất.
Trường hợp phạm nhân bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó thì được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên để điều trị; trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự phải thông báo cho thân nhân hoặc đại diện của người đó biết để phối hợp chăm sóc, điều trị. Chế độ ăn, cấp phát thuốc, bồi dưỡng cho phạm nhân do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định.
Việc tù nhân bị ngược đãi dẫn đến sức khỏe suy sụp là điều không lạ ở Việt Nam.
“Chị Tạ Phong Tần nói là do cán bộ trại giam ngược đãi tù chính trị, giam chị trong trong phòng giam không có cửa sổ và còn xây tường cao chắn ngang cửa chính. Khí hậu thì nóng có lúc tới 39 độ C, chị không ngủ được, thức trắng đêm. Họ còn tịch thu đồ vệ sinh cá nhân của chị mà không nói lý do” – bà Tạ Minh Tú đã kể với BBC như vậy trong một phỏng vấn hồi tháng 6-2015.
Giờ là tháng 7-2022. Theo lời kể của thân nhân ông Phạm Chí Dũng, thì ông đã không nhận thực phẩm của trại giam để phản đối việc tù nhân chính trị tại trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai không được chăm sóc sức khỏe răng miệng. Theo ông Dũng, những người tù bị kết án theo điều luật hình sự 117, khi đau răng không được thăm khám, có người phải tự lấy đá ghè cho gãy răng để tránh cơn đau nhức.
Ngoài điều kiện sống khắc nghiệt như việc ăn uống không đủ chất đã khiến cho răng của các tù nhân này trở nên suy yếu nhanh sau một thời gian bị giam giữ: răng yếu không nhai được, nướu răng viêm nhiễm không được điều trị, răng đau gây sưng đỏ hàm-mặt và đau đớn…
Tin tức cho biết, bức xúc về lối hành xử phân biệt mang tính đàn áp tinh thần này của cán bộ trại giam, ông Dũng đã yêu cầu gia đình phải lập tức đưa tin về việc này đến các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.
Do yêu cầu được thăm khám sức khỏe răng miệng cho đến nay vẫn chưa được đáp ứng, nên vẫn không biết việc từ chối nhận thực phẩm này của ông Phạm Chí Dũng sẽ còn tiếp tục kéo dài thêm bao lâu nữa. Tuy nhiên với tình trạng sức khoẻ như vậy thì đây là điều rất đáng báo động.