Phương Thảo
(VNTB) – Bob Kerrey đã chơi đẹp hơn người cộng sản rất nhiều khi công khai nhận lỗi và xin lỗi cũng như thừa nhận lịch sử dù có trần trụi và đau đớn.
Bob Kerrey đã chơi đẹp hơn người cộng sản rất nhiều khi công khai nhận lỗi và xin lỗi
Vòng lẩn quẩn “hòa hợp hòa giải”
Đại học Fulbright là trường đại học tư nhân độc lập đầu tiên tại Việt Nam. Theo lời cựu Thượng nghị sĩ Kerrey, Ngoại trưởng John Kerry và Thượng nghị sĩ John McCain dự án này là một biểu tượng của sự hòa giải giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Việc này đã gây ra tranh cãi trên mạng xã hội liệu Bob Kerrey có nên đảm nhiệm chức vụ này hay không với. Trong cuộc phỏng vấn với Here &Now, Cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bob Kerrey nói rằng việc ông từ chức sẽ làm tổn hại cho chương trình này.
Trả lời phỏng vấn của Robin Young về cuộc thảm sát trong thời kỳ chiến tranh, Bob Kerrey đã nói rõ rằng ông không phiền khi trao đổi về chuyện quá khứ nhưng Đại học Fulbright là kết quả của gần 25 năm nỗ lực hòa giải. Bob Kerrey cũng nhắc đến sự ủng hộ của bí thư thành ủy Đinh La Thăng. Để minh chứng cho việc hướng về tương lai, Bob Kerrey cho hay người phụ nữ được bổ nhiệm điều hành chương trình Fullbright là một người Hà nội đã từng chứng kiến các trận ném bom của quân đội Hoa kỳ ở Bắc Việt trong những năm chiến tranh.
Kerrey cho biết ông đã nhận được những lời chỉ trích về những nỗ lực trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Hoa Kỳ Việt Nam không phải từ phía người Việt mà là từ người Mỹ khi họ gọi ông là kẻ phản bội. Khi được hỏi về việc có dự định từ chức hay không, Bob Kerry xác nhận ông đã có tuyên bố ông có thể sẽ từ chức trước đây, tuy nhiên ông sẽ từ chức nếu đây là trường đại học Hoa Kỳ, còn với trường đại học của người Việt nam thì việc ông từ chức sẽ làm tổn hại đến sự thành công của dự án.
Những tranh cãi trên mạng xã hội về Bob Kerrey và Fulbright Việt Nam đã xát muối vào những vết thương cũ do tự tay nhưng người Việt xẻ ra trở lại. Một bộ phận những chỉ trích đã nhằm vào tội lỗi trong quá khứ của Bob Kerrey để quyết định tương lai cho một trường đại học với ý cho rằng ông người không xứng đáng. Trong lá thư ngỏ gởi cho chủ bút của tờ New York Times, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng bổ nhiệm Bob Kerry là người Mỹ đã bất chấp lòng tự trọng và phẩm giá của người Việt. Nhưng liệu có phải ai cũng đồng tình với suy nghĩ này của bà?
Vấn đề không còn dừng lại ở việc có tha thứ cho Bob Kerry hay không mà đã dẫn sang việc hòa giải hòa hợp trong chính cộng đồng người Việt. Chính những lời buộc tội này đã làm dấy lên những tranh cãi gay gắt về các cuộc thảm sát khác từ thời kỳ cải cách ruộng đất ở Miền Bắc, cuộc thảm sát Mậu Thân 1968 cho đến công cuộc đánh tư sản sau 1975. Một bên lên án những người thực hiện các hoạt động này cũng như chính sử Việt nam hiện tại chưa bao giờ dám lên tiếng thừa nhận sự thật chứ đừng nói là dám xin lỗi vì những lỗi lầm trong quá khứ để mong có được sự cứu rỗi linh hồn. Bên còn lại ra sức xoáy vào con số 21 nạn nhân ở Thạnh Phong 47 năm về trước và cả nỗi lo sợ người Mỹ sẽ làm than rã ý thức hệ của thế hệ sinh viên theo học ở ngôi trường này sau này. Việc hòa giải hòa hợp của chính dân tộc Việt nam và sự bất đồng Quốc- Cộng lại đi vào vòng lẩn quẩn mà chưa biết khi nào mới thoát ra được.
Phép thử Kerrey
Bob Kerrey đã chơi đẹp hơn người cộng sản rất nhiều khi công khai nhận lỗi và xin lỗi cũng như thừa nhận lịch sử dù có trần trụi và đau đớn. Người ta có thể bỏ qua cho người thật tâm hối lỗi, nhưng không ai có thể bỏ qua cho những người cương quyết không nhận lỗi vì hèn nhát hay vì lợi ích cá nhân. Điều Bob Kerrey vượt mặt qua được không ít người Việt là đặt lợi ích của cả hai quốc gia lên trên khi tuyên bố rằng ông đóng góp cho Việt nam từ năm 1989 trở đi là do mối quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia Hoa Kỳ-Việt nam, chứ không phải mối quan hệ đặc biệt của ông với Việt nam. Ông có thể chọn một cuộc sống ẩn dật và không làm gì cả nhưng ông thật sự có thể giúp cho Việt nam để sẽ xây dựng được một trường đại học tốt do chính người Việt điều hành.
Obama đã nói trong bài phát biểu tại Hà Nội rằng “tương lại của Việt nam nằm trong tay người Việt”, vậy mà giờ đây một món quà cho tương lai chỉ mới chớm được trao tay, người Việt hai bên lại xâu xé nhau về quá khứ một cựu binh Mỹ bao năm nay đang bền bỉ gắn bó với Việt nam, mạt sát và chia rẽ nhau vì một cá nhân để khơi sâu thêm cái hố ngăn cách cho sự hòa giải hòa hợp vẫn chưa từng được san bằng sau 41 năm nội chiến kết thúc. Người Mỹ liệu có lường trước được sự bất hòa này khi bổ nhiệm Bob Kerrey? Có lẽ là có, và phép thử Kerrey đã chứng tỏ được rằng những người Việt vẫn còn ôm mãi hận thù lẫn nhau sẽ không định đoạt được tương lai từ góc nhìn quá khứ.