Thiên Điểu
(Phản biện bài viết trên báo QĐND Phần II- Tiếp theo bài trước)
Tư cách của họ Vẹt
(VNTB) – Công bằng mà nói, bài viết của Lê Hồng là một phản ánh chung cho trình độ tuyên huấn hiện nay ở VN. Các lý luận chính trị, đối sách và phản ứng trên mặt trận tư tưởng của ĐCSVN ngày càng lúng túng, sa sút về mặt ý nghĩa chính trị và phản tác dụng.
Từ “không chia rẽ” sau thống nhất quyền lực trên địa lý tới chia rẽ không biên giới
Nói tiếp chủ đề về việc có hay không sự chia rẽ trong ĐCSVN. Tác giả Lê Hồng lấy một lý do hết sức ngô nghê rằng “khi đất nước đã thống nhất thì làm gì còn chia rẽ”. Lê Hồng đã quên rằng: Ngay trong công cuộc thống nhất bằng bạo lực năm 1975, các tài liệu, hồi ký của nhiều quan chức, tướng lĩnh cao cấp của ĐCS đã thừa nhận thực trạng có nhiều sự chia rẽ, bất đồng dẫn tới những xung đột, mâu thuẫn không ít trong giới lãnh đạo về chiến lược lẫn quan điểm về cuộc chiến thống nhất Nam-Bắc.
Tạm bỏ qua vấn đề mâu thuẫn trong quan hệ nội bộ Đảng lúc đó, đơn giản vì một tổ chức bất kỳ, vấn đề mâu thuẫn phát sinh là tất yếu. Nhưng lấy việc thống nhất trên mặt địa lý là mệnh đề để khẳng định “không có chia rẽ” trong ý thức con người là một lý luận hết sức khập khễnh, vô lý nếu không nói là ngớ ngẩn!
Đối với vấn đề tư tưởng của cộng đồng người Việt hải ngoại, tác giả bài viết tiếp tục đưa ra những suy luận phiến diện để quy nạp ý thức hệ. Trong đó rõ ràng thể hiện chủ ý buộc tội những người Việt ở hải ngoại là cực đoan, chia rẽ. Không hề biết rằng người Việt hải ngoại phải đáo xứ ly hương là nỗi đau của cả dân tộc chứ không riêng gì chỉ mấy triệu người xa đất nước. Ở đây, Lê Hồng có vẻ như không biết cả kế hoạch hòa giải dân tộc mà ĐCSVN đang muốn thực hiện? Nếu vậy thì không lẽ chính tác giả Lê Hồng không nhận ra chính mình lại đang sa vào cực đoan, chia rẽ?
Trong mục 3, tác giả Lê Hồng dành khá nhiều câu chữ cho phản biện ý kiến cho rằng “Đảng lãnh đạo mắc sai lầm trong việc kiên định quá lâu mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Xô-viết của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, một mô hình lạc hậu của một hệ thống tư tưởng lỗi thời và từ lâu đã bị xếp vào kho tàng lịch sử, làm cho Việt Nam tuy đã có gần 40 năm hòa bình, thống nhất, song đến nay vẫn trì trệ, suy thoái”, “hiện đang bên bờ khủng hoảng”(!).
Vậy Lê Hồng không thừa nhận VN “không trì trệ, suy thoái, đang bên bờ khủng khoảng”? Vậy thử so sánh VN với Campuchia – đất nước bên bờ diệt chủng đi sau VN mấy năm bây giờ ra sao? Không trì trệ mà thua sút thế giới hàng trăm năm, đến cái giáo trình lớp vỡ lòng cũng phải nhập khẩu của Trung Quốc? Không suy thoái mà doanh nghiệp nợ lương, phá sản, nhà nước nợ bảo hiểm, ngân sách phải đi vay để ăn? Không khủng khoảng mà phải đi vay nợ để trả nợ? Theo Lê Hồng thì thế nào mới là “trì trệ; suy thoái; khủng khoảng..” ??
