VNTB – Pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cần được tu chỉnh

VNTB – Pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cần được tu chỉnh

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) –  Quyền tự do chính trị trong lựa chọn niềm tin tôn giáo lại chưa được “tương thích” trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo 

 

Nhà chức trách nói rằng, “tự do tôn giáo phải trong khuôn khổ pháp luật”. Vậy thì cần thiết nới lỏng – mở rộng khuôn khổ ấy để quyền tự do tôn giáo phổ quát hơn.

Một báo cáo nội bộ của Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng đã đưa ra một số nhận định như sau về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, xin được trích giới thiệu đến quý bạn đọc trang Việt Nam Thời Báo.

Luật về quản lý tôn giáo đã không phù hợp thực tế

Về khái niệm “tổ chức tôn giáo trực thuộc”. Theo quy định tại Khoản 13, Điều 2 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo: “Tổ chức tôn giáo trực thuộc là tổ chức thuộc tổ chức tôn giáo, được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo”.

Quy định này đưa đến một số khó khăn trong triển khai thực hiện: Thứ nhất, theo nội hàm khái niệm, để xác định là tổ chức tôn giáo trực thuộc thì thực thể đó phải thỏa mãn ba điều kiện: (1) thuộc tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận; (2) là bộ phận cấu thành của tổ chức tôn giáo được quy định trong hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo; (3) được thành lập theo quy định của hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo.

Tuy nhiên, về điều kiện thành lập, có hiến chương, điều lệ quy định việc đăng ký với chính quyền trước khi thành lập, nhưng cũng có hiến chương, điều lệ không quy định vấn đề này (Giáo hội Công giáo Việt Nam), dẫn đến tình trạng khi thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức tôn giáo thực hiện đăng ký hoặc không đăng ký với chính quyền khi xét thấy có lợi cho tổ chức tôn giáo.

Thứ hai, hiện tại ở Việt Nam có nhiều tổ chức tôn giáo với mô hình, hệ thống cơ cấu tổ chức từ trung ương đến cơ sở rất khác nhau (theo quy định của hiến chương, điều lệ tổ chức tôn giáo), nhất là đối với Công giáo, mô hình cơ cấu tổ chức được quy định trong Bộ giáo luật (thực hiện từ Giáo triều Vatican đến giáo xứ); trong các hiến chương, điều lệ của các dòng tu; trong các quy chế, nội quy của giáo phận… với nhiều tầng nấc hành chính đạo, trung gian liên kết, nhiều bộ phận cấu thành trong mỗi tầng nấc, trong khi chưa được cơ quan có thẩm quyền của trung ương hướng dẫn chi tiết.

Do vậy, chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc xác định đâu là tổ chức tôn giáo trực thuộc, đâu là bộ phận cấu thành của tổ chức tôn giáo trực thuộc để làm cơ sở thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.

Không nhất quán vì không cùng góc nhìn?

Về sự thiếu thống nhất giữa quy định tại Khoản 13 và Khoản 14, Điều 2, Luật tín ngưỡng, tôn giáo: Khoản 13, Điều 2 quy định: “Tổ chức tôn giáo trực thuộc là tổ chức thuộc tổ chức tôn giáo, được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo”. Khoản 14, Điều 2 quy định: “Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo”.

Căn cứ nội dung Khoản 13, Điều 2, Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Điều 57, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Đơn vị cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, Niệm Phật đường (gọi chung là tự viện), dưới sự quản lý của các cấp Giáo hội”, thì có sự thiếu thống nhất giữa Khoản 13 và Khoản 14, Điều 2, Luật tín ngưỡng, tôn giáo trong việc xác định địa vị pháp lý của “chùa”.

Bởi vì, Điều 57, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam xác định “chùa” không phải là cấp hành chính đạo, nhưng là đơn vị cơ sở, là tổ chức tôn giáo trực thuộc trong hệ thống cơ cấu tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Thực tiễn công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho thấy, việc xác định “chùa” của Phật giáo như cơ sở tôn giáo là chưa phù hợp. Bởi vì, cũng như các đơn vị cơ sở của các tôn giáo khác như “giáo xứ” của Công giáo, “chi hội” của đạo Tin lành, “họ đạo” của đạo Cao Đài, “chùa” của Phật giáo có cơ sở vật chất như đất đai, tài sản, có các công trình tôn giáo là chính điện, nhà tổ, trai đường,…, có nhân sự quản lý điều hành là trụ trì hoặc ban trụ trì, ban quản trị…

Vì vậy, khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo xem “chùa” của Phật giáo là “cơ sở tôn giáo” gây không ít khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước các cấp khi xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan đến tổ chức, nhân sự, hoạt động của “chùa” như thành lập, bổ nhiệm, hoạt động lễ nghi, hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài và các vấn đề khác theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng khi xác định chủ thể về mặt tổ chức thực hiện thủ tục pháp lý trong việc giao đất, cấp phép xây dựng.

Nhà nước đã can thiệp quá sâu về nhân sự tôn giáo

Về xác định thẩm quyền tiếp nhận thông báo phong phẩm trong tôn giáo, thì theo quy định tại Khoản 1, Điều 33, Luật tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương về người được phong phẩm hoặc suy cử làm “… mục sư của các tổ chức Tin lành (…) và các phẩm vị tương đương của tổ chức tôn giáo khác”.

