Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phật giáo và nhân quyền

Đông Đô

 

(VNTB) – Chính tự thân tổ chức Giáo hội đã khước từ nhân quyền của Phật giáo.

 

“Phật giáo và quyền con người”, đây là chủ đề Hội thảo khoa học do Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội phối hợp với trường Đại học Luật và Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hôm 17-5-2024.

Phát biểu đề dẫn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, chủ đề hội thảo phản ánh mối liên hệ sâu sắc giữa đạo và đời. Hội thảo đặt ra hai mục tiêu nghiên cứu, tương ứng với hai phiên tham luận và thảo luận tại hội trường, đó là: Sự tương đồng, và đặc biệt là các giá trị nhân đạo, nhân quyền trong giáo lý của Phật giáo; việc vận dụng giáo lý của Phật giáo để xiển dương các giá trị nhân đạo, nhân quyền trong xã hội.

Tuy nhiên như tuyên bố khai mạc hội thảo của Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, thì mục đích và ý nghĩa của hội thảo là nhằm nghiên cứu, làm rõ những giáo lý của Phật giáo với những ý nghĩa thực tiễn trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước về nhân quyền; tức đây là một thảo luận với mục đích chính trị tán dương Hà Nội về nhân quyền qua kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh.

Phụ họa với Hòa thượng Thích Thanh Quyết, dẫn chứng tại hội thảo, Đại đức, Tiến sĩ Thích Nguyên Toàn, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Giang cho rằng, Nhà nước và Giáo hội rất quan tâm đến tình hình tôn giáo ở các tỉnh biên giới nói chung, trong đó có Hà Giang. Sự phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Giang là minh chứng sinh động nhất cho bức tranh nhân quyền đó. Từ chỗ năm 2013, khi bắt đầu thành lập Giáo hội Phật giáo tỉnh, trên địa bàn chỉ có 3 ngôi chùa, đến nay đã có 25 cơ sở tôn giáo. Từ không có tín đồ phật tử, đến nay có gần 10 nghìn tín đồ phật tử. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay đã có ở 63 tỉnh, thành phố.

Đại đức Thích Nguyên Toàn cho rằng ở những nơi cơ sở tự viện đóng trên địa bàn tỉnh Hà Giang, nhân dân Phật tử đã bỏ dần các tập tục lạc hậu trong đời sống thường nhật; các hủ tục nghi lễ rườm rà dần được thay thế bởi các nghi lễ Phật giáo trang trọng, đơn giản và tiết kiệm. Tỷ lệ đến 100% tăng, ni, phật tử đồng thuận ủng hộ người nghèo, ủng hộ xây nhà tình nghĩa, làm đường giao thông nông thôn, làm cầu, giúp đỡ hộ gia đình khó khăn, gia đình diện chính sách xã hội. Trên 90% nhân dân Phật tử nắm được chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tư tưởng tiến bộ của Đức Phật, đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, hòa hợp, gắn bó.

“Đây là một bức tranh nhân quyền về tôn giáo tốt đẹp nhất”, Đại đức Thích Nguyên Toàn khẳng định như một tụng ca tôn vinh chế độ.

Ý kiến từ đại biểu không khoác áo tu sĩ như nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Bảo, Viện Trần Nhân Tông – Đại học Quốc gia Hà Nội, thì khi đi sâu nghiên cứu, ông nhận thấy Phật giáo có ảnh hưởng đến những quyền lợi của người dân trong chính sách tạo lệ thời Lê Trung Hưng.

Thứ nhất, giá trị di sản văn hóa của những di tích khiến triều đình đưa ra chính sách tạo lệ, ban cấp đặc quyền và ngoại lệ cho người dân để gắn nghĩa vụ chăm lo bảo tồn di tích, phụng thờ danh nhân.

Thứ hai, bản thân tín đồ Phật giáo cũng tham gia trực tiếp vào quá trình xin triều đình ban cấp lệnh chỉ để nhận được những đặc quyền và ngoại lệ trong chính sách tạo lệ.

Vấn đề trên cho thấy về ảnh hưởng của Phật giáo đối với pháp luật trong thời đại hiện nay, đặc biệt là làm sao quản lý hiệu quả di tích tự viện, khai thác và phát huy những giá trị của nó…, là điều cần nghiên cứu, ghi nhận khách quan cho tiến trình lập pháp, hành pháp của nhà nước độc quyền chính trị.

Bàn luận bên ngoài nội dung hội thảo, có ý kiến nhắc đến Công văn số 151/HĐTS-VP1 của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch – Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ký phát hành hôm 16-5-2024.

“Nếu hiểu theo nghĩa nhân quyền được tán tụng ở hội thảo này, thì xem ra với nhấn mạnh “Sư Minh Tuệ” “không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam” mà Công văn số 151/HĐTS-VP1 đã nhấn mạnh, thì chính tự thân tổ chức Giáo hội đã khước từ nhân quyền của Phật giáo.

Phật giáo đưa ra quan điểm người tu phải “tự thắp đuốc lên mà đi”, chứ không phải là phải gia nhập cụ thể vào tổ chức nào, thế lực nào trong đời sống như ngầm ý diễn giải của Công văn số 151/HĐTS-VP1”, một số nhà báo tham dự đưa tin hội thảo, đã thắc mắc bên lề như vậy.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Hà Nội có tân ‘tổng trấn’ do Đảng ‘phân công’

Trương Thế Tử

VNTB – Tăng, ni và việc cất thất sinh hoạt ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Kiểm tra Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2016 – 2021

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.