Điều ghi nhận duy nhất của người dân VN là ĐCSVN đã “sáng tạo” và “phát triển” học thuyết Mác-Lê phù hợp với thực tiễn..”. Đó là đẻ ra cái gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa”, không hình, không bóng, “không biết hết thế kỷ này đã thấy chưa” để đính thêm vào cái áo học thuyết CNCS của Mác-Ăngghen. Ngoài ra không thấy điều gì khác (!)
Hài hước hơn, Lê Hồng lấy chứng minh các “thành công của Đảng” bằng các nghị quyết.. trên giấy(!?) Những thứ mà mỗi kỳ họp Quốc hội hay cả chính của Đảng đều nhắc đi nhắc lại hết năm này qua năm khác là “không đạt chỉ tiêu; chưa hiệu quả..”. Xem ra danh từ “mọt giấy” chưa chính xác vì mọt không ăn giấy mục (!)
Nói rằng “Khi đánh giá chủ nghĩa Mác – Lê-nin, cần phân biệt những giá trị bền vững của những nguyên lý cơ bản của nó với một số luận điểm cụ thể của Mác, Ăng-ghen, Lê-nin đúng trong thời đại của các ông nhưng đã bị lịch sử vượt qua trong điều kiện mới của thời đại, nhất là không được lẫn lộn chủ nghĩa Mác – Lê-nin với những nhận thức sai và làm trái với chủ nghĩa Mác – Lê-nin của những người lãnh đạo Đảng này hay Đảng khác, ở nước xã hội chủ nghĩa này hay nước xã hội chủ nghĩa khác trước kia hoặc hiện nay”.. nhưng lại khăng khăng khẳng định bằng các dẫn chứng không có bất cứ logic hay cơ sở nào. Bài viết của Lê Hồng nếu không nhằm mục tiêu “lập lờ đánh lận con đen” thì có ý nghĩa gì?
Thay lời kết
Một học thuyết là một công trình thuộc lĩnh vực triết học, được trình bày một cách có hệ thống lý giải những vấn đề liên quan trên cơ sở các giả thuyết được suy niệm có lên kết, liên quan với nhau.
Dù mô hình chính trị theo CNCS đã thất bại và tan rã trên thế giới nhưng Các Mác và Ăng-ghen vẫn được xem là những nhà triết học lớn trên thế giới bởi công trình lý luận về CNCS của họ. Thế giới công nhận điều đó vì học thuyết của họ là một trong những học thuyết có sức ảnh hưởng, sự tác động lớn đến đời sống nhân loại trong thế kỷ 19-20 chứ không phải là nó hữu ích hay có hại.
Một học thuyết hoàn chỉnh luôn có sự liên kết chặt chẽ, xuyên suốt toàn bộ các nội dung. Nó có thể đúng, có thể sai.. nhưng không thể dùng nó theo cách xuyên tạc hay lừa mị.
Nghiên cứu lý luận chính trị là một lĩnh vực khó khăn và phức tạp. Một tờ báo như Quân đội nhân dân lại đăng một bài viết kém chất lượng, lủng củng và khập khễnh đến vậy thì thật đáng thất vọng. Phản biện để bảo vệ uy tín của Đảng nhưng trích dẫn và suy luận thiếu cả những vấn đề cơ bản tối thiểu nhất thì “thương nhau như thế bằng mười hại nhau”.
Công bằng mà nói, bài viết của Lê Hồng là một phản ánh chung cho trình độ tuyên huấn hiện nay ở VN. Các lý luận chính trị, đối sách và phản ứng trên mặt trận tư tưởng của ĐCSVN ngày càng lúng túng, sa sút về mặt ý nghĩa chính trị và phản tác dụng.
Người dân VN ngày nay, nhìn nhậm và đánh giá vấn đề bằng hiện thực mà họ chứng kiến chứ không phải bằng lăng kính hỏa mù bởi những kiểu vòng vo như vậy,
Bài viết này thuần túy phân tích và phản biện lại bài viết của Lê Hồng đăng trên bào QĐND ngày 5/6/2015. Không đề cập tới khía cạnh đúng hay sai của học thuyết Mác-Ăngghen (Mác-Lê).
Link tham khảo:
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/chong-dien-bien-hoa-binh/ve-mot-so-quan-diem-xuyen-tac-phu-nhan-chu-nghia-mac-le-nin-hien-nay/362617.html