Quy định này chưa rõ dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý của địa phương khi xác định nội hàm khái niệm “phẩm vị tương đương của tổ chức tôn giáo khác” cũng như khi hướng dẫn các tổ chức tôn giáo thực hiện quy định này.

Điển hình như đối với phẩm vị “linh mục” của Công giáo, liệu có tương đương với phẩm vị “mục sư” của đạo Tin lành, để xác định thẩm quyền tiếp nhận thông báo.

Bên cạnh đó, quy định này còn bất cập ở chỗ, tuyệt đại bộ phận mục sư của các tổ chức Tin lành hoạt động tôn giáo ở địa bàn cơ sở tại các điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung và các chi hội, do chính quyền địa phương trực tiếp quản lý. Vì vậy, việc phân cấp cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương tiếp nhận thông báo đối với phẩm vị “mục sư” của các tổ chức Tin lành là chưa thật sự phù hợp.

Cơ sở tôn giáo và quyền sở hữu của quản lý hành chính công?

Về việc xác định “địa điểm hợp pháp” của các tôn giáo: Các điều 17, 19, 22 và 29 của luật quy định, một trong những điều kiện và thành phần hồ sơ đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo, thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc là phải có “địa điểm hợp pháp”.

Khoản 15, Điều 2 quy định: “Địa điểm hợp pháp là đất, nhà ở, công trình mà tổ chức hoặc cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật”.

Thực tế phát sinh các quan điểm khác nhau trong việc áp dụng quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo đối với việc xác định “địa điểm hợp pháp” để giải quyết đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo, thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Có quan điểm cho rằng, “địa điểm hợp pháp” trong các trường hợp này là nhà ở, đất đai, công trình xây dựng phải thuộc quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức tôn giáo; trong đó đất đai phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đai tôn giáo, nhà ở và công trình phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận cho phép xây dựng theo quy định của pháp luật xây dựng; nếu chưa phải là đất đai thuộc quyền sử dụng của tổ chức tôn giáo thì cũng phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đai tôn giáo.

Trong khi đó, có quan điểm cho rằng, “địa điểm hợp pháp” là nhà ở, đất đai, công trình xây dựng được tổ chức, cá nhân tạo lập hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Do vậy, ngoài các trường hợp nhà ở, đất đai, công trình xây dựng thuộc quyền quản lý, sở hữu, sử dụng của tổ chức tôn giáo thì “địa điểm hợp pháp” còn bao gồm nhà ở, đất đai, công trình thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà tổ chức tôn giáo thuê, mượn theo quy định của luật dân sự.

Việc định nghĩa “địa điểm hợp pháp” tại Khoản 15, Điều 2, áp dụng chung cho tất cả đối tượng, khách thể quản lý hoạt động tôn giáo như diễn giải trên cho thấy rõ ràng chưa phù hợp với thực tiễn cả dưới góc độ tổ chức tôn giáo lẫn dưới góc độ quản lý nhà nước.

Dưới góc độ tổ chức tôn giáo, địa điểm đặt nơi sinh hoạt tôn giáo tập trung, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có ý nghĩa khác nhau với các tôn giáo khác nhau. Trong đó, đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, địa điểm đặt trụ sở, nơi sinh hoạt tôn giáo không nhất thiết gắn liền với cơ sở thờ tự.

Nhưng đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc ở cơ sở như “chùa” của Phật giáo, “giáo xứ” của Công giáo, “họ đạo” của đạo Cao Đài… là nơi gắn liền với cơ sở thờ tự mang yếu tố linh thiêng phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành, chức việc và quần chúng tín đồ. Do đó, việc cho thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc ở cơ sở đồng nghĩa với việc giải quyết cho tổ chức tôn giáo tạo lập, xây dựng mới cơ sở thờ tự và công trình tôn giáo phụ trợ.

Dưới góc độ quản lý nhà nước thì việc thực thi pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đòi hỏi sự đồng bộ, thống nhất với các ngành luật điều chỉnh các lĩnh vực liên quan; phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, việc áp dụng “địa điểm hợp pháp” theo quy định trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo để giải quyết việc thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc ở cơ sở là chưa phù hợp, chồng chéo với các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng và quy hoạch, thậm chí tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giữ vững an ninh, quốc phòng.

Tạm thay lời kết

Từ một phần trích ở trên của một báo cáo lưu hành nội bộ Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, cho thấy vấn đề dân chủ, nhân quyền và quyền tự do tôn giáo, đồng ý là phải diễn ra trong khuôn khổ pháp luật cũng như phù hợp điều kiện phát triển kinh tế và lịch sử truyền thống văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, tuy nhiên trên thực tế của Luật tín ngưỡng, tôn giáo lại đưa đến một điều cần thẳng thắn nhìn nhận, là dường như những nhà quản lý hành chính nhà nước vẫn giữ tâm thế – nói theo ngôn ngữ tuyên giáo Đảng, là “thoát ly thực tế”.

Bởi theo Hiến định, tại Điều 14.1, thì “quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Trong số các quyền công dân đó, có quyền tự do chính trị trong lựa chọn niềm tin tôn giáo, và điều này tiếc thay lại chưa được “tương thích” trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo như một số diễn giải như đã trích ở bài viết này.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)