VNTB – Phản biện báo CAND: TBCN trỗi dậy, tư bản đỏ cuồng nhiệt

Mẫn Nhi (VNTB) Báo Công An Nhân Dân trong bài viết ngày 15/03 với tiêu đề “Một luận điệu sai lầm và xuyên tạc” của TS Lê Thế Cương (Học viện Chính trị CAND) [1] là một cố gắng trong việc che giấu sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” lớn về mặt chuyên chính trong Đảng, nhưng đó cũng là một lối tư duy lỗi thời.

Với quan điểm đăng bài là nhằm phản bác “luận điệu” của các chuyên giá quốc tế khi đánh giá rằng, “Việt Nam hiện nay, chủ nghĩa tư bản đang diễn ra một cách cuồng nhiệt”. Nhận đinh đây là “một trong những luận điệu mới” nhằm diễn biến hòa bình tại Việt Nam, nhưng bài viết khá yếu ớt về mặt lý luận, trong đó chỉ có một điểm được xem là có điểm nhấn, mà tác giả sử dụng để bác bỏ “Việt Nam đang phát triển theo con đường TBCN”, đó là: yếu tố “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, được đánh là sẽ khiến thị trường vận hành theo quy luật kinh tế nhưng đồng thời “chịu sự chi phối bởi các nguyên tắc, tính nhân văn của CNXH.”.

Bấy lâu nay, khi bàn về một nền kinh tế mang tính chất đầy tính hỗn hợp là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, thì đó là một sự hoài nghi lớn. Lý do, có thực sự tồn tại hiệu quả về mặt “chủ đạo” của nhà nước XHCN trong nắm lấy và vận hành hiệu quả quy luật kinh tế thị trường theo nguyên tắc cung – cầu. Hay đó chỉ là một nguyên tắc “bảo hộ” về mặt nhà nước đơn thuần, làm giảm tính hiệu quả của cạnh tranh, và là tàn tích của nền kinh tế bao cấp vốn bị phá bỏ vào năm 1986?

Thực tế đã chứng minh, cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” đã thiếu hiệu quả trong hoạt động kinh tế, việc cố gắng đưa các doanh nghiệp nhà nước trở thành các tập đoàn chủ đạo để “điều khiển” nền kinh tế thị trường thất bại hoàn toàn. Kinh tế tư nhân, vốn được coi là một thành phần kinh tế đã từng bước thay kinh tế nhà nước làm “chủ đạo”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người từng khát vọng tạo ra hệ Chabol kinh tế trong lĩnh vực kinh tế nhà nước cũng phải thừa nhận sau hai nhiệm kỳ của mình là: kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế.

Đó là sự thừa nhận về hiệu quả kinh tế theo quy luật thị trường đúng nghĩa, loại bỏ hoàn toàn yếu tố định hướng XHCN qua các tập đoàn của nhà nước. Đi xa hơn, ông Thủ tướng cũng đòi hỏi đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu trong khối doanh nghiệp nhà nước – vốn kém về mặt năng lực cạnh tranh, chỉ thiên về mặt kinh doanh trong sự ưu đãi của cơ chế nhà nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người “kế vị” ghế Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh sức bật của nền kinh tế Việt Nam giờ đây, ngoài khu vực FDI ra thì “không thể thiếu khu vực kinh tế tư nhân trong nước tăng trưởng hiệu quả và lớn mạnh”.

Sở dĩ hai người đứng đầu Chính phủ phải nhấn mạnh yếu tố “động lực” của tư nhân, bởi kinh tế khối nhà nước hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu đó. Và Chính phủ Việt Nam buộc phải thừa nhận sự trông chờ có thực đối với giới tư bản trong cứu lấy nền kinh tế èo uột bởi định hướng XHCN trong hang thập niên qua, và ước tính 40% GDP đến từ sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân.

Còn với cái đuôi “định hướng XHCN”, nó được vận hành “hiệu quả” như thế nào có thể thấy rõ qua báo cáo Kiểm toán nhà nước trong năm 2015, 2016. Theo đó, riêng năm 2016, tổ chức này cho hay, chỉ tính riêng các công ty con của tập đoàn nhà nước Vinalines đã âm vốn đến 20.000 tỷ đồng; các tập đoàn – công ty khác như Tập đoàn Petro Việt Nam; Lâm nghiệp Việt Nam; Xi măng Việt Nam nối đuôi nhau âm vốn, lỗ lũy kế… Và hầu hết các tập đoàn – công ty nhà nước đều được liệt kê vào thành phần “quá hạn, nợ khó đòi lớn”.

Và một khi thành tố đã không đảm bảo “năng lực” thì sự “chủ đạo” chỉ còn mang tính lý thuyết. Cần nhắc lại, đặc trưng lớn của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN được thiết lập từ thập niên 90 (TK XX) chính là “một nền kinh tế đa dạng các hình thức sở hữu, nhưng khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế”.

Trong khi đó, liên quan đến tương lai của nền kinh tế Việt Nam, vừa qua Forbes công bố danh sách nhóm tỷ phú giàu nhất thế giới, với Việt Nam, ngoài ông chủ tập đoàn Vingroup với 2,4 tỷ USD, thì còn có sự góp mặt của bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO hãng hàng không giá rẻ Vietjet với mức tài sản khoảng 1,2 tỉ USD. Tất nhiên, cả hai xuất phát từ tập đoàn tư nhân. Điều này cho thấy, sự trỗi dậy của CNTB tại Việt Nam là hoàn toàn có thực về mặt thực tiễn, và nhà nước cần phải ghi nhận điều này.

Nếu đặt trong nguyên tắc “định hướng XHCN” thì đó phải là nguyên tắc hỗn hợp giữa CNTB và CNXH để cho ra cái gọi là “tư bản đỏ”. Là sự lạm dụng “định hướng” để tư lợi của giới tư bản trong nước, hay gọi tên đúng hơn là “lợi ích nhóm” giữa lợi dụng quyền lực chính trị với giới làm kinh tế tư nhân. Siêu đô thị 15.000 ha tại Củ Chi của Tập đoàn Tuần Châu hay Vingroup tại có khu đất vàng trên khắp Việt Nam là biểu hiện điển hình của thu vén về mặt đất đai thông qua cơ chế ưu đãi đặc biệt của một nhóm người vì lợi ích của nhau, và hầu hết trong đó trở thành “sân sau” của các chính trị gia thông qua mối quan hệ gần gũi ruột thịt (vợ, con) hoặc họ hàng. Những người “cộng sản” hậu chiến đã từng bước phản bội “ý thức hệ” khi chiếc áo kinh tế bao cấp được cởi bỏ.

Chủ nghĩa tư bản có tiếp tục hoành hoành ở Việt Nam hay không? Có thể dễ dàng nhận diện qua việc tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ đạt 44 triệu người vào năm 2020 và 95 triệu người vào năm 2030 (tức ½ dân số), theo nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết. Tất nhiên, tầng lớp này sẽ không chỉ Tây phương hóa về cách hưởng thụ, mà họ còn đòi hỏi một thị trường thực sự tự do, nơi bình đẳng về hoạt động kinh tế được thiết lập, và cái đuôi kỳ dị “định hướng XHCN” sẽ biến mất hoàn toàn về cả mặt lý thuyết.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)