Diệp Chi
(VNTB) – Nhìn đâu cũng có thể thấy người vừa chạy xe vừa sử dụng điện thoại.
Bức tranh này dường như là muôn hình vạn trạng với đủ các sắc thái. Từ những tài xế xe ôm công nghệ chúi mũi vào điện thoại; có người một tay vừa nghe điện thoại, một tay chạy xe… cho đến những người dân vừa chạy xe vừa nhắn tin. Từ những bà phụ nữ sẵn sàng dừng xe bất chấp để “tám” điện thoại cho đến những “hoàn cảnh” vừa chạy xe vừa gọi video trên ứng dụng Zalo. Có những trường hợp “quái chiêu” hơn, vừa tham gia giao thông, vừa đọc… tin tức.
“Nói thiệt là tui không hiểu nổi mấy trường hợp đó. Tin tức gì mà mê dữ vậy. Mê tới cái mức ở nhà không đọc, ở quán cà phê không đọc, phải vừa chạy xe vừa đọc tin tức. Rồi có đọc kỹ được từng câu từng chữ không? Rồi làm vậy có an toàn không? Có chắc không gây ảnh hưởng đến người khác không?”, cựu sinh viên Khang lắc đầu ngao ngán.
Cuộc sống dường như càng lúc càng khó khăn, màu áo của các tài xế công nghệ dường như cũng nhiều hơn trên các con đường ở Sài Gòn. Trước thông tin trái chiều về phạt những tài xế xe ôm công nghệ vừa sử dụng điện thoại vừa tham gia giao thông, có người ủng hộ, cũng không ít người phản bác.
“Đặc thù của tài xế xe ôm công nghệ là sử dụng điện thoại. Nhận đơn thông qua ứng dụng, lái xe phải nhìn bản đồ. Một chuyến xe vậy kiếm được bao nhiêu? Rồi tình hình, theo quan sát, giờ lực lượng xe ôm công nghệ cũng nhiều hơn trước, thị trường càng lúc càng bão hòa. Sẽ khó khăn hơn rất nhiều trong “kiếm ăn”. Những người độc thân thì dễ, những người có gia đình hay xấu hơn, gia đình có cả người bệnh. Thì lại càng khó hơn nhiều”, thông cảm trước hoàn cảnh của xe ôm công nghệ, ông Hai chia sẻ.
Không đồng tình với chia sẻ của ông Hai, theo cựu sinh viên Khang, cũng từng là tài xế xe ôm công nghệ trước dịch thì: “Theo mình thì không đúng. Đã tham gia giao thông thì mọi người phải có sự bình đẳng. Anh có công việc của anh, tôi có công việc của tôi. Anh có khó khăn, tôi cũng có khó khăn. Hơn hết, luật đã quy định thì cứ việc mà tuân theo, thượng tôn pháp luật. Nếu anh không vi phạm thì không ai phạt được anh hết”.
Trung hoà giữa hai ý kiến, với chị Ngọc thì: “Thật ra theo mình nghề nào cũng có cái khó của nó. Cuộc sống anh khó khăn, anh mới phải dãi nắng dầm mưa để kiếm thêm. Có những anh xe ôm công nghệ chạy xe rất đàng hoàng, nhận cuốc thì đứng bên lề đường, điện thoại mở bản đồ thì kẹp ở đầu xe, vừa chạy vừa ngó, chạy xe bằng hai tay.
Nhưng, nói đi cũng nói lại, cũng có không ít tài xế, mình không biết sao, gọi là chạy xe bất chấp. Không hẳn chỉ sử dụng điện thoại mà còn lấn làn, tạt đầu xe. Điện thoại thì vừa cầm vừa chạy, con mắt thì cắm vào cái màn hình. Mình chạy kế bên cảm giác rất bất an. Cho nên, với những trường hợp chạy xe nguy hiểm như vậy. Theo mình, nên phạt nặng”.
Theo điểm h khoản 4 và điểm b, điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại điểm g khoản 34 và điểm c khoản 35 Điều 2 Nghị định 123/2021) quy định mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe từ 800.000 – 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.
Ngoài phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX từ 1 – 3 tháng; Bị tước quyền sử dụng GPLX từ 2 – 4 tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông.